18/02/2023 12:53 GMT+7

Cồn bãi sông Mekong - Kỳ 4: Cái cồn bị… đứt đôi

Một ngày đẹp trời, cồn Khương có vị trí đắc địa nhất nhì Cần Thơ bỗng dưng bị… đứt đôi, và thẻo đất bị "đánh rơi ra sông" trở thành cồn bãi mới xa dần phần còn lại với nhiều chuyện người xưa, tích cũ.

Cồn Linh nằm ngay cửa ngõ sông Bình Thủy đổ ra sông Hậu, góp phần che chở cho đoạn sông này thành vùng nước bình yên - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Cồn Linh nằm ngay cửa ngõ sông Bình Thủy đổ ra sông Hậu, góp phần che chở cho đoạn sông này thành vùng nước bình yên - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Vùng nước bình yên

"Tích xưa kể rằng vua Gia Long trên đường giong thuyền lánh nạn trên sông Hậu đã gặp sóng to, gió lớn, nhiều thuyền bị sóng đánh chìm, tổn thất lớn về người và của. Giữa hiểm nguy cận kề, những người đi trong đoàn thuyền phát hiện có ánh sáng phía tả ngạn. 

Khi đoàn thuyền đến nơi thì thấy có con rạch nhỏ uốn cong về hướng tây nam. Nơi đây mặt nước yên bình, phẳng lặng, dù giáp nước với con sông mẹ đang ì đùng sóng gió. Nhờ sự che chở của con rạch mà nhà vua và đoàn tùy tùng thoát nạn trong cơn bão lớn.

Để nhớ nơi đã cưu mang mình, con rạch được vua đặt tên là Bình Thủy, nghĩa là vùng nước yên bình. 

Trước đây, con rạch còn có tên khác là Long Tuyền, nghĩa là dòng sông của nhà vua", ông Nguyễn Văn Minh, tức Sáu Minh (63 tuổi), trầm tư trước đình Bình Thủy (Cần Thơ) giải nghĩa cho khách lạ những giai thoại về con sông trước mắt, nơi ông được sinh ra và sống gần hết cuộc đời. 

"Tui trước giờ chẳng đi đâu xa, nên chuyện lòng vòng ở đây tui biết hết", ông nói. Nhưng khi nghe khách hỏi chuyện "cái cồn đứt đôi" thì ông tỏ ra ngạc nhiên: "Sao chú biết hay vậy. Hồi đó cái cồn này đâu có bị đứt hai như bây giờ. Giờ thì nó "trôi" khỏi cồn lớn luôn rồi. Ngộ thiệt đó chú".

Dòng Bình Thủy đổ ra sông Hậu được chắn ngang bởi dải đất cây cối xanh đậm mắt. Hai bờ vàm sông, một bên là ngôi đình Long Tuyền (hay đình Bình Thủy) cổ kính, bên kia là chùa Nhã Nam. 

Cả hai địa chỉ tín ngưỡng đều là nơi đến quen thuộc của du khách và dân địa phương. Vậy nhưng, rất ít người biết được khu đất trước mắt nhìn ra sông lớn là bãi cồn. Bởi nó ít được nhắc đến trong các sự kiện của địa phương, dù cồn nằm gần trung tâm thành phố.

Ông Lương Văn Khánh (54 tuổi), ngư dân có nhà bên vàm, nói dù sông Bình Thủy đổ ra sông Hậu, nhưng có dông gió thế nào đi nữa, sông Hậu có sóng to đến mấy thì nước sông Bình Thủy vẫn không hề hấn gì. Một phần cũng nhờ bãi cồn che chắn. 

Cho nên, dân gần xa qua lại khi gặp thời tiết bất lợi thường tấp vào đây ẩn trú. Hai bên vàm sông là đình, chùa, dân lánh sóng gió cũng vào đây cầu nguyện chuyến đi được bình yên.

"Xứ này nổi tiếng khắp nơi là xứ sở yên bình. Tôi nghĩ có được như vậy một phần là nhờ cái cồn chắn sóng gió. Địa thế cũng ảnh hưởng tính cách con người", ông Khánh nói có lẽ cũng nhờ đó mà tính cách dân ở đây hiền hòa.

Kể chuyện xưa cũ, ông Sáu Minh nói thêm xóm dân ngay vàm Bình Thủy ngày trước người ta gọi là xóm Lưới, bởi phần lớn dân cư làm nghề giăng lưới, đóng đáy cá trên sông Hậu. Họ rất tin vào đấng tâm linh mà họ gọi là "Bà cậu". 

Bên cồn đối diện xóm Lưới, người ta có lập nên miếu thờ "Bà cậu" để người đi tàu ghe qua lại ghé cầu nguyện bình an. Dân cồn và dân đất liền hay qua lại, giao hảo gắn bó với nhau.

"Hồi đó, tui có một người bạn thân tên Hải, nhà ở bên cồn. Sau bỗng dưng sông "trở chứng", cồn bị sạt lở quá trời. Đất nhà bạn tui và nhiều nhà nữa bị sông lấy mất, không biết giờ họ đi đâu ở đâu rồi", ông Sáu Minh trầm tư nói. Cồn bãi bị đứt hai đã khiến nhiều hộ dân mất nhà, mất đất, lang bạt khắp nơi.

Một ngư dân thắp nhang miếu "Bà cậu" trên cồn trước khi ra sông - Ảnh TIẾN TRÌNH

Một ngư dân thắp nhang miếu "Bà cậu" trên cồn trước khi ra sông - Ảnh TIẾN TRÌNH

"Cuộc chia tay" của cồn Khương

Ông Tư Ếch, người có vợ bên đất cồn, nói cồn bãi chắn bên ngã ba sông Bình Thủy trước kia là đoạn nối dài của cồn Khương. Rồi ông giải thích sở dĩ có tên cồn Khương là vì hồi "trào Pháp", Cần Thơ có một dược sĩ tên là Khương Bình Tịnh. 

Dược sĩ họ Khương rất giỏi bào chế thuốc. Năm 1926, ông mở nhà thuốc tây lấy tên mình, cũng là một trong những nhà thuốc tây đầu tiên ở Cần Thơ. Và gia đình họ Khương là một gia đình bề thế ở Cần Thơ. 

Ông chi tiền quảng cáo nhà thuốc trên nhật trình. Giới tinh hoa ở khắp Nam Kỳ đã tìm về Cần Thơ mua thuốc của ông.

Kinh doanh khấm khá, nhiều bậc trưởng giả mua nhà cao, xe đẹp, còn dược sĩ Khương Bình Tịnh lại bỏ tiền ra mua hẳn cái cồn để trồng cây trái, thảo dược. Ở đầu cồn, ngư dân đóng đáy, giăng lưới bắt được nhiều cá linh, nên có người gọi cồn đó là cồn Linh. 

Về sau, ghi nhận công lao của dược sĩ Khương Bình Tịnh với người dân xứ sở, người ta lấy họ ông đặt cho tên cồn là cồn Khương.

Những người cao tuổi kể từ khi gia đình họ Khương tiếp quản, cồn bãi vẫn tiếp tục được bồi lắng và kéo dài từ Cái Khế đến vàm rạch Bình Thủy. 

Ông Tư Ếch kể lại ngoài phần đất của gia tộc họ Khương, phần bồi lắng ở đầu cồn sau này cũng có nhiều hộ dân đến khai khẩn. Đất đai phì nhiêu, dân cồn lên liếp trồng nhãn, bưởi, dừa, chuối…, thứ gì cũng tốt. Đời sống dân cồn vì thế rất ổn định.

Trên địa hình, cồn Khương phân cách với đất liền bởi rạch Khai Luông. Phía đầu cồn là con rạch có tên Tà Két. Sở dĩ có tên đó là vì gần đó có nhà ông Tà Két. 

Dân Nam Bộ hay lấy tên người sinh sống tại địa phương để đặt tên cho các địa danh. Con rạch chỉ dài trên dưới 200m, xuồng ghe qua lại phải đẩy khó nhọc.

Rồi thời gian sau, những than phiền đi lại bất tiện đã ngớt đi khi rạch Tà Két ngày càng rộng ra dần. Điều đó đồng nghĩa với người đang ở hai bên con rạch bị mất đất. Ban đầu là cây dừa, cây ổi trôi sông, khi cồn Khương dần tách xa phần đất phía thượng nguồn. 

Cuộc chia tay kéo dài nhiều năm. Khi những người dân lần lượt mất đi những hàng xóm. Những cư dân lần lượt lìa nơi chôn nhau cắt rốn để tìm nơi ở mới…

Ông Tư Ếch cưới con của bà Hồ Thị Phẩm, nhà ở đầu cồn. Ông kể khi một phần lớn của cồn Khương tách ra, phần nhỏ ở đầu cồn còn lại năm gia đình. Phần đầu cồn là phần nhỏ bị tách ra người ta vẫn gọi là cồn Linh. 

Phần lớn hơn của cồn hướng về trung tâm thành phố Cần Thơ, nơi nhiều biệt thự sang trọng bậc nhất miền Tây có tên là cồn Khương bây giờ.

Ngày đó, những người dân ở lại cồn Linh cố gắng trồng cây, be bờ để hy vọng giữ lại được phần đất cuối cùng. Nhưng rồi họ phải nhìn cây cối, nhà cửa lần lượt trôi sông và đành bán những gì còn lại để rời cồn, vào đất liền sinh sống.

Năm 2007, gia đình bà Phẩm là những người cuối cùng rời khỏi cồn. Họ nhượng lại phần đất cồn và sứ mệnh gìn giữ đất cồn cho người mới đến. Đó cũng là khi rục rịch có tin cồn sẽ được quy hoạch làm du lịch sinh thái, một khung cảnh thanh bình, cây trái bát ngát lại nằm gần trung tâm thành phố Cần Thơ…

Cồn Linh giờ là vùng đất cây trái xum xuê với những ao cá bát ngát. Vài hộ dân xóm Lưới vẫn giữ thói quen ghé qua cồn cầu nguyện "Bà cậu". Đôi khi họ đi quanh quẩn trên cồn xem vườn cây, ao cá được lớp chủ sau này gây dựng lên mà trầm trồ lẫn tiếc nuối...

Câu chuyện trở nên thời sự khi người dân kể về nạn mất đất do sạt lở.

"Ngày đó, chiến tranh ì đùng, đồn bót ở sát nách mà dân chúng cũng cố bám trụ, không đi tản cư. Vậy mà chỉ láp giáp mấy năm, đất đai nhà cửa trôi sông…", ông Sáu Minh thở dài, rồi bấm đốt ngón tay nhớ lại hồi đó bên cồn có nhà ông Thiệu, ông Tám Liền, Bảy Lời…

Giờ họ không ai còn đất ở đó nữa.

_____________________________________

Dòng Cổ Chiên, một trong những chi lưu của Mekong chảy ra Biển Đông, đã kịp "nặn" ra những chiếc cồn được định hình bằng cây bần, cây mắm. Những chiếc cồn mới nổi được đặt tên cây giữ đất.

 Kỳ tới: Cồn Bần cuối dòng Cổ Chiên

Cồn bãi sông Mekong - Kỳ 3: Cồn "kim cương" bên bến Ninh KiềuCồn bãi sông Mekong - Kỳ 3: Cồn 'kim cương' bên bến Ninh Kiều

Giữa vàm sông Cần Thơ đổ ra sông Hậu, lù lù mọc lên một mảng xanh. Cái cồn như chuyện cổ tích ngay trước bến Ninh Kiều.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên