01/03/2017 11:09 GMT+7

Cọ xát môi trường làm việc

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Kinh doanh, lập startup hay làm việc bán thời gian ở những công ty phù hợp với chuyên ngành đang theo học là xu hướng làm thêm của nhiều sinh viên.

Sinh viên Nguyễn Thành Nhân (trái) cùng các cộng sự cũng là sinh viên làm việc tại văn phòng của một startup Ảnh: Hữu Thuận
Sinh viên Nguyễn Thành Nhân (trái) cùng các cộng sự cũng là sinh viên làm việc tại văn phòng của một startup Ảnh: Hữu Thuận

Làm thêm đúng chuyên môn sẽ cho mình kinh nghiệm, thứ mà nhiều nhà tuyển dụng yêu cầu. Kinh nghiệm có thể không nhiều, nhưng khi đem lên bàn cân so sánh thì sẽ là một lợi thế cực lớn so với những cử nhân kinh nghiệm bằng 0

NGUYỄN HỮU NHƯ NGUYỆN

Vừa có thu nhập, vừa tích lũy vô vàn kinh nghiệm trong môi trường chuyên nghiệp, chủ động mở rộng cánh cửa tương lai sau này.

Đang học năm 3 ngành marketing (Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM) nhưng Nguyễn Thành Nhân đã đảm trách chức vụ trợ lý giám đốc của một công ty khởi nghiệp trong lĩnh công nghệ tại một cao ốc ở quận 3.

Sinh viên làm trợ lý giám đốc

“Công ty vừa ký được hợp đồng lớn, chính tay tôi soạn thảo hợp đồng đó” - Nhân nói. Nhân mới làm ở công ty này bốn tháng, trước đó Nhân đã làm việc qua hai công ty và từng mở dự án kinh doanh riêng. Từ cuối năm nhất, Nhân quyết định không ở ký túc xá, chuyển lên ở trọ ngay giữa quận 1.

“Tôi chấp nhận đi học xa để tìm cơ hội làm thêm đúng ngành đang học” - Nhân kể. Sau 10 tháng miệt mài, cái lớn nhất Nhân học được là cách vận hành của một startup công nghệ và tư duy của những người khởi nghiệp.

“Họ sẵn sàng đặt cược tất cả vào sự thành công và dồn toàn bộ tâm trí để đạt được điều đó” - Nhân hào hứng nói.

Từ đó, Nhân lập một nhóm nhỏ cung cấp dịch vụ chụp hình trọn gói thông qua ứng dụng do mình quản lý. Tuy nhóm không đủ nhân lực để duy trì, nhưng nhờ vậy mà Nhân có cơ hội gặp được giám đốc công ty hiện tại và được mời về làm việc.

“Tôi cân đối giữa việc học và việc đi làm để không ảnh hưởng hai bên. Những trải nghiệm thực tế giúp tôi dễ dàng tiếp thu bài học hơn mà tôi vẫn có thu nhập tốt để trang trải các chi phí” - Nhân bộc bạch. Hiện tại bạn đã được cấp học bổng thạc sĩ tại Canada và sẽ du học sau khi tốt nghiệp.

Ngoài Nhân, hai sinh viên Trần Phương Giang (Trường ĐH Quốc tế) và Nguyễn Anh Minh (Trường ĐH Khoa học tự nhiên) cũng đang làm việc tại startup này. Dù chưa ra trường nhưng Minh có kinh nghiệm hơn một năm làm lập trình và đã được hai startup công nghệ mời làm việc với mức lương tương đối cao.

“Tôi muốn khi ra trường mình phải là một lập trình viên chuyên nghiệp, nắm bắt được xu hướng của công nghệ nên sớm đi làm thêm. Điều tôi học được trong thời gian qua không chỉ là kiến thức chuyên môn mà cả những mối quan hệ và cách ứng xử trong công việc để khi ra trường tôi sẵn sàng bước vào những môi trường năng động” - Minh nói.

Bước vào “đường đua” lớn

Mới nhập học đúng 60 ngày, một nữ sinh “liều mạng” cầm hồ sơ đi... xin việc. Thật bất ngờ, công ty khởi nghiệp chuyên về vận tải có tiếng lại “chấm” ngay nữ sinh xinh đẹp này.

Một năm sau, cô lại xuất sắc vượt qua hơn 1.300 sinh viên tại Việt Nam với nhiều vòng tuyển chọn gắt gao để trở thành một trong năm thực tập sinh toàn cầu của một tập đoàn đa quốc gia. Mức lương cô nhận được hằng tháng lên đến tám con số, điều không ít người đã tốt nghiệp hằng mong ước.

Đó là Nguyễn Hữu Như Nguyện (20 tuổi) - sinh viên ngành tài chính quốc tế của Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM.

Nguyện kể: “Mới bước vào năm nhất, tôi đã hạ quyết tâm phải sớm kiếm cho mình một công việc để “lăn xả” càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, đắn đo nhất với Nguyện là chọn công việc bán thời gian nhẹ nhàng, thu nhập ổn định như gia sư, phục vụ bàn... hay kiếm việc ít tiền nhưng được làm ngành mình yêu thích”.

“Cuối cùng, tôi đánh đổi thời gian, ngủ ít hơn, bận rộn và gian nan hơn, có khi phụ cấp còn không đủ xăng xe nhưng lại có kinh nghiệm cho ngành mình đang học” - Nguyện chia sẻ.

Làm ở công ty khởi nghiệp một thời gian, Nguyện quyết định nghỉ việc để thử sức ở một vị trí mới, đó là nhân viên marketing cho một công ty truyền thông và cộng tác với một công ty quảng cáo.

Tuy nhiên, phải đến khi trở thành thực tập sinh toàn cầu, Nguyện mới bước vào “đường đua” lớn, phải thực hiện những dự án như một nhân viên chuyên nghiệp.

“Mới 20 tuổi, kinh nghiệm gần như bằng 0, nhưng tôi và bốn bạn còn lại đều gắng hết sức để hoàn thành những dự án mang lại giá trị thực cho công ty. Vì công ty đa quốc gia, mọi người được quyền chia sẻ, mọi ý kiến đều được tôn trọng và cùng thảo luận về nó nên một số đề xuất của tôi được thực hiện ở công ty” - Nguyện kể.

Bài học đầu tiên Nguyện học được là phải nêu ý tưởng và bảo vệ đến cùng quan điểm của mình. Ngoài ra, bản thân Nguyện cũng hình thành cho mình phong cách làm việc chuyên nghiệp, chịu được áp lực cao, giải quyết công việc gãy gọn nhưng vẫn giữ được mối quan hệ thân thiện với đồng nghiệp.

Lịch học, lịch làm việc khá căng thẳng nên bạn bảo “cứ như đi xiếc trên dây để giữ thăng bằng”, cuối năm vẫn xếp loại sinh viên xuất sắc.

“Tôi đã đi du lịch, học thi lấy bằng IELTS và học tiếng Trung từ số tiền mình tự kiếm được”- Nguyện kể.

Làm ở nhà, nhận lương hơn 2.000 USD

Lâm Phan Việt (bìa phải) tại một cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế tổ chức ở Nga - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Lâm Phan Việt (bìa phải) tại một cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế tổ chức ở Nga - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Để được các công ty công nghệ “săn đón” sau khi ra trường, Lâm Phan Việt (25 tuổi, tốt nghiệp Trường ĐH Cần Thơ) chọn cho mình một con đường khẳng định bản thân, đó là tham gia các kỳ thi tin học trong nước và quốc tế.

Chính bề dày thành tích ở những kỳ thi uy tín về công nghệ đã mở ra những cơ hội làm việc tốt cho chàng trai miền Tây này.

Vừa ra trường, Việt đã được Google mời sang Úc phỏng vấn, tuy không có “duyên” với Google nhưng Việt lại được nhận vào làm việc từ xa cho một công ty khởi nghiệp của Úc. Sau ba tháng thử việc, bạn đã nhận được mức lương hơn 2.000 USD/tháng dù làm việc ngay tại nhà mình.

“Các nhà tuyển dụng ấn tượng với hồ sơ của tôi bởi thành tích ở các kỳ thi lớn chứ không phải là bằng cấp hay điểm số. Có thể họ không biết bạn học ở đâu nhưng nhắc đến kỳ thi Olympic tin học ACM/ICPC họ sẽ biết nên tôi đầu tư cho các kỳ thi là một hướng đi đúng” - Việt nói.

Sau một thời gian làm việc tại Việt Nam, Việt sang làm việc cho Grab ở Singapore và hiện là kỹ sư phát triển phần mềm cho Amazon TP Sydney (Úc), với vị trí kỹ sư phát triển phần mềm.

_________________________________

Kỳ tới: Bước ra thực tế để trải nghiệm

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên