So cùng em gái ở ngoại ô thị trấn Sa Pa trước khi bị bắt cóc năm 13 tuổi - Ảnh chụp màn hình ABC
So xinh xắn, trắng trẻo với nụ cười tươi như hoa. Ở độ tuổi 13, So không đến trường như các bạn. Bước đến cái ngưỡng tự lập, So bỏ lại ngôi làng nhỏ nhắn của mình, khăn gói lên Sa Pa - một thị trấn phát triển về du lịch để kiếm việc làm.
So làm việc chui tại một quán mì, đơn giản vì em không đủ tuổi lao động. Cô bé thuê được một căn phòng và cảm thấy hào hứng với cuộc sống phố thị nơi đây.
Nhưng chỉ sau hai tháng, So mất tích. Đêm định mệnh hôm ấy, chiếc xe do hai gã thanh niên điều khiển chở So và Sa, một người bạn của em, đỗ xịch bên bờ sông Hồng, đoạn tiếp giáp Lào Cai với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc - cầu nối khét tiếng mà bọn buôn người thường đi qua.
Ba lần bị xem như món hàng mua bán
Theo lời tường thuật của So, hai năm sau khi vụ việc xảy ra, cô và bạn gái tên Sa gặp hai chàng trai tại một cái hồ ở Sa Pa.
So kể: "Tôi chưa bao giờ gặp một trong hai thanh niên đó nhưng người còn lại là bạn trai của Sa, vì thế việc đi chơi chung với nhau tôi thấy cũng không có vấn đề gì".
So và Sa được hai thanh niên chở đi chơi trên hai xe máy. Và họ tin rằng sẽ quay về trước khi màn đêm buông xuống.
Chỉ đến khi người chở So lái xe ra khỏi con đường chính để rẽ vào rừng thì cô mới bắt đầu lo ngại. "Anh ta một tay cầm lái, một tay nhắn tin", "Tôi yêu cầu anh ta dừng lại, nhưng anh ta đã không làm thế", So thuật lại câu chuyện với đài ABC của Úc.
"Một gã nói ‘Nếu mày không ngồi yên, tao sẽ giết mày. Tao đã giết nhiều người lắm rồi, mày có muốn xuống dưới đó nhìn thử không?’", So nhớ lại lời đe dọa đêm đó.
Các cô gái bị bắt ngồi trên xe máy, ở giữa những kẻ mua người quốc tịch Trung Quốc và những kẻ buôn người quốc tịch Việt Nam.
Họ được đưa đến một căn nhà và nghỉ lại một đêm. Sáng hôm sau, Sa bị bắt phải mặc một cái đầm và mang giày cao gót. Từ đó về sau, So không còn gặp lại Sa nữa.
So bị bán ba lần ở Trung Quốc. Vì còn quá nhỏ để kết hôn, So được một cặp vợ chồng mua lại. Họ cùng sống trong một căn hộ ở tầng 15 và So chỉ có thể giao tiếp với họ bằng ngôn ngữ cơ thể để hiểu nhau.
So (phải) cùng em gái My và con gái của My - Ảnh chụp màn hình ABC
Thoát thân nhờ thùng rác
"Người cha" của So nghiện rượu. Ông ta rất hay sai bảo khi vợ vắng nhà.
"Tôi cảm thấy bị tách biệt. Sự tự do duy nhất mà tôi có là khi tôi được [cha] sai đi đổ rác", So cho hay.
Cô gái nhỏ đã cố gắng dồn thật nhiều rác nhất có thể vào trong sọt và gợi ý rằng mình sẽ mang xuống đường dưới nhà đổ. "Người cha" của So đồng ý và quan sát So đi xuống từ phía ban công căn hộ tầng 15.
Dù ý thức bản thân không một xu dính túi nhưng So biết đây chính là thời cơ duy nhất của mình. So quyết định bỏ chạy, rồi trú ẩn trong một siêu thị đông đúc và chật chội, lo sợ "cha mẹ" truy lùng cô.
Nhưng tối hôm đó, vài người Trung Quốc tốt bụng đã đưa cô đến trình diện cảnh sát. Sau hai tháng ở đồn, cuối cùng So cũng trở về Việt Nam.
Mẹ tự bán mình
Theo Quỹ Trẻ em Rồng xanh, một tổ chức phi chính phủ của Úc có văn phòng tại Việt Nam, hầu hết nạn nhân là các cô gái trẻ như So. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, phụ huynh cũng là đối tượng mà những kẻ buôn người hướng đến.
Bà Do, mẹ của So, đã tự "dâng mình" cho những kẻ buôn người. Lý giải cho hành động trên, đó là một mong cầu khẩn thiết nhằm thoát khỏi quê nhà, vươn đến hy vọng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn tại Trung Quốc.
Cha của So nghiện thuốc phiện. Một lần nọ, ông ta đánh gãy quai hàm của bà Do. Bà đâm đơn ly dị nhưng cuối cùng phải chọn cách "tẩu vi thượng sách", bỏ lại những cô con gái cho một tổ chức ở địa phương chăm lo sự an toàn của chúng.
"Người thân của tôi ở Trung Quốc đã trả tiền cho bọn buôn người nhờ họ mang tôi sang đây để lo chi phí xe cộ. Họ không bán tôi", bà Do kể lại.
Không như những nạn nhân nạn buôn người khác, bà Do có thể tự lựa ra cho mình một tấm chồng trong danh sách những người đến "dự tuyển" tại nhà người thân.
Bà Do đã tìm cho mình một người đàn ông theo ý trong buổi đến xem mắt, và hiện tại họ đang sống cùng nhau tại Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận