09/04/2016 08:58 GMT+7

Còn mãi trong nhau

NAM THỤ
NAM THỤ

TTO - Những năm giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, ở một thị xã nhỏ miền Trung rực nắng và hun hút gió, có cặp tình nhân đã bước qua các định kiến, thử thách các ràng buộc để đến với nhau.

Hình ảnh thời xuân sắc của người phụ nữ đã vượt qua nhiều rào cản để đến với người yêu, cùng những dòng chữ viết cho người yêu dấu - Ảnh: NVCC
Hình ảnh thời xuân sắc của người phụ nữ đã vượt qua nhiều rào cản để đến với người yêu, cùng những dòng chữ viết cho người yêu dấu - Ảnh: NVCC

Những năm giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, ở một thị xã nhỏ miền Trung rực nắng và hun hút gió, nơi các lề thói được hun đúc và quyện chặt lại với nhau, vậy mà có cặp tình nhân đã bước qua các định kiến, thử thách các ràng buộc để đến với nhau.

Cô là con gái út của một vị phán sự có tiếng tại tỉnh ấy thời Pháp thuộc. Nhà quyền quý, cô học hành đàng hoàng, đã làm cô giáo trường tư do chính ba cô mở. Cô còn là giọng hát được lên đài phát thanh. Trong một hoàn cảnh thế, trong một gia đình thế, không ai nghĩ cô lại yêu anh.

Anh là con một nhà nho lỡ thời, làm thầy thuốc nam và chủ mảnh vườn trồng cau xanh mướt. Tính anh ít nói, nóng nảy. Một mình anh leo mãi hái hết vườn cau nhà bằng cách nhảy chuyền từ ngọn cây này qua cây khác. Anh mang truyền đơn cách mạng trong cặp đi học, bị phát hiện, phải nằm nhà lao, bị tra tấn đến liệt nửa người.

Anh là bạn học võ với anh trai cô, có qua nhà vài lần. Có lần thấy cô ngồi gảy mandolin và hát, anh nhìn không chớp mắt, đến lúc bạn vỗ vai mới giật mình mắc cỡ mà cúi mặt đi qua. Anh gửi cho cô bài thơ, du dương và nhẹ nhàng.

Cô ép vào cuốn sổ riêng mình. Cô gửi cho anh tấm ảnh cô mặc áo dài, tóc uốn lọn cong, ngồi bên bình hoa trắng. Anh để tấm ảnh vào tráp đồ quý, giữ mãi đến sau này. Anh 19 và cô 17, tuổi đẹp cho tình yêu chớm nở. Sau hai năm yêu nhau, họ cũng muốn nghĩ đến việc xa hơn.

Chuyện vỡ ra, cả hai gia đình đều không đồng ý. Nhà nho chê ông phán sự bám Tây, quên nề nếp cũ. Ông phán chê nhà nho nghèo, cổ hủ, không môn đăng hộ đối. Cô khóc hết nước mắt không làm mềm lòng người lớn, cô lặng lẽ thu xếp đi vào Sài Gòn, cô đan áo, cô thử đi hát, cô muốn quên đi bằng một cuộc sống mới.

Nhưng không thể, cô quay về lại quê nhà, khoác áo nâu tại một ngôi chùa ở ngoại ô tỉnh lỵ. Anh biết, tìm đến gặp cô, cầm tay cô rớm mắt, anh quay về với quyết tâm. Anh quỳ mãi trước mặt mẹ mình, xin bà mang sính lễ qua gặp ba cô nói chuyện.

Bà đi, ba cô dứt khoát không tiếp, lịch sự mời bà về. Anh nhờ bạn mình, con trai cưng của ba cô nói thêm vào, anh bạn thương cuộc tình, cứ tỉ tê mãi, cuối cùng ba cô cũng xiêu. Anh lại về, quỳ xin ba mẹ mang sính lễ qua lần nữa, bà không đồng ý.

Anh cứ quỳ mãi ở đó qua cả đêm dài, đến sáng mai, thấy anh gần đổ gục, bà thở dài và lại đi. Lần này mọi việc êm xuôi, anh đón cô từ chùa về bằng một đám cưới rạng ngời hạnh phúc.

Anh tốt nghiệp sư phạm, được điều đi dạy ở một tỉnh xa, cô theo anh trong tất cả mọi quãng đường. Cô chăm sóc anh và chăm sóc gia đình, cô lo cơm nước và làm ruộng. Ngay cả khi nghề giáo trở thành một nghề nhọc nhằn và ngặt nghèo nhất, anh vẫn theo những học trò làng chài xơ xác của mình, cô vẫn miệt mài với mảnh ruộng nhỏ.

Lâu lắm, khi những vòng xe đạp ngược gió, ngược dốc đi dạy ca đêm của anh chậm lại, khi mùa màng đã thu xếp ổn thỏa, anh lại lôi cây sáo trúc ra, cô ngồi bên cạnh để cùng hòa điệu. Họ thu xếp để có thể sống được như mình muốn, dạy con cái như mình muốn, dù có thể đổ mồ hôi hơn, thức khuya hơn.

Cái hôm cô vào phòng mổ, bệnh ung thư bao tử giai đoạn 3 khiến các bác sĩ cho một tiên lượng khá dè dặt. Anh không chịu về nhà con cái nghỉ, anh ở lại đợi cô mổ xong. Anh viết điều gì đó trên giấy, rồi bảo con đi cùng mình xuống khoảng xanh dưới bệnh viện.

Lần đầu tiên trong cuộc đời cứng cỏi của mình, anh đứng chắp tay lầm rầm khấn vái: “Mong trời phật độ trì cho vợ con được bình an, ca mổ thành công, phục hồi sức khỏe”. Anh bảo người con đốt mảnh giấy anh có ghi lời khấn cho cô, tất cả hóa tro nhanh chóng.

“Thật kỳ diệu”, đó chính là lời bác sĩ khi nói về trường hợp của cô, cô chịu đựng được ca mổ, đáp ứng tốt hóa trị, khối u không di căn hay tái phát. Anh làm bài thơ tặng cô ở tuổi 80, tươi như bài thơ trao nhau lần đầu. Cô cười móm mém: “Cái ông này, nhiều chuyện”.

Cơn đột quỵ bất ngờ, anh đi dịp cận tết, gần kỷ niệm ngày cưới của họ. Cô không khóc trong suốt cả tang lễ, để người đi cho thanh thản. Nhưng mắt cô đã trống lắm, đục lắm. Con cái xin đưa cô vào Sài Gòn sống chung, cô gạt phắt. Anh có chiếc điện thoại hay dùng khi còn sống, cô cứ mang theo mình kể cả khi đi ngủ dù không biết dùng, để như có người bên cạnh.

Anh và cô trong câu chuyện chính là ba má tôi. Hôm tết rồi tôi về sớm, thay ba chở má đi coi chợ mai tết, đi nghe gió biển u u, xem vườn hoa vạn thọ ngoại ô, dù tôi biết ai chở má thì má cũng sẽ chỉ đi với ba, cùng những cung đường của ký ức mình.

Sẽ không còn bao mùa như thế nữa, câu chuyện về ba má rồi sẽ bị thời gian xóa dần, nhưng ở một khoảnh khắc nào đó, bên trong họ, những tình yêu đủ lớn, họ sẽ còn ở lại trong nhau và cho nhau mãi mãi.

NAM THỤ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên