01/02/2019 10:13 GMT+7

Con đường thành vựa hoa châu Á

MAI VINH thực hiện
MAI VINH thực hiện

TTO - Khi những chuyến xe cuối cùng rời Đà Lạt đưa hoa đi khắp nơi bán Tết, những người trồng hoa mới thở phào nhẩm tính lại chuyện làm ăn một năm qua.

Con đường thành vựa hoa châu Á - Ảnh 1.

Công nhân Công ty Rừng Hoa Đà Lạt kiểm tra chất lượng hoa kala ly ly chậu nhỏ, trồng từ giống công nghệ cao, trước khi xuất khẩu - Ảnh: M.VINH

UBND tỉnh Lâm Đồng đang xây dựng sàn giao dịch hoa chất lượng cao. Sàn giao dịch có mở kênh đấu giá từ xa thông qua thương mại điện tử để những nhà phân phối hoa nước ngoài có thể đặt mua từ xa. Sàn giao dịch hoa là phương án thúc đẩy xuất khẩu hoa ngay tại Đà Lạt, mặt khác nhằm minh bạch giá bán để nâng lợi nhuận cho nông dân

Ông Phạm S (phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng)

Khi những chuyến xe cuối cùng rời Đà Lạt đưa hoa đi khắp nơi bán Tết, những người trồng hoa mới thở phào nhẩm tính lại chuyện làm ăn một năm qua. Không chỉ là chuyện ăn nên làm ra, bán lời năm lãi bảy mà còn là chuyện cả một mùa hoa cựa quậy để ước mong "Đà Lạt thành vựa hoa của châu Á".

"Năm qua Đà Lạt có hơn 300 triệu cành hoa xuất khẩu, chiếm 10% sản lượng hoa của Đà Lạt. Năm 2018, vùng hoa Đà Lạt thu về 36 triệu USD từ xuất khẩu hoa. Đây là những con số đáng suy nghĩ" - ông Phan Thanh Sang, chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, nhìn nhận.

Quy hoạch vùng để không giẫm chân nhau

* Thưa ông, con số này đơn thuần là một con số tổng kết của một năm kinh doanh hoa nhưng cũng đáng suy nghĩ cho vùng hoa Đà Lạt. Ông có cho rằng đây là thành tích?

- Con số thống kê đó đáng suy nghĩ ở chỗ cho thấy sản xuất của vùng hoa Đà Lạt có phát triển. Nhưng tiếc quá, cơ cấu sản lượng và doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm 10%. Phải chi cơ cấu này ngược lại, xuất khẩu 90% và nội tiêu 10% thì hay biết mấy. 

Cơ cấu nói trên cũng là cơ cấu chung của ngành hoa Việt Nam. Nói đến ý này tôi nhớ đến Malaysia, quốc gia có cao nguyên Cameron sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chuyên canh hoa với quy mô tương tự Đà Lạt nhưng xuất khẩu tới 90% sản lượng. Nhờ đó, giá trị nông nghiệp trên cùng một diện tích đất cao gấp nhiều lần tại Đà Lạt.

Điều đáng suy nghĩ là sản lượng xuất khẩu hoa của Đà Lạt đã cao so với cách đây 3 năm nhưng còn thấp so với những "đối thủ" cạnh tranh trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc. Khi chúng ta đảo ngược được cơ cấu xuất khẩu - nội tiêu hoa thì chúng ta không chỉ có chỗ đứng trong ngành hoa với thế giới mà còn có thể trở thành công xưởng hoa của châu Á.

Ngoài Đà Lạt, chúng ta có Sa Đéc của Tây Nam Bộ. Năm nay là năm Sa Đéc (Đồng Tháp) trỗi dậy trở thành vùng hoa cung ứng những loài hoa trang trí cho miền Nam với các giống hoa nhiệt đới đặc trưng. Đáng chú ý là Đồng Tháp phát triển nhanh du lịch canh nông dựa vào ngành hoa, đây là chuyện mà Đà Lạt mới chỉ bắt đầu. Du lịch canh nông không chỉ tăng lợi nhuận cho hoa mà còn xây dựng được thương hiệu lâu dài. Nhờ du lịch, ngành hoa Sa Đéc phát triển và ngược lại.

Nhắc đến Sa Đéc để thấy mỗi địa phương đều có thể trồng hoa và thế mạnh khác biệt. Tôi cho rằng cần quy hoạch vùng chi tiết để các vùng, các tỉnh không giẫm chân thị trường trong nước, hỗ trợ nhau tạo thế mạnh ở thị trường ngoài nước.

Con đường thành vựa hoa châu Á - Ảnh 3.

Ông Phan Thanh Sang

* Ông vừa nhắc đến chuyện Đà Lạt có thể trở thành công xưởng hoa của châu Á. Nhưng không thể xuất khẩu hoa đi khắp nơi trong lúc giống hoa tại Đà Lạt nói riêng và Việt Nam nói chung đa số sao chép - không có bản quyền?

- Chúng ta đang nói về vấn đề "cốt tử" của ngành hoa Việt Nam. Đa số các đối tác nước ngoài đến Đà Lạt liên kết với nông dân sản xuất hoa xuất khẩu đều e ngại với câu chuyện bản quyền giống hoa. 

Trong một lần đưa nhà đầu tư Nhật Bản gặp nông dân, nhiều câu hỏi đặt ra đã được giải quyết rất nhanh nhưng bỏ ngỏ câu hỏi về bản quyền giống hoa. Những ý định hợp tác bị chững lại. Nếu không vướng phải vấn đề bản quyền giống thì hoa Đà Lạt xuất khẩu nhiền hơn con số 10%. 

Hoa muốn xuất khẩu thì phải có bản quyền cây giống, trong khi đó 90% nông dân sản xuất hoa ở Đà Lạt dùng giống không có bản quyền. Hoạt động xuất khẩu hoa của Đà Lạt và các tỉnh khác bị "tắc" ở khâu giống. 

Nông dân muốn mua giống có bản quyền thì không có thông tin. Những công ty sản xuất giống uy tín hàng đầu thế giới lo ngại bị sao chép giống nên không quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Do thiếu nguồn cung chính ngạch nên nông dân chủ yếu dùng giống do đối tác liên kết cung cấp hoặc nhập tiểu ngạch. Chúng tôi đã kiến nghị phải có kênh thông tin "xóa mù" về giống bản quyền cho nông dân để thúc đẩy xuất khẩu hoa.

Kho thông tin về nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới rất nhiều, có phí lẫn miễn phí, đừng để người nông dân mù mờ. Nếu chúng ta giải quyết được các vấn đề liên quan đến cây giống thì chuyện vùng hoa hay vựa hoa của châu Á không phải là vấn đề của ngành hoa Việt Nam nói chung và Đà Lạt nói riêng.

Con đường thành vựa hoa châu Á - Ảnh 4.

Đồ họa TẤN ĐẠT

Cần có cơ sở dữ liệu trồng trọt

* Cũng có tình trạng cứ gần Tết rồi, bà con trồng hoa khắp các tỉnh lại lo nơm nớp chuyện "vỡ chợ" hoa hoặc "được mùa mất giá"?

- Thứ nhất, nếu không muốn góp phần làm "vỡ chợ" hoa Tết thì các vùng hoa như Hà Nội, TP.HCM, Đà Lạt, Đồng Tháp và các tỉnh thành khác nên xác định thế mạnh của địa phương. Ví dụ, Đà Lạt nên tập trung sản xuất những loài hoa ôn đới đặc biệt mà chỉ Đà Lạt trồng được với chất lượng tốt nhất. 

Nếu Đà Lạt làm như các vùng hoa khác thì phí phạm tài nguyên, thổ nhưỡng, khí hậu và gây nhiễu loạn thị trường. Thứ hai, ngoài công ty lớn có nghiên cứu thị trường, tìm kiếm dữ liệu, còn lại nông dân đang trồng mù, bán mù. 

Không chỉ Đà Lạt, Việt Nam cần một cơ sở dữ liệu trồng trọt. Những dự báo được Nhà nước đưa ra dựa trên nghiên cứu thị trường. Từ những dự báo này đưa ra được những con số cụ thể như diện tích, sản lượng, nhu cầu tiêu thụ hoa của từng thị trường, từng vùng. 

Nông dân dựa vào đó quyết định kế hoạch trồng trọt của mình và đóng góp kế hoạch sản xuất vào cơ sở dữ liệu để tạo cơ sở cho những nông dân khác có phương án canh tác tốt hơn. 

Các biến động mùa vụ cũng được cập nhật liên tục để nông dân có thể định giá nông sản với mức lợi nhuận phù hợp. Ví dụ: vụ hoa tết cần 2.000ha hoa ly ly, Hà Nội đã xuống giống 1.500ha, TP.HCM trồng 400ha. Với số liệu như vậy, Đà Lạt tốt nhất nên chọn loài hoa khác để trồng.

Chuyện "vỡ chợ" chẳng qua cũng bởi thiếu thông tin trồng trọt mua bán mà ra.

* Như vậy, xuất khẩu là hướng đi đúng của ngành hoa Việt Nam?

- Thực tế là như vậy. Quy mô sản xuất hoa của Đà Lạt ở tầm công nghiệp, vượt ngoài phạm vi địa phương. Như vậy Đà Lạt với sự thuận lợi không có vùng nào so sánh được nên đầu tư tối đa cho thị trường ngoài nước. Thị trường trong nước thiếu hụt đã có những vùng hoa nhỏ hơn choàng gánh.

Những nông dân trẻ trong Hiệp hội Hoa Đà Lạt đã cho thấy rằng thương mại quốc tế là một lĩnh vực chuyên biệt, người sản xuất ở Việt Nam còn thiếu nhiều yếu tố để bước chân vào. 

Người trồng hoa nên làm tốt nhất khâu sản xuất, ở mảng thương mại nên liên kết cùng các đơn vị đang có ưu thế thương mại ở thị trường mình dự tính xuất khẩu. 

Khi bắt tay vào sản xuất, đối tác phụ trách thương mại sẽ mang bộ quy tắc liên quan đến chất lượng, quy cách, bệnh dịch hoa đưa cho nông dân. Nông dân có trách nhiệm ứng dụng các phương thức canh tác để đưa ra loài hoa đáp ứng đúng với yêu cầu từ bộ quy tắc. 

Làm đúng quy tắc có nghĩa cánh cửa xuất khẩu đã mở ra đến 90% ngay khi hoa chưa rời Việt Nam.

Hiện tại, nhiều nông hộ đang xuất khẩu hoa nhận định liên kết với đối tác nước ngoài là phương thức tối ưu để tận dụng thế mạnh của cả hai bên, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro. Đối với một nền nông nghiệp mà yếu tố thương mại quốc tế còn là một khoảng trống thì liên kết xuất khẩu làm lợi cho nông dân nhiều hơn, ấy cũng là cách tự huấn luyện mình trước khi có thể vươn ra thị trường quốc tế.

Sẽ tăng sản lượng xuất khẩu hoa Đà Lạt lên 15%

Hiện vùng hoa Đà Lạt có tổng diện tích canh tác hằng năm khoảng 9.000ha. Dự kiến trong 5 năm tới, sản lượng hoa xuất khẩu của Đà Lạt sẽ tăng 15% (400 triệu cành/năm). Sản lượng xuất khẩu hoa Đà Lạt tăng đều từ năm 2013 và tăng mạnh trong 4 năm trở lại đây.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, cần đẩy mạnh xuất khẩu hoa chậu nhỏ để tăng thêm 15% lợi nhuận từ xuất khẩu hoa trong vòng 3 năm tới.

Nâng tầm làng quất Cẩm Hà

nghệ nhân hoa

Nghệ nhân đại diện từ các vùng trồng quất của Cẩm Hà trổ tài tạo dáng quất cảnh - Ảnh: T.B.D.

Làng quất cảnh Cẩm Hà nằm sát phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam là một trong những làng hoa lớn nhất miền Trung, mỗi dịp Tết cung cấp ra thị trường khoảng 70.000 chậu. Chính quyền TP Hội An đang có những bước đi để đưa làng hoa này từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ qua kết hợp làm du lịch, dịch vụ.

Ông Mai Kim Phương - chủ tịch UBND xã Cẩm Hà - cho biết hiện xã có 65ha dành cho trồng quất với 460 hộ tham gia. Cây quất cảnh cho tới nay vẫn được xem là cây trồng mang tính thời vụ, người dân tranh thủ đất đai nhàn rỗi vào những tháng cuối năm để chăm sóc nhưng quất đang tạo ra khoản thu nhập 40 tỉ đồng/năm cho người dân xã Cẩm Hà.

Nghề trồng quất cảnh được người dân Hội An truyền từ hàng trăm năm nay, mỗi dịp Tết quất từ phố cổ Hội An được đưa lên xe tỏa ra các vùng miền trong cả nước. Nhờ quất cảnh người dân ở Cẩm Hà đã có thêm thu nhập, nhiều hộ thu trên 1 tỉ đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Sơn - phó chủ tịch UBND TP Hội An - cho rằng làng quất tại Cẩm Hà có vị trí nằm ở sát trung tâm phố cổ nên nhiều năm nay UBND TP Hội An đang xúc tiến mở ra nhiều cơ chế để người dân phát triển làng nghề, vừa có thêm thu nhập vừa tạo ra sản phẩm du lịch mang tính căn cơ, bền vững hơn.

Một trong các hoạt động đó là việc làng quất Cẩm Hà được tổ chức các ngày hội quất cảnh nhằm kết nối nguồn hàng, quảng bá và giới thiệu quy mô làng nghề ra công chúng.

"Mỗi năm ngày hội lại được làm lớn hơn và hiện rất nhiều du khách đã tới tham dự. Chúng tôi muốn nâng tầm lên để một khi đạt tới quy mô sẽ làm lễ hội thường niên như một sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn phục vụ khách khi tới tham quan phố cổ Hội An.

Khách du lịch chính là nguồn khách hàng, đối tác của bà con. Họ tiêu thụ sản phẩm từ quất như mứt, rượu, chè... cho tới các chậu quất cảnh mà người dân ở Cẩm Hà trồng được.

Cách làm này sẽ hỗ trợ căn cơ, bền vững để khuyến khích người dân giữ vườn, giữ nghề bởi hiện nay quỹ đất của TP Hội An không còn nhiều" - ông Nguyễn Văn Sơn nói.

MAI VINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên