18/05/2012 08:31 GMT+7

Cỏ xanh còn dấu "bà đầm"

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Căn biệt thự mướt màu cỏ xanh và ngập những giò phong lan của ông bà Dương Quang Thiện vốn đã rất yên tĩnh, hôm nay lại càng yên tĩnh hơn sau một thoáng lao xao. “Bà đầm” đã đi xa, lần này là mãi mãi.

9WiW1dBh.jpgPhóng to

Ông bà Dương Quang Thiện đã tham gia đóng góp cho chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ liên tục suốt 20 năm qua - Ảnh: Nguyễn Công Thành

Những hồi ức của ông Dương Quang Thiện về “bà đầm” thương yêu một đời của mình tuôn chảy dào dạt hơn bao giờ, khác hẳn vẻ kín đáo, lặng lẽ của ông thường ngày. Từ chuyện những ngày đầu khi bà là một cô giáo ở Thụy Sĩ, ông là một du học sinh nghèo. Mới gặp, bà đã yêu và... tự động đi đăng ký học tiếng Việt. Mỗi tuần, ông viết cho bà một bài học. Mỗi tuần, ông tập cho bà nấu một món ăn Việt. Để rồi cuối cùng bà đã ăn suốt tuần, suốt tháng, suốt năm những món ăn Việt Nam.

Chương trình đầu tiên

"Chúng tôi không làm từ thiện, chúng tôi đầu tư cho các em, là đầu tư cho tương lai"

Ông kể: “Có lần tôi hỏi: Sao bà lại yêu tôi? Bà đầm bảo: Vì anh là một sinh viên nghèo mà lại biết thương những người nghèo khác, biết yêu đất nước của anh”. Hôm nay, trước linh cữu bà, ông cười ngất mà mắt rưng rưng khi nhắc chuyện xưa: “Trong sách vở về tình yêu đâu có câu nào như thế đâu phải không? Vậy mà bà đầm đã yêu tôi vì thế, và bà cũng yêu luôn cả nước Việt Nam của tôi”.

Là kỹ sư điện toán của Hãng IBM với lương cao ngất ngưởng, năm 1965 ông Dương Quang Thiện quyết định về Việt Nam giữa bom lửa, khói đạn. Ông nói: “Đất nước tôi còn nghèo, sẽ cần tôi hơn là các nước đã phát triển”. Bà đầm gật đầu theo ông về Việt Nam. Và bà đã cả đời làm một người vợ Việt Nam.

Từ đó, cái tên Dương Quang Thiện bắt đầu nổi tiếng. Là người đặt những viên gạch đầu tiên cho công nghệ thông tin Việt Nam. Là người viết những cuốn sách gối đầu giường của “dân tin học”. Là người luôn đau đáu với việc đưa công nghệ thông tin vào quản trị hệ thống... Và danh xưng “ông bà Dương Quang Thiện” còn nổi tiếng hơn với tư cách nhà tài trợ các học bổng cho sinh viên, các lớp học, các cây cầu, các chương trình khuyến học suốt mấy mươi năm.

“Chương trình đầu tiên chúng tôi tham gia là học bổng “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ năm 1989. Năm ấy, chúng tôi lần đầu tiên có được một món tiền kha khá, là tiền lương hưu trí từ Thụy Sĩ gửi về cho bà đầm” - ông Dương Quang Thiện nhớ lại. Việt Nam vừa trải qua một thời kỳ “thật gian khó”, vòng vây cấm vận quốc tế vừa được tháo bỏ, có khoản tiền từ nước ngoài gửi về, bà đầm không dùng để sắm sửa, cũng không mua vé máy bay về thăm gia đình. Bà nhớ ngay đến những nguyện vọng sâu kín trong lòng ông, lý do bùng cháy tình yêu của bà bao năm về trước. Bà đọc báo và cùng ông tìm đến báo Tuổi Trẻ.

Đôi lần “bà đầm” không lặng lẽ

Bà Agnès Dương Quang Hofsterter, quốc tịch Thụy Sĩ, mất ngày 15-5-2012, thọ 85 tuổi. Từ năm 1989 tới nay, ông bà Dương Quang Thiện luôn song hành cùng các chương trình học bổng, khuyến học, xây dựng các công trình trường học ở vùng sâu vùng xa trên cả nước. Nguồn tài trợ là tất cả tiền tiết kiệm, viết sách và phát hành sách của ông bà trong suốt một đời.

Từ đó, ông bà đã trở thành “nhà tài trợ chuyên nghiệp”. Tiền lương hưu của bà, tiền viết sách của ông được lên kế hoạch sử dụng tỉ mỉ, chi li cho từng suất học bổng, từng công trình tài trợ. 20 năm ròng rã góp tay cho chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ, tám năm tài trợ học bổng cho Đại học An Giang, mười mấy năm đóng góp cho quỹ khuyến học của báo Sài Gòn Giải Phóng... Những người tổ chức chương trình thường hay lui tới nhà ông bà ai cũng nhớ cảnh bà mỉm cười đi trao học bổng tận tay sinh viên, lặng lẽ gật đầu đồng tình lúc ông dặn dò: “Chúng tôi không làm từ thiện, chúng tôi đầu tư cho các em, là đầu tư cho tương lai”.

Bà âm thầm tự cắt may từng cái áo, váy, tự đi chợ, nấu những bữa ăn nhiều rau ít thịt, giữ gìn những ghế mây, bàn gỗ suốt mấy chục năm trời để tiết kiệm, dành tiền cho các kế hoạch “lấy giáo dục nuôi giáo dục”. Bà rỉ tai nhắc ông trả lời khi có người cắc cớ hỏi vì sao không giàu có mà lại mang tiền đi lo chuyện bao đồng: “Đó là việc mà chúng tôi chọn để làm, giống như ăn cơm hằng ngày vậy mà”.

Cái tên của bà, Agnès Dương Quang Hofsterter, chỉ xuất hiện trong các giấy tờ hành chính. Đi đến đâu, đóng góp chỗ nào cũng chỉ một danh xưng “ông bà Dương Quang Thiện”... Thật là khác với tưởng tượng của nhiều người, kể cả người thân của ông bà, về phong cách của một “bà đầm”. Và thật giống với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “xuất giá tòng phu”.

Bà vẫn giữ quốc tịch Thụy Sĩ, vẫn nói tiếng Pháp, nhưng lại chính là một người vợ Việt Nam là như thế.

“Ấy vậy mà cũng có đôi lần bà ấy không lặng lẽ...” - ông Dương Quang Thiện nhớ lại. Ấy là một lần phóng viên nước ngoài đến phỏng vấn bà với tư cách một người nước ngoài ở lại Việt Nam sau chiến tranh, trải qua cả thời kỳ bao cấp khốn khó. Suốt hai giờ trò chuyện, bỗng bà “chỉnh” ông nhà báo: “Tôi trả lời ông trung thực, có chuyện tốt chuyện xấu. Tại sao lúc tôi nói chuyện tốt không thấy ông ghi chép, nói chuyện xấu thì ghi lia lịa?”. Ông nhà báo gãi đầu phân trần, rồi sau đó bài báo đã được đăng theo đúng ý bà, có tốt có xấu. Một lần khác là khi ông ngỏ ý thôi tài trợ cho sinh viên ĐH An Giang sau sáu năm liền cấp học bổng để chuyển sang trường khác, bà đã nghiêm mặt: “Sinh viên An Giang còn nhiều khó khăn lắm”. Chỉ thế thôi, “và ý của bà với tôi luôn là mệnh lệnh” - ông cười.

Vậy mà hôm nay bà đã đi xa rồi. Ông vẫn ở lại bên thảm cỏ, bàn viết và vẫn tiếp tục các chương trình “ông bà Dương Quang Thiện - lấy giáo dục nuôi giáo dục”.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên