04/11/2011 08:47 GMT+7

"Con nợ" Hi Lạp nếm nhục trước G20

HỮU NGHỊ
HỮU NGHỊ

TT - Cuối chiều 2-11, Thủ tướng Hi Lạp Papandreou đã lặng lẽ bay đến Cannes (Pháp), nơi các nhà lãnh đạo G20 gặp nhau trong hai ngày 3 và 4-11. Hi Lạp thật ra không có chỗ ở hội nghị này, song ông Papandreou đã bị “chủ nhà” của G20 vời đến để đứng trước một hội nghị G20 bỏ túi và nghe các nhà lãnh đạo châu Âu “lên lớp”.

a38X2CxL.jpgPhóng to

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, chủ trì hội nghị G20, tiếp đón Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Cannes ngày 3-11 - Ảnh: Reuters

Chủ nhà G20, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, đã cảnh cáo Thủ tướng Hi Lạp: “Chúng tôi nói rõ với nhà chức trách Hi Lạp, cả đa số cầm quyền lẫn phe đối lập, là EU và IMF sẽ chỉ có thể tháo khoán gói trợ giúp thứ 8 cho Hi Lạp một khi Hi Lạp thực thi toàn bộ gói thỏa thuận hôm 27-10, đồng thời xóa bỏ mọi bất an về cuộc trưng cầu ý dân. Hi Lạp muốn ở lại hay không trong khối đồng euro? Đó là câu hỏi mà dân chúng Hi Lạp sẽ phải trả lời, nếu như bỏ phiếu trưng cầu... Và phải tổ chức trưng cầu càng sớm càng tốt, vào khoảng ngày 4-12 chứ không thể lâu hơn. Chúng tôi sẽ chẳng ai để cho châu Âu và đồng euro bị phá hủy đâu...!”.

Trước đó, Hi Lạp dự định trưng cầu ý dân vào tháng 1-2012 với câu hỏi: “Đồng ý hay không đồng ý với thỏa thuận giải cứu của châu Âu?”.

Trong dư luận và truyền thông nước chủ nhà G20 đã nổi lên những lăng mạ. Đài truyền hình Pháp FR5 dành cả buổi tối 2-11 để bàn xem “liệu có phải tiễn Hi Lạp ra hay không?”. Các khách mời như chính khách Jean-Dominique Giuliani, giáo sư luật Guy Carcassonne, giáo sư kinh tế Christian Saint-Etienne... cứ thay nhau trách cứ “con nợ” Hi Lạp với đại ý: Còn muốn gì nữa?... Xóa 100 tỉ, vậy ai móc túi ra trả? Mình chớ ai!... EU đã cấp biết bao tiền bạc cho họ xây đường sá, bảo tồn các đền đài... vậy mà nay vong ơn!”.

Câu chuyên “chu cấp” và “vong ơn” này cũng thật đáng nhớ. Theo website của Bộ Ngoại giao Mỹ, “từ năm 1994-1999, EU đã cấp cho Hi Lạp khoảng 20 tỉ USD để chi cho các dự án hiện đại hóa và phát triển mạng lưới giao thông phục vụ Thế vận hội 2004, một sân bay quốc tế mới tiếp sau hệ thống xe điện ngầm ở Athens. Trong giai đoạn từ năm 2000-2006, EU cấp tiếp cho Hi Lạp khoảng 24 tỉ USD. Tiếp đó là 24 tỉ USD cho giai đoạn 2007-2013 nhằm giúp Hi Lạp cân bằng cán cân ngân sách của mình...”.

Như vậy, Chính phủ Hi Lạp đã vay từ EU 44 tỉ USD, chưa kể số nợ vay từ các ngân hàng tư nhân... Nếu tính tổng nợ đến năm 2004 thì nợ công này lên đến 183,2 tỉ USD (nguồn: Eurostat, ELSTAT). Khi vay, chính phủ nào cũng hào hứng, ai cũng cảm thấy hãnh diện là “hiện đại hóa” khi khánh thành các xa lộ, sân bay, metro... Song ít ai nghĩ đến cái ngày phải bắt đầu trả nợ lẫn lãi... Thế là tai họa đổ ập xuống như đã thấy.

Ngoài thắt lưng buộc bụng, Hi Lạp còn được yêu cầu chống thất thu thuế như một biện pháp tự cứu và để tự tẩy rửa khỏi tham nhũng. Thế giới từng lan truyền một chi tiết minh họa: ở Hi Lạp có đến 60.000 hồ bơi không hề có trong hồ sơ địa chính, xây dựng, thuế vụ, song lại lồ lộ trên Google map. 60.000 hồ bơi “vô danh”, tức 60.000 biệt thự, chỉ có thể có được từ đồng tiền tham nhũng.

Không chỉ người Pháp mới la ó Hi Lạp, ngay cả người Anh cũng chỉ rõ: “Thật bật ngửa! Chỉ có 5.000 người ở đất nước này có thu nhập hơn 90.000 bảng Anh/năm, một đồng lương không đủ để mua một cái nhà vườn ở khu thanh lịch Kifissia. Vậy mà lại có đến hơn 60.000 biệt thự tư nhân có vốn đầu tư hơn 1 triệu bảng Anh (tương đương 1,6 triệu USD), đó là chưa kể vô số tiền trong các ngân hàng ở nước ngoài. Điều đó buộc một nhà kinh tế học phải mô tả Hi Lạp là một nước nghèo song lại đầy người giàu!”.

Cứ thế mà nay Hi Lạp phải mang nhục, bị ép cả chủ quyền chính trị như tựa một bài báo sau: “Hi Lạp nay trở thành một xứ bảo hộ!”.

Theo Reuters, vấn đề nợ châu Âu đã trở thành là trọng tâm của hội nghị G20 và làm mờ nhạt mọi vấn đề khác. Các thị trường đang nín thở chờ đợi một tuyên bố chung của các lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. “Sự căng thẳng đang ở cao độ” - trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu Andrew Milligan của Tập đoàn Standard Life Investment tại Edinburgh (Anh) nhận định.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có các cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel và tuyên bố muốn các nước G20 đạt được sự đồng thuận về mục đích. Trong khi đó, trả lời sau cuộc gặp với ông Sarkozy ngày 2-11, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố châu Âu nên tự cứu mình trước và Trung Quốc cần cân nhắc thêm chi tiết trước khi đầu tư cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF).

Lãnh đạo các nước Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức và IMF, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng nhóm họp nhằm triển khai các biện pháp giải cứu được thống nhất ngày 27-10. Kế hoạch bao gồm việc xóa nợ cho Hi Lạp, tái cơ cấu vốn cho Ngân hàng Trung ương châu Âu và bơm tiền cho EFSF.

TRẦN PHƯƠNG

HỮU NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên