18/10/2010 07:39 GMT+7

"Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây..."?

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Vậy là cuối cùng, sau bao nhiêu trông đợi của người thân, của đồng bào cả nước, mọi người đã có tin tức về số phận chín ngư dân Lý Sơn. Hi vọng vài ngày nữa, thuyền trưởng Mai Phụng Lưu và tám bạn nghề của ông sẽ đoàn tụ với vợ con, gia đình.

Những ngày này, người dân các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh lại đang đối đầu với hết đợt thiên tai này đến đợt thiên tai khác. Lũ lụt không là điều gì ghê gớm với người miền Trung nhưng với mật độ dồn dập như những ngày qua, tốc độ nước dâng kỷ lục và ngập sâu hơn cả những mức lũ lịch sử là điều cho thấy thách thức của thiên tai đang ngày càng dữ dội hơn. Chưa bao giờ người dân vùng núi bị ngập tới độ phải trốn vào hang đá, đói ăn chịu rét như người nguyên thủy tự ngàn xưa.

Những ngôi làng hiền hòa xanh mướt bị trận lũ này đến trận lũ khác san thành bình địa; những ngôi nhà chắt chiu cơ nghiệp của cả một đời dân lương thiện, quanh năm đầu tắt mặt tối để dựng nên che nắng che mưa cũng bị lũ cuốn phăng; những em thơ mò mẫm trang sách ngập ngụa trong lớp bùn non, nức nở khóc bởi âu lo xa hút con đường đến lớp...

Cũng như những ngư dân Lý Sơn, bao năm qua can trường đương đầu với sóng gió biển khơi, đương đầu với khó khăn bộn bề... nhưng rồi không điều gì có thể khuất phục được họ.

Những người dân vùng lũ miền Trung cũng thế, trên xơ xác tiêu điều của mảnh làng nghèo chồng chất hết cơn lũ này đến cơn lũ khác, họ vẫn “bòn tro đãi sạn” mớ thóc ướt lấm lem để có lưng bát cháo gạo hẩm cầm hơi; vun lớp bùn cắm vào đấy dảnh khoai lang để lo cái ăn cho ngày tháng tới. Những em thơ trôi hết sách vở, đến trường với hai bàn tay trắng nhưng ánh mắt vẫn ngời sáng chăm chú nghe bài giảng giữa trường còn phủ ngập bùn non.

Ở ngôi chợ Kẻ Diên (nay là Diên Sanh) thuộc vùng quê Hải Lăng (Quảng Trị) có một câu ca dao được truyền lại từ bao đời mà ai cũng thuộc: câu ca về một bà mẹ nghèo sau lũ lụt ra chợ Kẻ Diên mua về một con gà mái, đẻ mười cái trứng mà ung hết bảy, còn ba trứng nở ra ba chú gà con thì “con bị diều tha, con bị quạ bắt, con bị chim cắt xơi”.

Nghĩa là trắng tay đến tận cùng vậy mà vẫn cứ động viên mình: Đừng than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây! (Câu ca dao này hay đến độ đã được đưa vào sách giáo khoa và được coi như một biểu tượng của ý chí, không bao giờ khuất phục hoàn cảnh của người Việt!).

Cũng như câu ca dao kia, những ngư dân Lý Sơn hay những nông dân vùng lũ miền Trung sẽ không than phận khó và không ai bỏ cuộc. Nhưng cũng không nên để họ chỉ sống bằng niềm tin và hi vọng như bà mẹ nghèo chợ Kẻ Diên năm xưa.

Làm sao để những ngư dân sẽ ra khơi được tiện nghi, được an toàn? Làm sao cho những nông dân nghèo khó miền Trung mỗi lần đối mặt với lũ lụt sẽ không còn những cánh tay thơ dại thò qua mái nhà, vẫy gọi tuyệt vọng khi nước lũ ào dâng ngập lút, hay dắt díu nhau tìm trốn vào hang đá?

Bởi chắc rằng không một ai muốn bà mẹ nghèo miền Trung kia cứ phải để nghèo khó, để bão lũ hay để lũ diều, quạ, chim cắt xơi mất đàn gà con chiu chắt trong gia tài của mình, không ai muốn mẹ phải nuốt nước mắt mà an ủi rằng: Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây!

9 ngư dân Lý Sơn nghỉ ngơi trên tàu tránh bãoĐã có thông tin chính thức về 9 ngư dânĐêm vui xóm đảo Lý Sơn Cuộc gọi từ Hoàng Sa

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên