30/01/2019 09:12 GMT+7

Có nên mua hoa chiều 30 tết?

T.LONG - T.MAI -  Đ.NHẠN - T.NHƠN ghi
T.LONG - T.MAI - Đ.NHẠN - T.NHƠN ghi

TTO - Đợi đến ngày 30 tháng chạp mới mua hoa để có giá rẻ hơn là tâm lý ở không ít khách mua hoa tết, trở thành sự “giằng co” giữa người mua hoa, thương lái lẫn nhà vườn bao năm qua. Có nên như vậy không?

Có nên mua hoa chiều 30 tết? - Ảnh 1.

Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến khác nhau liên quan chuyện mua hoa chiều 30 tết và mong nhận thêm nhiều ý kiến của bạn đọc.

Chị VÕ THỊ NGA (người trồng hoa ở Chợ Lách, Bến Tre):

Mong người mua hoa chia sẻ


nga

Cả chục năm nay, ba chị em tôi chở hoa từ Bến Tre lên TP.HCM để bán tết, tùy năm mà vui buồn thất thường. 

Nhằm năm ít hoa người ra mua giành giật, nhưng cũng có năm hoa nhiều bán ế đến gần giao thừa còn lọ mọ dọn hoa. 

Không ít lần nhìn cảnh người bán ngày 30 đập từng chậu hoa mà thấy xót, đau lắm. 

Họ đập, phá hoa vì có nhiều người trả quá rẻ, có bán cũng không lấy được vốn. Cũng có người ức chế vì nhiều người canh giờ chót ra lấy hoa về chưng.

Buôn bán ai cũng mong buôn nhanh bán đắt để về. Hoa giờ bán đầy, chẳng ai nói thách giá quá cao để mất khách. 

Chỉ mong người mua hiểu, mua bán sớm thì người trồng hoa cũng được ăn một cái tết sớm, tết vui.

Anh TRẦN CHÁNH QUỐC (37 tuổi, quận 7, TP.HCM):

Hãy trả công xứng đáng cho người trồng hoa

quoc

Tùy vào suy nghĩ mỗi người có cách mua hoa chưng tết khác nhau, nhưng tôi nghĩ người trồng hoa đã chăm sóc ra những chậu hoa đẹp, người mua cũng sớm mua như một sự trả công xứng đáng cho họ. 

Nhiều năm mua hoa tôi biết giá mua trước với mua cận ngày 29, 30 tết không cao hơn bao nhiêu. 

Ngược lại mua trước lại mua được hoa đẹp, vừa ủng hộ cho người trồng hoa ăn tết vui.

Tết ai cũng muốn đoàn tụ cùng gia đình, người bán hoa cũng vậy. Người dân nên mua hoa sớm để các cô chú kịp về với gia đình trước giao thừa.

Anh ĐOẠN ANH TUẤN (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng):

Mong cùng "fair play" để vui đón tết


tuan

Chuyện mua hoa tết muộn một phần do người bán. 

Trước tết, nhiều thương lái hét giá quá cao khiến người mua ngại trả giá hoặc không đủ điều kiện mua hoa. 

Hôm 21 tháng chạp, tôi hỏi mua một cặp cúc tết cỡ vừa được báo giá 1,5 triệu đồng. 

Trong khi ngày 24 âm lịch tôi ghé lại thì cặp cúc cùng kích cỡ bán với giá 900.000 đồng.

Bản thân tôi hồi mới ra trường đã từng bán hoa tết nên hiểu hơn hết nỗi vất vả của người bán và mong muốn chia sẻ với họ, nhưng mức giá họ đưa ra quá cao so với giá thực tế bán. 

Người mua mong muốn được mua đúng giá thị trường. 

Vì người bán hô giá cao quá khiến người mua ngại trả giá vì ngượng miệng nên đã không mua. 

Nếu người bán hoa muốn người mua "fair play" với mình thì tại sao mình không hài hòa với người mua. 

Bản thân thương lái tại sao không đưa mức giá hợp lý để khách hàng mua từ sớm? Như thế đôi bên sẽ cùng vui vẻ.

Nếu những người kinh doanh hoa bán với mức giá vừa phải và thu lãi đều từ trước tết đến ngày 30 là như nhau thì có thể lợi nhuận sẽ cao hơn việc hô giá quá cao để người mua sớm không mua hoa được và đến đêm 30 phải bán tháo giá thấp hoặc đập bỏ hoa.

Có nên mua hoa chiều 30 tết? - Ảnh 8.

Người dân mua hoa tết tại công viên 23-9, Q.1, TP.HCM chiều 24 tháng chạp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông NGUYỄN VĂN HÀ (thương lái, Cái Bè, Tiền Giang):

Cần mức giá vừa lòng 3 bên

ha

Tôi không cổ xúy việc khách hàng mua hoa vào ngày 30 tết, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một thực tế không ít người bán đã cố tình đưa giá cao chót vót những ngày đầu, đến những ngày cận cuối thấy hàng còn quá nhiều mới đại hạ giá, bán đổ bán tháo. 

Khách hàng cũng cần phải hiểu mua hoa ngày cuối cùng của năm chắc chắn sẽ không có hoa đẹp.

Trong mối quan hệ giữa nông dân, người bán và người mua hoa, nông dân vẫn là người chịu nhiều thiệt thòi nhất bởi giả sử một chậu hoa bán ra 10 đồng thì nông dân chỉ thu được chừng 6 đồng. 

Vấn đề then chốt ở đây vẫn là cần một mức giá hợp lý để cả 3 bên đều cảm thấy thỏa mãn. 

Người mua có hoa đẹp, giá cả phải chăng, còn người bán và nông dân cảm thấy vui với công sức đã bỏ ra.

Ông Quang Phú (người dân phường Thuận Phước, Đà Nẵng):

Tôi mua hoa đêm 30 không phải vì rẻ

Những ngày gần tết, vợ chồng tôi ban ngày đi làm ban đêm ở nhà dọn dẹp nhà cửa. Việc nhiều lắm, dường như năm nào cũng đến chiều 30 mới hết việc. 

Lúc đó nhà cửa mới dọn xong sạch sẽ, vợ chồng tôi chở con đi chợ hoa, xem chọn cây nào đẹp về nhà.

Tôi biết là thời gian đó khó chọn hoa đẹp, nếu còn hoa đẹp thì giá khá cao, nhưng tôi nghĩ đắt hơn đôi ba chục ngàn không quan trọng lắm. 

Cái quan trọng là vợ chồng tôi có giây phút thoải mái cuối năm đi ngắm trời ngắm đất, ngắm phố phường bà con qua lại, thấy cảnh mua bán hoa cuối năm. Với tôi, đó là khoảng thời gian rất đẹp, đáng nhớ trong một năm.

Tôi vẫn duy trì chuyện đi mua hoa chiều 30 tết vì cảm xúc ấm cúng đó chứ không phải vì giá rẻ. 

Tết là văn hóa, lắm lúc yếu tố văn hóa, cụ thể hơn là không khí gia đình mà ta cảm nhận được, không gian tết mà ta trải nghiệm, đó mới là điều quan trọng nhất.

Có nên mua hoa chiều 30 tết? - Ảnh 11.

Chị Lê Thị Thủy chọn mua mai tết ở quảng trường 2-9 Đà Nẵng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Nhà văn NGUYỄN NGỌC TIẾN (Hà Nội):

Chơi hoa thực sự không đợi ngày 30

tien

Chỉ những người mua hoa cho có mới đợi đến chiều 30 để mua hoa tết để gọi là có đủ bánh, mứt, hoa.

Trước đây do cuộc sống còn khó khăn nên đến sát tết nhiều người mới cố co kéo mua sắm cho ngày tết, nay thì cuộc sống đã đủ đầy, chẳng có lý do gì để phải đợi đến chiều 30 mới mua hoa chơi tết.

Với những người chơi hoa thật sự chẳng kể thời kinh tế khó khăn xưa kia hay sung túc bây giờ, họ luôn mua hoa chơi từ rất sớm chứ không đợi tới 30 mới mua hoa.

Người sành chơi đâu chờ áp tết, cứ khoảng 21, 22 tháng chạp đã lên tận vườn đào Nhật Tân để kén hoa mang về nhà chơi.

Với họ, còn gì thú vị hơn khi được hớn hở mang cành đào ưng ý chọn tại vườn để mang về nhà từ hàng chục ngày trước tết.

Với họ, mang hoa về nhà giữa lúc đất trời đang cựa mình đón xuân chính là mang xuân mang tết sớm về ngôi nhà của mình. Nên mua hoa sớm nghĩa là được hưởng cái xuân, cái tết trước thiên hạ.

Từ xưa tới nay, người Hà Nội sành chơi không khi nào chỉ chơi hoa ba ngày tết mà nhiều người còn chơi trước tết cả nửa tháng để tận hưởng cái khí xuân rộn ràng trước thiên hạ và ra giêng họ lại chơi đào cuối vụ.

Bà BÙI THI DIỄM PHƯỢNG (Phong Điền, TP Cần Thơ):

Tôi vẫn đợi ngày 30

Nhu cầu mua hoa để mấy ngày xuân không thể thiếu. Tuy nhiên, đối với tôi kinh tế khó khăn thì thường chọn mua hoa vào đêm 30 tết.

Như tết năm rồi, tôi đợi đến cuối ngày mua 4 chậu hoa vạn thọ với giá 80.000 đồng, trong khi những người mua trước tôi vài ngày với giá 160.000 đồng. Vậy là tôi tiết kiệm được phân nửa tiền để mua thứ khác.

Tết năm nay tôi vẫn đợi đến cuối ngày 30 tết để mua. Nếu năm nay hoa hút thì tôi mua mắc một chút không sao.

T.ĐIỂU - CHÍ CÔNG ghi

Việc “hét” giá tạo ra tâm lý chờ rẻ

hoa1

Nhà vườn ở ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho chuyển gần 400 giỏ cúc tím lên xe đi Bình Dương, Vũng Tàu sáng 29-1 - Ảnh: NGUYỆT NHI

Chợ hoa tết ở TP.HCM đã dần nhộn nhịp từ 23 tháng chạp, nhưng ngay những ngày đầu mang hoa ra chợ, người bán hoa từ Đồng Tháp, Bến Tre, Bình Định... đã nặng ưu tư về một ngày 30 không kịp bán hết hoa.

100% những người bán hoa ở đây khẳng định chưa năm nào họ trở về nhà trước thời khắc giao thừa.

Chưa khi nào về trước giao thừa

Chợ hoa dọc bến Kênh Tẻ trên đường Trần Xuân Soạn (Q.7, TP.HCM) tối 23 tết ngập tràn sắc xuân, hoa giấy đỏ rực, cúc vàng ươm và những bông mai chớm nụ...

Thế nhưng không khí khá vắng vẻ, vài người đến thưởng hoa, hiếm hoi mới có người mua hoa mặc dù người bán liên tục giới thiệu.

Ông Tư Hơn (67 tuổi, Bến Tre) có 20 năm trồng mai tết, cũng chừng ấy thời gian ông cùng những người trong làng có chuyến ghe xuôi về Sài Gòn bán hoa tết.

Bốn ngày qua bán được 16 chậu, hơn 100 chậu vẫn đợi chờ người mua. Tiếng ho vang lên giữa chợ hoa, ông Tư Hơn bảo mệt vì thức đêm liên tục.

Ông nói: "Năm ngoái phải chuyển về quá nửa, lỗ nặng. Năm nay bán được hay không thì 29 tôi cũng đuổi bả về sớm lo mâm cúng tổ tiên. Năm rồi tới nhà đã 6h sáng mùng 1 tết, dọn hoa từ ghe lên vườn thì quá xế".

Bán hoa tết thì đừng mơ về trước giao thừa. Đêm cuối cùng là bán được nhất và đông người mua nhất, lời lỗ phụ thuộc vào đêm 30.

Anh Trần Lê Niệm (Bình Định)

Những người chăm mai bonsai ở Bình Định như anh Trần Lê Niệm (37 tuổi, Bình Định) thì cực khổ nhiều hơn.

10 năm đưa hoa vào Sài Gòn, anh Niệm chưa khi nào bán hết số hoa mang đi: "Bán hoa tết thì đừng mơ về trước giao thừa. Đêm cuối cùng là bán được nhất và đông người mua nhất, lời lỗ phụ thuộc vào đêm 30".

Khổ nhất vẫn là những người bán hoa cúc, vạn thọ... không thể mang về chăm cho năm sau.

Người bán thậm chí nấn ná lại chợ qua cả giao thừa, đến khi không còn ai mua, hoặc quản lý chợ hoa đề nghị dời đi thì mới chấp nhận đập bỏ hoa trở về nhà.

Ông Trần Bình (58 tuổi, Đồng Tháp) mang lên bến Kênh Tẻ hơn 300 chậu cúc, bốn ngày rồi ông Bình bán được 15 chậu.

Ông Bình nói không trông chờ nhiều vào những ngày này mà tập trung vào đêm cuối cùng.

Năm ngoái, tối 30 tết, ông Bình nhổ bỏ gần 70 chậu cúc lấy chậu mang về vì tiếc của. "Phải đợi khách hàng thôi. Người bán hoa tết đừng mong về được trước giao thừa" - ông Bình nói.

Người mua kẻ bán hãy bớt "thăm dò" nhau

Điệp khúc đập bỏ, bán đổ bán tháo chiều 30 tết vốn đã lặp đi lặp lại nhiều năm qua, những người mang sắc xuân đến cuộc đời thêm khốn khó.

Thế nhưng theo anh Võ Văn Toàn (TP.HCM), có một phần lỗi của người bán hoa khi "hét" giá quá cao khiến người mua e dè, cả người mua lẫn người bán đều "thăm dò" nhau, chỉ khi nào bỏ thói quen "hét" giá những ngày đầu thì người mua sẽ đón nhận hơn.

"Theo tôi, những người khó khăn thật sự chờ đến đêm 30 tết mua hoa rẻ là có. Nhưng phần đông vẫn sẵn sàng mua hoa sớm, chính việc hét giá tạo ra tâm lý chờ rẻ" - anh Toàn nói.

Vựa hoa cúc lớn nhất miền Trung Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) mỗi năm sản xuất hàng triệu chậu hoa cúc khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Và những nghệ nhân làng hoa cũng tặc lưỡi than trời vì người mua hoa chờ rẻ.

Ông Trần Văn Tấn (64 tuổi, xã Nghĩa Hiệp, Tư Nghĩa) nói: "Trồng hoa cúc bắt đầu từ tháng 7 âm lịch, rồi thức đêm hôm chăm giữ lá từ gốc đến ngọn.

Rất cực khổ mới có được chậu hoa đẹp, nhưng bán khó lắm. Ba cái tết gần nhất tôi đều phải đập bỏ hoa tối 30 tết để về nhà. Nói thật, chúng tôi không thể bán rẻ hơn được".

TRẦN MAI -TIẾN LONG

Đêm không ngủ những ngày giáp Tết ở chợ hoa Quảng An Đêm không ngủ những ngày giáp Tết ở chợ hoa Quảng An

TTO - Còn gần 10 ngày nữa mới đến Tết cổ truyền dân tộc, thế nhưng, chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) đã đông nghịt, tấp nập người mua, kẻ bán, trong đó đặc sắc là hoa "bắp cải hoa hồng".

T.LONG - T.MAI - Đ.NHẠN - T.NHƠN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên