16/01/2019 11:11 GMT+7

Coi phim là di sản được lợi gì?

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Với lối tiếp cận độc đáo coi phim là một di sản, nhiều nước đã biết cách tận dụng nguồn tài nguyên hình ảnh cho sự phát triển của quốc gia. Còn ở Việt Nam, nguồn tài nguyên này đang được sử dụng như thế nào?

Coi phim là di sản được lợi gì? - Ảnh 1.

Nhà báo Lê Hồng Lâm: “Di sản phim muốn sống phải có sự tương tác với cộng đồng” - Ảnh: B.C.

Hàn Quốc là ví dụ điển hình cho việc dùng điện ảnh để làm văn hóa và kinh tế. Cuối thập niên 1990 rất ít người Việt quan tâm tới Hàn Quốc, nhưng chỉ sau một thập niên điện ảnh Hàn du nhập Việt Nam, nhiều người Việt đã trở thành "tín đồ" của văn hóa đại chúng Hàn Quốc. Rõ ràng điện ảnh như một thứ quyền lực "mềm" quảng bá hữu hiệu nhất cho văn hóa của một quốc gia.

Phim Việt kết nối văn hóa với người Việt

Hội thảo Phim như là một di sản văn hóa do Hội đồng Anh, Viện Phim Việt Nam phối hợp tổ chức tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia hôm 15-1 đã gợi nên một cách tư duy mới mẻ về phim: coi phim như là di sản văn hóa.

Hai bộ phim Việt được chọn chiếu trong chuỗi sự kiện này Đến hẹn lại lên, Mùa ổi cũng có thể coi là di sản văn hóa tinh thần của Việt Nam. Bởi chỉ cần xem phim, khán giả ngay lập tức được đưa trở lại quá khứ, hiểu thêm về xã hội Việt Nam một thời.

Nhà báo Lê Hồng Lâm - tác giả cuốn sách 101 bộ phim Việt Nam - cho biết anh đã lớn lên cùng những bộ phim của điện ảnh cách mạng Việt Nam. 

Dù công việc nghiên cứu điện ảnh cho anh cơ hội tiếp cận với rất nhiều tác phẩm điện ảnh nước ngoài xuất sắc nhưng "phim nước ngoài khó có thể thay thế được phim Việt Nam".

"Khi xem một bộ phim Việt Nam hay, tôi rất dễ xúc động vì một cách tự nhiên phim Việt đã có kết nối văn hóa với người Việt. 

Trong quá trình xem phim Việt để viết sách, tôi đã nhiều lần xúc động vì những bộ phim gợi nhớ đến ông bà, cha mẹ của tôi. Điện ảnh thực sự rất quan trọng vì nó là phương tiện giúp con người nhìn nhận văn hóa, đời sống của chính mình" - cây bút phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm chia sẻ.

Ngày nay, rất nhiều quốc gia phát triển coi trọng điện ảnh. Điện ảnh không chỉ đơn thuần là phương tiện giải trí, mà còn là một công cụ ghi chép lại lịch sử của một đất nước. Để hiểu về quá khứ không có gì sống động hơn khi xem phim tài liệu.

Vàng vẫn cất kín trong kho

Đó là ví von dành cho phim tư liệu của quyền tổng giám đốc Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương, đạo diễn Nguyễn Như Vũ. Hãng phim này hiện đang sở hữu 12.000 cuốn phim nhựa, gần 4.000 băng đĩa các loại. 

Đây là kho tư liệu quý về đất nước và "kho vàng" này đang được khai thác phục vụ cho các đơn đặt hàng làm phim ít ỏi của Nhà nước, nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị. 

Hãng này có thể cung cấp tư liệu cho các cá nhân, đơn vị sản xuất tư nhân có nhu cầu, nhưng theo ông Nguyễn Như Vũ, quy định sử dụng tư liệu nhà nước rất chặt chẽ và giá cho mỗi phút phim tư liệu không phải ai cũng có khả năng chi trả.

Trong khi đó, theo đạo diễn Phan Đăng Di, nếu có một quy chế tốt hơn thì nguồn tư liệu này sẽ có một đời sống tốt hơn. 

"Hiện nay có rất nhiều nhà thực hành nghệ thuật làm phim thể nghiệm cần tư liệu. Trên thế giới, họ sử dụng tư liệu cũ đưa vào các tác phẩm mới rất thú vị. Nếu ta không biết khai thác nguồn tư liệu thì nó vẫn mãi trong kho và chỉ là nguồn tư liệu chết" - đạo diễn Phan Đăng Di nói.

Trong khi đó, người Scotland đã có những cách thức rất sáng tạo trong việc sử dụng tư liệu phim để kết nối cộng đồng - bà Shona Thomson, người thực hiện dự án Made by the sea, một tour chiếu phim tư liệu tại các vùng duyên hải ở Scotland, cho biết tại hội thảo. 

Dự án đã giúp người dân có cơ hội ngồi quây quần xem phim, hồi tưởng thời mình đã sống hàng chục năm trước và khóc vì nhìn thấy người thân trong những thước phim tư liệu. Rất nhiều khán giả sau khi xem phim chia sẻ đối với họ đây là một trải nghiệm khó quên.

Có thể thấy, để một nguồn tư liệu có thể "sống" được, tư liệu đó phải được sử dụng thường xuyên. 

Ý kiến "lưu trữ nhưng phải có sự tương tác" của ông Frank Gray (giám đốc lưu trữ phim Screen Archive South East, Đại học Brighton, Anh) đã được rất nhiều người tham gia hội thảo tâm đắc. Tương lai nào cho việc lưu trữ phim tại Việt Nam? 

Để không phải nuối tiếc, hi vọng các nhà lưu trữ phim Việt Nam có một cái nhìn khác về nguồn tài nguyên mình đang nắm giữ và tìm phương án sử dụng một cách hợp lý hơn.

Nhiều phim chưa được số hóa

Ông Lê Tuấn Anh - phó phòng kỹ thuật Viện Phim Việt Nam - cho biết viện đang lưu trữ 100.000 cuốn phim nhựa.

Một năm viện chỉ có khả năng số hóa 1.000 bản, tức là con số còn lại rất lớn. Mà thời gian là kẻ thù lớn nhất của các cuộn phim nhựa.

Nhà báo Lê Hồng Lâm đề xuất: "Di sản phim muốn sống phải có sự tương tác với cộng đồng. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài để làm công tác lưu trữ phim tốt hơn. Theo tôi được biết ở Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh đã số hóa nhiều phim Việt Nam và xây dựng một thư viện dành cho cộng đồng. Đó là một ý tưởng rất hay".

Hợp tác điện ảnh Hàn - Việt: có đưa được phim Việt đến Hàn? Hợp tác điện ảnh Hàn - Việt: có đưa được phim Việt đến Hàn?

TTO - Diễn đàn Mạng lưới kết nối công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 2 được diễn ra trong 3 ngày tại TP.HCM, như một dịp để điện ảnh Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác với Hàn Quốc thông qua những hoạt động diễn đàn, giao lưu...

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên