23/06/2016 19:18 GMT+7

Điện ảnh Hàn - Việt cùng bắt tay

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TTO - Một cuộc gặp mặt quy mô hướng sự quan tâm đến việc hợp tác sản xuất phim Hàn - Việt đang diễn ra tại TP.HCM trong một hội thảo kéo dài hai ngày rưỡi.

Em là bà nội của anh trở thành điển hình của ví dụ về thành công trong hợp tác sản xuất phim Việt - Hàn - Ảnh: C.K
Em là bà nội của anh trở thành điển hình của ví dụ về thành công trong hợp tác sản xuất phim Việt - Hàn - Trong ảnh: Đạo diễn Phan Xi Nê của phim Em là bà nội của anh chia sẻ tại hội thảo Mạng lưới công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc 2016 - Ảnh: C.K.

Đúng như tên gọi rộng rãi của hội thảo: Mạng lưới công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc 2016, khá nhiều nội dung đã được triển khai, từ việc dành một buổi chiều cho doanh nghiệp hai bên tự giới thiệu… đến lễ ký kết hợp tác bản ghi nhớ giữa Cục điện ảnh và Kofic, diễn đàn điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc với những mổ xẻ các ví dụ cụ thể về hợp tác điện ảnh.

Trong lời dẫn của hội thảo, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục điện ảnh cho biết sự lan tỏa mạnh mẽ của điện ảnh Hàn là bài học cho điện ảnh VN, phía VN đương nhiên chờ sự hợp tác bền vững để phát triển điện ảnh.

Không thể phủ nhận sự quan tâm đặc biệt của khán giả Việt với điện ảnh Hàn nói riêng và văn hóa Hàn nói chung, nhưng giới làm nghề cũng không ngoại lệ. Có rất nhiều gương mặt nổi tiếng đã đến tham dự hội thảo và chăm chú lắng nghe, từ các diễn viên - đạo diễn Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh, Đoàn Trần Anh Tuấn, Trương Ngọc Ánh, Đinh Ngọc Diệp đến các nhà sản xuất - phát hành Ngô Thị Bích Hiền (BHD), Nguyễn Thế Phong, Trinh Hoan (HK Film), Trần Thị Bích Ngọc… Họ đến nghe còn bởi hội thảo cung cấp rất nhiều thông tin tổng hợp về điện ảnh Hàn. 

Hàn Quốc thực sự có gì? 

Có quá nhiều thứ VN chưa có như Hàn, nhưng cái giống Hàn thì lại giống… kỳ khôi!

Sở hữu doanh thu phòng vé đứng thứ 7 trên thế giới, năm 2015 đã có 269 phim Hàn được sản xuất (tổng kinh phí ước tính gần 337 triệu USD), được chiếu trên 2.424 phòng chiếu. Nếu như năm 1993 chỉ có 7 triệu lượt người xem (thấp nhất) thì năm 2015 đã có đến 112,9 triệu lượt người xem phim Hàn. Dân số Hàn là trên 50 triệu người. Nghĩa là trung bình mỗi một người Hàn đến rạp bốn lần trong một năm.

Tương tự phía VN, ông Duy Anh - cục phó Cục điện ảnh cho biết chỉ có khoảng 51 triệu lượt người Việt / 90 triệu người đến rạp mỗi năm và VN hiện cũng chỉ có hơn 500 phòng chiếu. Điểm giống hệt Hàn Quốc là tỷ lệ sở hữu rạp chiếu phim ở VN theo thứ tự cũng là CJ rồi đến Lotte!.

Ngoài ra, Hàn Quốc còn có quỹ hỗ trợ điện ảnh Hàn đã được thành lập với tiền từ chính phủ và tiền trích 3% mỗi vé xem phim được bán ra. Cũng khoảng hơn 20 năm nay, họ đã có mạng máy tính quản lý doanh thu phòng vé với 99% các phòng chiếu nối mạng để đảm bảo các con số thống kê về doanh thu, số người xem mỗi phòng chiếu mỗi phim minh bạch và chính xác. 

6 công ty Hàn đến VN lần này, ngoài CJ E&M đã quen với Để mai tính 2 và Em là bà nội của anh thì Content Panda được giới thiệu là đơn vị sản xuất Hậu duệ mặt trời. Một số công ty còn lại chuyên về kỹ xảo (bởi các phim Việt lâu nay vẫn tìm kiếm thị trường này chủ yếu ở Thái Lan) cùng hai công ty sản xuất phim hoạt hình.

Ông chủ tịch Kofic Kim Sae hoon giải thích lý do phái đoàn Hàn Quốc đem chuông qua VN là bởi “chúng tôi đã có nhiều công ty sản xuất phim điện ảnh, phát hành, làm rạp ở VN nhưng có lẽ mảng kỹ xảo hậu kỳ và sản xuất phim hoạt hình cũng là thế mạnh của điện ảnh Hàn thì còn thiếu vắng…. Đây là thời điểm để bắt tay nhau sản xuất các bộ phim hay và cùng phát triển trên thế giới. Những chia sẻ từ các doanh nghiệp cả hai nước sẽ là nền tảng để hợp tác trong tương lai về điện ảnh". 

Và Việt Nam có gì để giới thiệu?

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp điện ảnh Việt lên tự giới thiệu về mình, phía VN có BHD, HK Film, Colory, Cyclo, Badclay Studio và Hãng phim Hoạt hình VN. 

Bà Ngô Thị Bích Hiền - đại diện BHD tự hào với bề dày của  công ty tư nhân đầu tiên hợp tác với Đài truyền hình quốc gia VTV, đem phim ra nước ngoài bán sớm và nhiều nhất, mỗi năm sản xuất khoảng hơn 1000 giờ phim cùng các gameshow.

Còn ông Nguyễn Thế Phong của HK Film thì khẳng định dù hiện tại công ty ông tự tin trong thị trường Việt với hai lĩnh vực sản xuất phim và cho thuê thiết bị nhưng HK Film luôn giữ phương châm hợp tác nội địa (dù đã tham gia sản xuất rất nhiều phim điện ảnh đình đám như Mỹ nhân kế, Âm mưu giày gót nhọn, Em là bà nội của anh và khoảng 20 phim điện ảnh khác nhưng công ty này luôn hợp tác chứ không làm một mình) và đương nhiên khi đến đây họ cũng đang đón chờ cơ hộ hợp tác quốc tế, cụ thể là Hàn Quốc. 

Có lẽ sự chia sẻ thú vị nhất lại đến từ một đại diện trẻ nhất: Đoàn Trần Anh Tuấn của Colory. Đây là gương mặt không xa lạ với giới làm phim Việt bởi phim hoạt hình 3D Dưới bóng cây của Tuấn đã giành nhiều giải thưởng, được chia sẻ như một niềm tự hào khi hoạt hình Việt “hóa ra lại dễ thương đến thế”!

Những hình ảnh về công ty trong đoạn phim giới thiệu, một tập phim ngắn chỉ dài chừng ba phút của một sản phẩm dài hơi Tuấn và cộng sự đang làm đã nhận được tràng vỗ tay tán thưởng lớn. Dưới bóng cây - Hành trình trở về đang là dự án phim hoạt hình 90 phút chiếu thương mại đầu tiên của VN mà Tuấn dự kiến sẽ cho ra rạp vào 2018, bên cạnh đó là dự án phim hoạt hình dài tập “chiếu ở kênh truyền hình hay website thì còn chờ nhà đầu tư”! Tất nhiên, đây có lẽ chính là lý do để Tuấn có mặt ở đây, tìm kiếm cơ hội cho mình và công ty. 

Hợp tác trên 4 lĩnh vực

Đại diện Kofic, ông Kim Hyoun Soo - trưởng phòng hoạch định chính sách cho rằng trong tương lai để thúc đẩy cho sự phát triển chung của điện ảnh Việt - Hàn thì có nhiều kế hoạch nhưng trước khi thực hiện điều đó thì phải có sự giao lưu hợp tác giữa các doanh nghiệp điện ảnh Hàn - Việt để có thể cùng nhau làm ra phim đã. Cũng cần có số liệu thống kê điều tra cụ thể rằng có bao nhiêu phim Hàn Quốc tại VN, những chờ đợi của khán giả với phim Hàn là gì?

Thay mặt Cục điện ảnh, ông Duy Anh nhấn mạnh: “Về cơ bản Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hợp tác trên bốn lĩnh vực: sản xuất phim, phát hành và chiếu phim, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức sự kiện giữa điện ảnh Việt và điện ảnh Hàn... Chúng tôi khuyến khích việc hợp tác sản xuất ra ý tưởng mới làm phim để khán giả Việt hay Hàn đều thích thì phim sẽ phát hành ít nhất được hai nước, nếu tốt hơn có thể mở rộng ra ngoài biên giới hai nước”.

Sẽ bỏ giấy phép đủ điều kiện sản xuất phim…

Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh VN đang được xúc tiến thành lập sau khi đã được phê duyệt từ nhà nước.

Nhà nước tăng cường cải cách thủ tục hành chính, thi hành luật doanh nghiệp thì có một số giấy phép con sẽ bỏ đi như giấy phép đủ điều kiện sản xuất phim do Cục điện ảnh cấp từ năm 2017 sẽ bỏ, chính sách đặt hàng sẽ bình đẳng nhất cho mọi doanh nghiệp làm phim.

Chúng tôi kêu gọi CGV và Lotte - những đơn vị Hàn Quốc đang kinh doanh rạp, phát hành phim ở VN hãy đặt quyền lợi của khán giả Việt lên trên hết để khán giả Việt thực sự là những người được hưởng lợi từ điện ảnh…

Ông Đỗ Duy Anh - Cục phó Cục điện ảnh

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên