Rất nhiều người đặt câu hỏi trên trang Facebook cá nhân của mình sáng nay: 'Mở lon Việt Nam thì có gì trái thuần phong mỹ tục mà Cục Văn hóa cơ sở phải ra văn bản đòi gỡ bỏ'?
"Không phù hợp thuần phong mỹ tục"
Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) vừa có công văn gửi các địa phương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca - Cola.
Văn bản nêu rõ hiện nay, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca - Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện hiện nay có sử dụng cụm từ "mở lon Việt Nam".
Công văn vừa qua của Cục Văn hóa cơ sở nêu rõ việc sử dụng cụm từ này trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Quảng cáo này cũng không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3, điều 8 và khoản 1, điều 19 Luật quảng cáo.
Do đó, cục đề nghị các sở văn hóa - thể thao, sở văn hóa - thể thao và du lịch các địa phương kiểm tra, rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca - Cola đã tiếp nhận. Từ đó yêu cầu doanh nghiệp chỉnh sửa cụm từ "mở lon Việt Nam".
Văn bản cũng đưa ra yêu cầu kiên quyết: "Yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo đối với quảng cáo trên bảng biểu, băngrôn".
Đối với phương tiện giao thông, màn hình và các phương tiện quảng cáo khác, Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu kiểm tra, chỉnh sửa hoặc tháo dỡ các sản phẩm quảng cáo có sử dụng cụm từ trên và tiến hành xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Văn bản này ngay từ lúc được cổng thông tin của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đưa tin ngày 26-6 đã lập tức vấp phải những bình luận đầy châm biếm và cả chỉ trích của cộng đồng mạng.
Hầu hết mọi người đều đặt câu hỏi "mở lon Việt Nam trái thuần phong mỹ tục ở chỗ nào mà bộ phải ra văn bản cấm đoán?".
"Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt"?
Sáng 29-6, bà Ninh Thị Thu Hương - cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) - xác nhận với Tuổi Trẻ Online là có văn bản này và nói rằng việc ra văn bản chính là thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục Văn hóa cơ sở.
Vậy "mở lon Việt Nam trái thuần phong mỹ tục thế nào"?
"Vậy "mở lon Việt Nam" có thể được hiểu là "mở lon Coca - Cola tại Việt Nam" hay không hay nó sẽ được hiểu theo rất nhiều nghĩa khác?", bà Hương đặt lại câu hỏi thay cho câu trả lời.
Theo bà Hương, từ "lon" đứng một mình, không gắn với từ Coca - Cola hay bia... có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa.
"Hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó... Từ "lon Việt Nam" có rất nhiều vấn đề " - người đứng đầu cơ quan ra văn bản gây tranh cãi này nói.
Bà Hương nói thêm từ lon ở Việt Nam có rất nhiều nghĩa nếu như không gắn với các từ chỉ đồ uống khác như "Coca - Cola", "bia"...
Bà cũng khẳng định ngay cả khi bỏ qua vai trò là nhà quản lý thì với tư cách một người dân Việt Nam, bà cũng không thể chấp nhận từ "lon Việt Nam", cho nên Cục Văn hóa cơ sở với trách nhiệm quản lý nhà nước của mình thì cần phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, phải có trách nhiệm phòng ngừa những cái chưa đẹp trong xã hội và bà mong muốn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng với nỗ lực xây dựng văn hóa, thẩm mỹ xã hội.
Trong khi đó, một vài cá nhân trong chính Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cũng khá bức xúc và ngán ngẩm với văn bản này.
"Thế nào là không phù hợp với thuần phong mỹ tục?", những người này đặt câu hỏi.
Nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online cho biết văn bản này hoàn toàn do Cục Văn hóa cơ sở ký ban hành, chứ không thông qua lãnh đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.
Nguồn tin khẳng định trong thẩm quyền của mình, các cục có quyền ra văn bản quản lý kiểu này, tuy nhiên cũng nói với các văn bản "nhạy cảm" có thể gây tranh cãi trong cộng đồng thì cục nên tham khảo ý kiến của lãnh đạo bộ.
Về việc bản tin về văn bản này đã bị gỡ khỏi cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, bà Ninh Thị Thu Hương nói bà không biết việc này, việc đăng lên hay gỡ xuống một bản tin nào đó trên cổng thông tin của bộ là do cơ quan phụ trách thông tin của bộ đảm nhiệm.
Bà Hương cũng khẳng định văn bản này là để các sở văn hóa - thể thao và du lịch, sở văn hóa - thể thao các địa phương kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của Coca - Cola, chứ không phải là cục ra văn bản đình chỉ hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp. Bà nói Cục Văn hóa cơ sở không có thẩm quyền đó.
Theo bà Hương, văn bản này của cục nhận được sự phản hồi tích cực từ địa phương, cụ thể là Hà Nội đã lập thức tháo dỡ các biển quảng cáo vi phạm của Coca - Cola.
Liên hệ với giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội Tô Văn Động sáng 29-6, ông Động xác nhận thanh tra của sở đã lập tức cho kiểm tra khi nhận được văn bản của Cục Văn hóa cơ sở từ khoảng một tuần trước và đã tháo dỡ một quảng cáo tấm lớn ở ngã tư Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận