Một quảng cáo nằm trong chiến dịch của Coca - Cola - Ảnh: N.BÌNH
Slogan của chiến dịch quảng cáo này đã được sửa thành "Mở lon trúng vàng". Ở những nơi hiển thị dòng quảng cáo cũ mà không sửa được thì công ty cho gỡ bỏ.
Cũng theo đại diện Coca - Cola Việt Nam, sản phẩm của chương trình khuyến mãi, vốn được tung ra từ tháng 4-2019, là các lon nước ngọt nên bản thân doanh nghiệp không thể dùng từ thay thế nào khác như "chai" hay "hộp"...
"Trong tuần tới chúng tôi sẽ có công văn chính thức gửi đến Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch để giải thích rõ hơn về việc này", đại diện Coca - Cola Việt Nam cho biết.
Đại diện hãng nước ngọt này cũng cho biết sẽ có phản hồi chính thức đến truyền thông sớm về câu chuyện này.
Trước đó, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã có công văn gửi các địa phương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca - Cola.
Theo cục, hiện nay nội dung quảng cáo sản phẩm của hãng nước ngọt này trên truyền hình và một số phương tiện hiện nay có sử dụng cụm từ "mở lon Việt Nam".
Tuy nhiên, cục đánh giá cụm từ này trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Quảng cáo này cũng không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3, điều 8 và khoản 1, điều 19 Luật quảng cáo.
Trái thuần phong mỹ tục như thế nào?
Sáng 29-6, bà Ninh Thị Thu Hương - cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) - xác nhận với Tuổi Trẻ Online là có văn bản này và nói rằng việc ra văn bản chính là thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục Văn hóa cơ sở.
Vậy "mở lon Việt Nam trái thuần phong mỹ tục thế nào"?
"Vậy "mở lon Việt Nam" có thể được hiểu là "mở lon Coca - Cola tại Việt Nam" hay không, hay nó sẽ được hiểu theo rất nhiều nghĩa khác?", bà Hương đặt lại câu hỏi thay cho câu trả lời.
Theo bà Hương, từ "lon" đứng một mình, không gắn với từ Coca - Cola hay bia... có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa.
"Hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó... Từ "lon Việt Nam" có rất nhiều vấn đề " - người đứng đầu cơ quan ra văn bản gây tranh cãi này nói.
Bà Hương nói thêm từ lon ở Việt Nam có rất nhiều nghĩa nếu như không gắn với các từ chỉ đồ uống khác như "Coca - Cola", "bia"...
THIÊN ĐIỂU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận