22/06/2013 04:15 GMT+7

Coi chừng nhiễm trùng da từ mực xăm

BS LÊ TUYẾT HOA
BS LÊ TUYẾT HOA

TTCT - Những năm gần đây có khá nhiều điểm dịch vụ xăm mọc lên và không chỉ đàn ông thích xăm, phụ nữ ngày nay nhiều người cũng chọn kiểu làm đẹp này. Không biết cơ quan chuyên môn quản lý các cơ sở này chặt chẽ đến đâu, nhưng thống kê chưa đầy đủ từ bệnh viện và phòng khám cho thấy các sự cố do xăm da đang gia tăng.

DS6O52fq.jpgPhóng to

Xăm mình ít khi bị nhiễm trùng, nếu xăm đúng, kim chỉ đâm đến lớp thượng bì thì không ảnh hưởng đến các lớp mô bên dưới. Tuy nhiên, trường hợp bị nhiễm trùng đã được ghi nhận.

Ở TP.HCM nhiều trường hợp sau khi xăm bị ngứa và nổi mẩn đỏ. Tại Hoa Kỳ đã phát hiện nhiều người sau xăm bị nhiễm trùng da do vi khuẩn mycobacteria không phải lao gây ra những nốt đỏ. Để tránh nhiễm trùng da do xăm, phải đảm bảo các khâu từ vô trùng mực xăm đến thao tác xăm an toàn. Trên thực tế, đảm bảo vô trùng mực xăm thường ít được lưu ý nhất. Mọi công đoạn trong quy trình sản xuất mực đều có thể bị nhiễm bẩn: sản xuất không vô trùng, nhiễm bẩn các thành phần bao gồm nước, glycerin, phẩm màu. Nước dùng pha mực (thường là nước cất hay nước nấu sôi để nguội) một khi nhiễm bẩn sẽ làm mực xăm bị nhiễm. Mực cũng có thể nhiễm ngay từ khâu phân phối. Mực xăm được xếp vào nhóm sản phẩm làm đẹp (mỹ phẩm) trong khi phẩm màu dùng trong mực lại là phụ gia có màu cần phải được phê duyệt trước khi tung ra thị trường. Cơ quan quản lý các sản phẩm làm đẹp yêu cầu thành phần của chúng không được chứa độc chất hay chất phụ gia có màu, được sản xuất theo những tiêu chuẩn sản xuất tốt và bảo quản trong điều kiện vệ sinh.

Ngoại trừ các chất phụ gia có màu (thuốc nhuộm, chất pha màu), cơ sở sản xuất hay nhà phân phối thường không buộc phải đưa ra những dữ liệu an toàn đối với mỹ phẩm. Ở nước ta hiện chưa rõ cơ quan quản lý mực xăm cũng như việc truy xuất nguồn gốc nhập khẩu được tiến hành nghiêm đến đâu. Nhưng trước hết, không ai khác, chính nhà sản xuất phải đảm bảo tính an toàn của sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Những biểu hiện ở da liên quan đến xăm có thể gặp là dị ứng, nhiễm trùng da do các vi khuẩn gây bệnh ngoài da (như tụ cầu vàng, mycobacteria không phải lao). Dị ứng thường biểu hiện đỏ, ngứa da nơi xăm, đôi khi có nốt sẩn, nhìn chung thường nhẹ. Nếu là nốt đỏ sẽ khó phân biệt với nhiễm khuẩn mycobacteria không phải lao, cần đi khám sớm để được theo dõi và chẩn đoán đúng. Đôi khi cần phải lấy mẫu da xét nghiệm (gọi là sinh thiết da) hoặc cấy da để tìm vi khuẩn gây bệnh. Đối với nhiễm khuẩn mycobacteria da như trên thường mất đến sáu tuần mới có kết quả. Nhiễm khuẩn này khó trị hơn nhiều so với nhiễm trùng da thông thường khác.

Dù đi xăm ở một nơi đảm bảo vệ sinh vẫn chưa chắc chắn bạn không bị nhiễm trùng da sau xăm. Nếu có những mẩn đỏ xuất hiện nơi xăm cần đến cơ sở y tế kiểm tra ngay. Khách hàng đi xăm nên yêu cầu kỹ thuật viên xăm cho mình phải đảm bảo mực xăm họ dùng đã qua quy trình loại bỏ chất lây nhiễm hoặc thật tuân thủ những quy định vô trùng và thao tác đúng kỹ thuật để được an toàn.

* Các nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện Tata Memorial ở Bombay, Ấn Độ đã áp dụng thành công biện pháp tầm soát ung thư cổ tử cung bằng sử dụng giấm và tăm bông. Các nhà nghiên cứu đã đưa tăm bông thấm nước giấm vào phần cổ tử cung, khoảng 60 giây sau quan sát khu vực mà nước giấm đã được quẹt qua, các nhà khoa học nhận thấy phần mô “tiền ung thư” sẽ chuyển sang màu trắng nếu như tiếp xúc với giấm, riêng phần mô bình thường không đổi màu.

Nghiên cứu này kéo dài hơn 15 năm trên 150.000 phụ nữ Ấn Độ tuổi từ 35-64. Kết quả cho thấy tỉ lệ tử vong ở những phụ nữ được tầm soát bằng phương pháp này giảm 31%. “Đây là một kết quả khả quan” - báo Khaleej Times dẫn lời giáo sư Surendra Shastri chia sẻ với hi vọng làm giảm tỉ lệ tử vong khi mà ung thư cổ tử cung trở thành nguyên nhân đầu tiên gây ra cái chết ở phụ nữ Ấn Độ.

(Nguồn: AFP - Hà An)

* Một nghiên cứu mới từ Trường đại học Bệnh viện Leuven (Bỉ) cho hay một số loại thuốc thường được dùng trong trường hợp cấp cứu và được lưu trữ trong xe cứu thương có thể bị giảm chất lượng dưới mức an toàn trong vòng vài tuần hoặc vài tháng.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mức độ giảm chất lượng của thuốc hằng tuần trong tháng đầu tiên và mỗi tháng sau đó. Kết quả là một số loại giảm chất lượng nhanh hơn khi không được lưu trữ trong phòng, tuy không có loại thuốc nào trữ lạnh bị giảm chất lượng xuống dưới 90%. Reuters dẫn lời bác sĩ Mark Merlin thuộc Trung tâm y tế Newark Beth Israel ở New Jersey (Mỹ), chuyên nghiên cứu chất lượng thuốc, giải thích rằng không giống như thuốc được lưu trữ trong các môi trường được kiểm soát ở bệnh viện, thuốc trữ trong xe cứu thương bị tác động của nhiệt độ thay đổi, ánh sáng mặt trời và sự chuyển động.

Mặc dù không tham gia nghiên cứu trên nhưng bác sĩ Merlin cũng cho biết thêm: “Đó là một khái niệm hoàn toàn khác và chúng tôi biết được rằng hạn sử dụng của thuốc rất khác biệt trong môi trường trong xe cứu thương”.

(Nguồn: Reuters - Việt Phương)

BS LÊ TUYẾT HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên