09/07/2021 15:08 GMT+7

Con đường 'gây thù chuốc oán' của tổng thống Haiti bị ám sát

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Hành trình đi tới đỉnh cao quyền lực của ông Jovenel Moise đã tạo ra xung quanh ông không ít kẻ thù. Cố tổng thống dường như cũng biết rõ kết cục của mình khi đụng chạm tới các nhóm lợi ích: hoặc chết hoặc phải lưu vong.

Con đường gây thù chuốc oán của tổng thống Haiti bị ám sát - Ảnh 1.

Cố tổng thống Moise được cả những người ủng hộ lẫn phản đối ca ngợi vì cuộc chiến chống các nhóm lợi ích - Ảnh chụp màn hình New York Times

Một loạt đạn rạng sáng 7-7 (giờ địa phương) đã cướp đi sinh mạng của Tổng thống Moise và làm trọng thương đệ nhất phu nhân ngay tại tư gia của họ.

Sự việc làm dấy lên lo lắng Haiti sẽ một lần nữa rơi vào hỗn loạn như rắn mất đầu giống năm 1915, lần cuối cùng một vụ ám sát tổng thống xảy ra.

Đụng chạm nhóm lợi ích

Báo New York Times của Mỹ đã tìm cách lý giải vì sao ông Moise lại phải nhận lấy một kết cục bi thảm và nhận ra cố tổng thống 53 tuổi đã gây thù chuốc oán với các nhóm lợi ích.

Ở một khía cạnh khác, không ít người chỉ trích cố tổng thống "độc tài" và tham nhũng, che giấu các khoản quyên góp chính trị từ nước ngoài.

Ông Moise đối mặt với những thách thức ngay từ lúc mới bước chân vào chính trường. Từ một nhà xuất khẩu chuối vô danh, ông trở thành ứng cử viên tổng thống hàng đầu vào năm 2015.

Kinh nghiệm chính trị bằng 0 khiến nhiều người xì xào "Moise là con rối được tổng thống tiền nhiệm Michel J. Martelly khéo léo lựa chọn".

"Jovenel luôn là chính mình", tân tổng thống Moise khẳng định với New York Times sau khi đắc cử năm 2016 và tuyên bố sẽ cho mọi người thấy năng lực trong vòng 6 tháng.

Trong các cuộc phỏng vấn trước khi trở thành tổng thống, ông Moise luôn kể về thời gian lớn lên trong một đồn điền rộng lớn của gia đình. Ông tin rằng nông nghiệp là chìa khóa để thay đổi đất nước Haiti nghèo khó.

Ông Pierre Reginald Boulos, chủ một doanh nghiệp giàu có đã giúp ông Moise đắc cử, tin rằng cố tổng thống sẽ được nhớ đến như một người cứng đầu và dũng cảm, "người biết mình muốn gì và sẵn sàng chiến đấu vì nó".

Boulos từng là một người bạn thân thiết của ông Moise trước khi cả hai cắt đứt quan hệ và trở thành kẻ thù không đội trời chung. Doanh nhân này bị cơ quan chống tham nhũng của chính phủ Moise điều tra.

"Từ những gì tôi biết về ông ấy trước khi chúng tôi trở mặt, đây là một người đàn ông thực sự muốn thấy sự thay đổi ở Haiti. Tôi nghĩ mong muốn được nhìn thấy một Haiti mới của ông ấy là có thật. Và ông ấy có nghị lực chẳng giống ai. Đây là một tổng thống đã làm việc 14, 16, 18, 20 giờ một ngày", ông Boulos nói với New York Times.

Khi được hỏi ai có thể là chủ mưu ám sát ông Moise, câu trả lời của ông Boulos cho thấy cựu tổng thống có rất nhiều kẻ thù. "Tên của mọi người hẳn đã được nêu ra, kể cả tên tôi".

Con đường gây thù chuốc oán của tổng thống Haiti bị ám sát - Ảnh 2.

Ông Moise (giữa) cùng phu nhân và các quan chức trong một sự kiện công cộng năm 2020 - Ảnh chụp màn hình New York Times

Ngay cả những người chỉ trích cố tổng thống, như ông Boulos, cũng đồng ý ông Moise đã sử dụng quyền lực của mình khi còn sống để chấm dứt các đặc quyền đặc lợi cho các tập đoàn độc quyền, giới thượng lưu Haiti.

Chẳng hạn như ngành điện, nơi các công ty kiếm hàng tỉ USD mỗi năm nhưng phần lớn đất nước Haiti vẫn chìm trong bóng tối hoặc ánh sáng chập chờn.

Simon Desras, một cựu thượng nghị sĩ đối lập ở Haiti, cho rằng ông Moise dường như biết cuộc chiến chống lại những nhóm lợi ích giàu có và quyền lực trong nước sẽ khiến ông bị giết.

"Tôi nhớ có lần Moise tuyên bố chỉ nhắm vào những người giàu bằng cách cắt hết các hợp đồng của nhóm này. Rồi ông còn nói ông sẽ chết vì điều này, bởi những kẻ ông đụng tới đã quen với việc ám sát hoặc đẩy ai đó vào cảnh sống lưu vong", ông Desras nói với New York Times qua điện thoại.

Mỹ sẽ can thiệp?

Theo Hãng thông tấn AP, đã có nhiều kịch bản về sự can thiệp của nước ngoài vào Haiti. Đất nước này chìm trong hỗn loạn từ nhiều thập kỷ qua, đặc biệt sau trận động đất năm 2010 khiến hàng trăm ngàn người chết.

Lần cuối cùng Haiti rối loạn vì một vụ ám sát tổng thống là năm 1915. Một nhóm phiến quân đã tràn vào Đại sứ quán Pháp ở Haiti và đánh chết tổng thống Vilbrun Guillaume Sam, kéo theo cuộc can thiệp dài gần 2 thập kỷ của Mỹ.

"Mỹ đã ảnh hưởng đến các sự kiện chính trị ở Haiti trong suốt lịch sử đất nước này: triển khai quân đội, tài trợ cho các dự án phát triển và thúc đẩy những người có tiềm năng trở thành lãnh đạo", AP nhận định.

Tuy nhiên, với việc chính sách "ngoại giao pháo hạm" đã kết thúc, Mỹ khó có thể triển khai quân đội tới Haiti như một số dự đoán, theo AP.

Bản thân Tổng thống Joe Biden không mặn mà với việc sa vào "vũng lầy Haiti" dù ông tuyên bố bị sốc và ghê tởm trước vụ ám sát ông Moise.

"Tôi nói thế này, theo cách khó nghe nhất, là nếu Haiti chìm xuống Caribê hay nổi lên thêm hơn 90m nữa thì cũng không quan trọng và có ý nghĩa gì với lợi ích nước Mỹ", ông Biden nêu quan điểm trong một cuộc phỏng vấn năm 1994 khi còn là thượng nghị sĩ.

Với tư cách là tổng thống, ông Biden sẽ không thể phớt lờ tình hình Haiti. Tuy nhiên, đổ quân can thiệp trong bối cảnh đang rút quân khỏi Afghanistan sẽ khiến ông khó giải trình với dân Mỹ và đó sẽ là điều ông luôn né tránh.

Mỹ hợp tác điều tra vụ ám sát tổng thống Haiti Mỹ hợp tác điều tra vụ ám sát tổng thống Haiti

TTO - Mỹ cho biết sẽ hợp tác điều tra sau khi Haiti thông báo trong số người bị bắt giữ nghi ám sát tổng thống nước này có 2 người Mỹ. Haiti tiếp tục truy tìm nhiều nghi can khác.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên