Phóng to |
Đường Phạm Văn Bạch, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM (ảnh chụp chiều 23-10) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Án ngữ gần đầu đường Phạm Văn Bạch, phía bên phải, ngay bờ tường ngăn cách giữa khu dân cư và sân bay Tân Sơn Nhất là chợ tự phát buôn bán thịt heo, cá, gà vịt, rau trái... Tại đây các sạp hàng tự phát xen kẽ những bao rác chất đống, ruồi nhặng bu đầy. Phía bên trái con đường là một bô rác lộ thiên hoạt động nhiều năm nay. Xung quanh bô rác và kéo dài xuống khu phố 5 là những điểm mua phế liệu, ve chai hoạt động suốt ngày đêm.
Chỉ tính từ đầu đường Phạm Văn Bạch (từ Trường Chinh đi vào) đến khu phố 4 đã có gần 10 điểm mua bán phế liệu. Bà Nguyễn Thị Kiệm, một người dân tại khu phố 4, cho biết hằng ngày từ 16g-18g xe tải nhẹ, xe ba gác, xe máy... ào ào đổ về các điểm mua ve chai, phế liệu để bán từ bao ximăng, chai lọ, sắt thép, bịch nilông, giấy vụn... đến thùng nhựa, thùng phuy đựng hóa chất đã qua sử dụng. Khi mua, nhiều chủ vựa đã trút hết những gì còn sót lại trong chai lọ, thùng, bình xuống cống thoát nước, thậm chí đổ tràn ra đường gây hôi thối nồng nặc.
Ông Nguyễn Đức Hoa - tổ trưởng tổ 99, khu phố 5 - cho biết nhiều lần họp ở phường và quận ông đã phản ảnh về nạn ô nhiễm ở đây nhưng chẳng ăn thua, đành chấp nhận sống chung với ô nhiễm.
Bà Nguyễn Thị Minh Điền - tổ trưởng tổ dân phố 131, khu phố 6 - cho biết tại khu phố 6 có một trạm trung chuyển rác lộ thiên có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm mà người dân ở đây dùng trong ăn uống, sinh hoạt.
Ông Phạm Phú Dũng - chủ tịch UBND P.15, Q.Tân Bình - hứa sẽ sớm khắc phục và giải quyết tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm môi trường ở đường Phạm Văn Bạch. Ông Dũng thừa nhận vì có trạm trung chuyển rác tại khu phố 6 mà sinh ra những điểm mua phế liệu trên đường này. “Sắp tới chúng tôi sẽ xin ý kiến quận để khuyến khích những chủ vựa mua phế liệu di dời ra nơi xa khu dân cư. Dứt khoát đầu tháng 11 sẽ triển khai kế hoạch này. Chủ vựa phế liệu nào không chịu di dời sẽ phải ngưng hoạt động” - ông Dũng nói.
Ngoài ra, ông Dũng cho biết cuối năm nay sẽ chuyển bô rác tại khu phố 6 đến nơi khác để xây trạm trung chuyển rác khép kín tại đây, tránh gây ô nhiễm ra môi trường dân cư xung quanh.
* Dải phân cách gây tai nạn. Ngày 23-10, bạn đọc Trần Việt Dũng phản ảnh: “Khoảng ba tuần nay, từ khi quốc lộ 1A đoạn gần Công ty Pouchen, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân (TP.HCM) được lắp đặt dải phân cách thì tai nạn liên tục xảy ra, có ngày xảy ra tới bốn vụ. Tối 22-10, cháu tôi chạy xe máy qua đoạn đường này đã đụng phải dải phân cách bị thương, xe hư hỏng nặng”.
Đến nơi chúng tôi thấy dải phân cách nói trên làm bằng bêtông để phân làn đường riêng cho ôtô và xe máy. Do điểm đầu dải phân cách nằm trên đoạn đường cong (ảnh) nên nhiều xe máy khi lưu thông muốn lách vào làn đường cho xe máy rất dễ va vào. Ngoài ra, do đoạn đường trên kết nối với đường Hồ Học Lãm nên nhiều xe máy từ đường Hồ Học Lãm ra quốc lộ 1A dễ “ủi” vào dải phân cách này. Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, cho biết sẽ khảo sát lại và có ý kiến với đơn vị lắp đặt dải phân cách tại đoạn đường trên để có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận