Không phải chỉ mỗi con người mới biết cười. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, có ít nhất 65 loài động vật có thể "cười" theo cách riêng của chúng - Ảnh: SHUTTERSTOCK
Thông qua các nghiên cứu từng được công bố trước đây về hành vi của động vật, các nhà khoa học đến từ California (Mỹ) phát hiện ra rằng các loài động vật như: bò, chó, cáo, hải cẩu, linh cẩu hay cầy mangut… cũng có thể tạo ra những âm thanh tương tự như tiếng cười để bày tỏ cảm xúc và cảnh báo đối thủ.
Tác giả nghiên cứu, nhà nhân chủng học Sasha Winkler và giáo sư Greg Bryant, cho biết nhóm đã thu thập các bản ghi âm của các loài động vật, sau đó phân tích những thông tin về cường độ âm thanh lớn hay nhỏ, kéo dài hay ngắt quãng, âm cao hay trầm, đơn điệu hay có nhịp điệu.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn giữa tiếng cười của con người và các loài động vật. Thông thường khi cười, con người đang cung cấp thông tin để người khác biết rằng bản thân đang vui vẻ và cũng mời người khác cùng vui.
Một số học giả trước đây cho rằng loại hành vi phát ra âm thanh này xuất hiện trên nhiều loài động vật khi chúng đang chơi đùa. Nhưng nhà nhân chủng học Sasha Winkler và giáo sư Greg Bryant lại phát hiện "tiếng cười" của mỗi loài động vật có sự khác biệt. Không phải loài nào cười cũng là đang vui vẻ.
Ví dụ như loài linh cẩu thường phát ra tiếng cười mỗi khi chúng cảm thấy bị đe dọa, bị tấn công hay đơn giản khi chúng buồn bực. Những con linh cẩu già có xu hướng "cười"' ở âm vực thấp, trong khi những con trẻ hơn thì "cười" với âm thanh đa dạng và có âm vực cao hơn.
Nhóm nghiên cứu cho rằng các nghiên cứu chuyên sâu về việc phát ra âm thanh trong tự nhiên sẽ rất hữu ích. Việc này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hình thái, chức năng tiếng cười ở con người và vai trò của nó đối với sự tiến hóa hành vi xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận