Nhiều người nhìn vào gia cảnh không tin em gượng dậy nổi, càng không nghĩ em có thể đỗ cao đẳng.
Phóng to |
Lê Thị Hằng và em trai Lê Quang Huy. Sau khi bố và mẹ qua đời, gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai Hằng, Sau những giờ học, mỗi tối hai chị em phụ giúp dì bán nước ở vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tháng ngày buồn
Ngôi nhà tập thể cũ kỹ chỉ chừng hơn 20m2 là nơi tá túc của chị em Hằng. Thực ra đây không phải căn hộ chính thống, chỉ là một phần từ căn hộ gốc gần 30m2 mà bác ruột Hằng ở theo diện cấp cho gia đình liệt sĩ. Căn hộ chật hẹp đã từng buộc bác của Hằng phải đục tường mới có thể đưa được cụ em ra ngoài khi cụ mất.
Năm 2006, tai họa ập xuống gia đình Hằng khi người mẹ tần tảo cứ chịu đau, cố lờ đi những cơn tức bụng bất thường. Cho đến khi cơn đau dồn dập, bà mới đi khám thì sững sờ với chẩn đoán ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Vỏn vẹn ba tháng sau ngày nhận kết quả của bệnh viện, mẹ Hằng mất khi còn trẻ. Lúc đó, bà mới qua tuổi 40, Hằng học lớp 7 còn cậu em Lê Quang Huy vừa vào lớp 1.
Bố Hằng - một kỹ sư trắc địa quanh năm suốt tháng đi công tác đành xin nghỉ việc, về chạy xe ôm gần nhà để tiện săn sóc con cái. Chạy xe một thời gian, bố Hằng cứ yếu dần, người luôn nhức mỏi. Đi khám được kết luận sỏi mật nhưng sau mổ, người ông vàng vọt hơn. Kết quả kiểm tra làm ông suy sụp hoàn toàn: ung thư tuyến tụy. Hai lần mổ tiếp theo cố kéo ông lại với cuộc đời, nhưng sau lần mổ cuối một tháng, ông phải nhập viện cấp cứu. Đó là khoảng thời gian cận kề thời điểm Hằng thi ĐH. Cả họ bàn xin bác sĩ cho ông dùng máy thở tối đa, vớt vát qua những ngày con gái thi cử căng thẳng. Nhưng mọi cố gắng đều không vực được ông dậy. Ông qua đời trước khi Hằng làm thủ tục dự thi đúng hai ngày.
Hàng tháng trời không có thời gian ôn luyện vì mải lo ra vào bệnh viện trông nom bố, cộng ba buổi thi nặng trĩu ưu phiền khi vừa chịu tang cha khiến kết quả thi của Hằng không được như mong muốn. Không đỗ được NV1 vào ĐH Công đoàn, em trúng tuyển NV2 vào hệ CĐ Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải.
Phải sống!
Hơn hai tháng sau ngày bố mất, Hằng vừa lo thủ tục nhập học, vừa một mình xuôi ngược đến các cơ quan chức năng xin đủ loại xác nhận để có thể hưởng tiền trợ cấp. “Em trai em được miễn mọi khoản học phí ở trường, nhưng tiền ăn, tiền sinh hoạt hai chị em sẽ phải tự lo cho nhau. Em không biết sẽ phải sống thế nào, chỉ biết dựa vào tiền trợ cấp. Đến tháng 10, em tròn 18 tuổi, sẽ không được hưởng khoản trợ cấp này nữa” - Hằng bần thần.
Bà Khiếu Thị Cẩm Vân - tổ trưởng tổ dân phố 28, nhà C1, phường Trung Tự - xót xa: “Cả phường không nhà nào nghèo như thế. Đứa em gầy bé tí tẹo, lúc nào cũng ngơ ngác, thiếu thốn tình cảm, không bao giờ thấy thằng bé cười”.
Hội phụ nữ cũng từng đề nghị đưa Huy vào trại trẻ mồ côi, nhưng Hằng không đồng ý. “Chúng em đều thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, giờ lại phải xa nhau, cả hai chị em chắc không sống nổi” - Hằng lặng người khóc nấc.
Thương hai đứa nhỏ côi cút, người dân tổ 28 cùng gom góp sẻ chia. Bác tổ trưởng giúp hai chị em mỗi tháng một yến gạo, bác bí thư chi bộ giúp 200.000 đồng/tháng...
“Tiền đóng góp cho mỗi đứa cũng được chừng 400.000-500.000 đồng/tháng, nhưng làm sao đủ để lo sách vở cho các cháu? Người dân quanh đây cũng từng có lúc góp hơn 20 triệu đồng hỗ trợ gia đình, nhưng vẫn không đủ đóng viện phí cho một lần mổ của bố Hằng khi đó” - bà Vân rưng rưng.
Chuẩn bị cho những ngày nhập học, Hằng không có tiền để mua một món đồ mới. Tối tối, hai chị em lại tất tả ra phụ dì bán nước chè vỉa hè để kiếm thêm thu nhập. “Mọi người sẽ nói em quá cứng cỏi để bước tiếp trên chặng đường thật sự gian khó. Nhưng khi có một đứa em trai đằng sau, lúc nào cũng lặng câm và nhút nhát, em biết mình phải sống thật tốt để em dựa vào và trưởng thành mạnh mẽ hơn...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận