Thủ tướng Võ Văn Kiệt nghe trình bày về dự án quy hoạch khu trung tâm TP.HCM (năm 1998). Sau khi thôi các chức vụ, ông vẫn đau đáu với sự phát triển của TP.HCM, của nước nhà - Ảnh: T.T.D.
Không chỉ vì đến kỷ niệm lần thứ 95 ngày sinh của ông (23-11-1922), cũng không chỉ là những chuyện "vượt rào, phá rào" thời bao cấp... mà còn là câu chuyện thời sự mở đường cho bước phát triển mới của TP.HCM.
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở Củ Chi trong thời điểm Quốc hội đang bàn vấn đề thời sự này, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhắc lại điều tâm đắc nhất về người tiền nhiệm: "Ông Sáu Dân không ưa cái cũ kỹ, luôn ủng hộ cái mới. Nghe đúng, thấy đúng, nghĩ đúng là ông nói ngay, làm luôn, không mảy may có ý nghĩ sợ mất ghế, mất chức. Vì vậy khi nào, ở đâu ông cũng luôn chói sáng".
Làm người mở đường...
Nhiều người gọi ông Sáu Dân là "anh Hai Nam Bộ", nhưng tính cách "ủng hộ cái mới, nói ngay, làm luôn" rất Nam Bộ ấy lại không chỉ là Nam Bộ.
Chỉ khi người thư ký thân thiết lần mở những cuốn sổ tay to nhỏ mà ông luôn mang theo bên mình, người ta mới đọc được những dòng ông từng ghi chép:
"Chức quyền cao chưa phải là sự nghiệp, mà chỉ là phương tiện để có thể làm nên một sự nghiệp nào đó cho dân cho nước. Chức vụ là phương tiện, nhưng vượt quá khả năng thì không nên nhận - phương tiện cần người biết sử dụng phương tiện đó. Chính đó là sự đánh giá đúng mình, như người lực sĩ cử tạ... Đó là lựa chọn trách nhiệm".
Còn trong cuộc đời, ông đã thể hiện những điều đó, sống đúng như thế ngay từ những ngày đầu tiên theo cách mạng.
Sau một chuỗi bước dài khởi đầu ấn tượng từ khi là chàng thanh niên 16 tuổi, quá trình hoạt động của ông ghi rõ một lần nhận kỷ luật Đảng năm 1949 khi kiên quyết không chịu nhận chức bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá vì cho rằng người đương nhiệm là ông Nguyễn Thành Nhơn hơn mình về khả năng lãnh đạo lẫn học vấn và mục đích thay bí thư chỉ vì ông Nhơn thuộc thành phần địa chủ là không hợp lý.
Không biết rằng khi ấy ông đã viết câu đúc kết về sự lựa chọn chức vụ một cách trách nhiệm trong sổ công tác hay chưa, nhưng tinh thần của trách nhiệm ấy đã thấm đẫm trong lựa chọn "kỷ luật thay cho thăng chức" rồi.
Cho đến hôm nay, ai ai cũng còn nhớ những bước "phá rào" dũng cảm: bù giá vào lương, sản xuất ba kế hoạch, vượt trạm kiểm soát "buôn lậu" của Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt và các đồng sự từ TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ đã cứu bao gia đình khỏi khủng hoảng đói ăn thiếu mặc thời bao cấp...
Ý thức rất rõ vị trí đầu tàu của TP.HCM ngay trong chính sách "cào bằng" những năm ấy, ông đã đưa ý tưởng để TP.HCM tổ chức những Hội nghị Phước Long, Hội nghị Đà Lạt, mời các lãnh đạo cao nhất từ Hà Nội vào khảo sát thực tế, nhìn tận mắt, nghe tận tai những ý kiến gan ruột của nông dân, công nhân, các cán bộ quản lý, các trí thức, nhận chân quy luật kinh tế, quy luật cuộc sống và nhìn rõ những sai lầm trong cơ chế chính sách quan liêu bao cấp.
Ông đã tình nguyện làm người mở đường, nhưng tất nhiên để vạch được đường và tin chắc vào từng bước đi thì không thể đơn độc. Ấy chính là lý do mà hình bóng ông Sáu Dân, tư tưởng, lời nói, việc làm của ông Sáu Dân luôn luôn in đậm nhất trong những người trí thức.
TP.HCM vốn có điều kiện huy động nhân tài, vật lực và có ảnh hưởng rất lớn đến vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ (đối với miền Đông Nam Bộ là đương nhiên). Nếu thụ động, trên cho phép làm tới đâu thì làm tới đó, hài lòng rằng thế là nghiêm túc thì bất cứ cấp nào, ngành nào nhận thức như vậy, tôi cho là không đủ trách nhiệm..., có thể nói là sợ trách nhiệm. Sợ thì đồng nghĩa với an phận, triệt tiêu năng động...
Trích sách Võ Văn Kiệt - Người thắp lửa, NXB Trẻ, 2010
Chiều 1-5-1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định TP.HCM xây dựng đường hầm ngầm qua Thủ Thiêm (tại vị trí đặt cây chỉ) - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
... Đến ngày cuối cùng
Đến tận hôm nay, các cựu thành viên của nhóm Thứ Sáu (nhóm chuyên gia độc lập ở TP.HCM thường nhóm họp vào ngày thứ sáu), nhóm Ban nghiên cứu của Thủ tướng (hoạt động đến thời Thủ tướng Phan Văn Khải) vẫn còn tiếc nuối: "Giá như còn ông Sáu...".
Ông ra đi đã mang theo một lượng lớn động lực và cảm hứng làm việc của họ, nhưng cũng để lại những mơ ước và thôi thúc, đòi hỏi thật lớn lao.
Ông Huỳnh Bửu Sơn, chuyên gia kinh tế, lúc nào cũng như được tiếp thêm sức mạnh khi nhắc đến ông Sáu Dân: "Tôi bị ông cuốn hút theo những đau đáu của ông với tình hình đất nước, những bài toán tìm cách giảm nhẹ tác hại những sai lầm trong quản lý kinh tế, tìm cách tháo gỡ, giải quyết những chồng chéo bòng bong để ra được hướng đi đúng.
Gặp ông và đột nhiên tôi được thuyết phục rằng đó cũng chính là vấn đề thiết thân của mình. Ông dường như chưa bao giờ suy nghĩ về chuyện riêng tư, quyền lợi cá nhân, khiến những người xung quanh như chúng tôi cũng không bao giờ nghĩ đến, hoặc nếu có thoáng qua sẽ tự thấy thật xấu hổ".
Ông Sáu Dân không được học hành bài bản nhưng thông minh, nhanh nhạy, tự học cả đời, mục đích trong sáng, lại biết dựa vào giới trí thức nên nói đúng, quyết trúng.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Ông Phan Chánh Dưỡng, thành viên đầu tiên của nhóm Thứ Sáu, cũng cùng suy nghĩ ấy: "Lần nào gặp tôi, ông Sáu cũng hỏi: "Dưỡng, có "chiêu" gì hay về kinh tế không?".
Câu hỏi không thay đổi theo năm tháng, từ khi ông làm bí thư thành ủy đến khi trở thành thủ tướng, cố vấn, rồi khi đã hoàn toàn nghỉ hưu đến tận những năm tháng cuối cùng.
Tất nhiên, tôi biết những việc mình đã và đang làm đều rất nhỏ so với những việc ông đang suy nghĩ, nhưng đó lại là vấn đề của đất nước.
Ông Sáu nói và tôi tự thấy không thể để mình ông gánh gồng, toan tính, lo lắng những việc cho hàng triệu người, trong ấy có mình. Thế là tôi phải tự nâng mình lên.
Ông gọi, bận mấy tôi cũng đến. Ông ra đề bài, mệt mấy tôi cũng phải tìm tư liệu nghiên cứu, suy nghĩ, tính toán rồi đến gặp ông trình bày.
Nay ông đi rồi, nhưng còn rất nhiều bài toán mà chúng tôi đã cùng với nhau tìm lời giải vẫn chưa giải được, hoặc đã có lời giải nhưng chưa thực hiện được...".
Nhiều đề xuất, góp ý của ông gửi đến lần thứ ba vẫn mới chỉ thực hiện được một phần nhỏ, ông vẫn rạng rỡ cười:
"Không ngại bất quá tam, tôi sẽ tiếp tục lần thứ tư, thứ năm. Làm việc cho dân cho nước phải kiên nhẫn, chỉ cần có sự vào cuộc thật tâm huyết và nghiêm túc của các nhà khoa học".
Các đồng chí, người thân của ông vẫn còn ngậm ngùi nhắc mãi dự định đi Hà Lan khảo sát kinh nghiệm đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của ông ngay khi đã nhập viện tháng 6-2008.
Ông không hề biết đó là những ngày cuối cùng của đời mình, không hề nghĩ cần phải nghỉ ngơi khi đã trở lại làm một ông Sáu Dân thực sự của miền Nam. Ấy là vì ông luôn coi "chức quyền chỉ là phương tiện để làm nên sự nghiệp cho dân, cho nước" vậy.
Từ "xé rào" cho TP.HCM đến những dấu ấn
Sức thuyết phục về quyết tâm phải "phá rào" của TP.HCM để đi bước tiên phong cho cả nước cũng mạnh không kém sức thuyết phục của thực tế cuộc sống, nghị quyết của Đại hội VI đã thành "nghị quyết đổi mới", lần lượt sửa những chính sách duy ý chí: bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, cho phép kinh tế tư nhân, giao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, cải tổ hệ thống ngân hàng, ra Luật đầu tư nước ngoài...
Tất cả các quyết sách này đều mang rõ dấu ấn của Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt.
Và tất nhiên khi được bầu làm Thủ tướng, dấu ấn của ông còn đậm nét hơn nữa: đường dây tải điện 500kV từ Bắc chí Nam, Việt Nam gia nhập ASEAN, lệnh cấm đốt pháo, bình thường hóa quan hệ với Mỹ... Những việc ông làm đều chưa có tiền lệ, quá trình bàn thảo giữa hai luồng ý kiến ủng hộ - phản đối đều rất quyết liệt.
Sau này, khi nhớ lại những lúc căng thẳng phải lựa chọn, quyết định ấy, ông cười sảng khoái: "Nếu lúc nào cũng có đường sẵn thì cần gì người mở đường".
Khả năng của người hoạch định
Bao nhiêu năm, ông đã cùng các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học bàn thảo, tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp phát triển kinh tế TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung, tìm những điểm có thể đột phá để làm đầu tàu kéo theo cả nước.
Khả năng nghe, hiểu, ghi nhớ, phân tích, đánh giá các vấn đề nhiều khi thuần túy chuyên môn của ông là cả một sự kinh ngạc với các chuyên gia quen làm việc với hàng núi kiến thức, con số.
Ông Phan Chánh Dưỡng kể: "Khi tôi nêu quan điểm các chính sách phát triển kinh tế phải thoát ra khỏi ranh giới hành chính - vốn do con người đặt ra, mà xem xét trên định hình tự nhiên để nhìn rộng ra từng vùng, miền để chọn trọng điểm đòn bẩy cần chính sách đặc thù, ông đã đồng ý ngay và hồ hởi mở bản đồ, vẽ ra, nối lại từng tam giác, tứ giác khắp cả nước, hào hứng khi tô đỏ vào những điểm nhấn như TP.HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đà Lạt...
Khi đã xác định được những đường hướng cụ thể như TP.HCM ưu tiên phát triển công nghệ - dịch vụ - tài chính, thế mạnh của Đà Lạt là du lịch - khoa học - giáo dục, Cam Ranh - Đà Nẵng nên phát triển cảng nước sâu khai thác giao thương quốc tế... làm đòn bẩy cho sự phát triển cả vùng, ông miệt mài soạn thảo đề xuất để gửi lên các cấp lãnh đạo".
Ông Sáu Dân không ưa cái cũ kỹ, luôn ủng hộ cái mới. Nghe đúng, thấy đúng, nghĩ đúng là ông nói ngay, làm luôn, không mảy may có ý nghĩ sợ mất ghế, mất chức.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt (giữa) đi thị sát vùng tứ giác Long Xuyên, khu vực đầu nguồn An Giang. Nơi ông đứng (trong ảnh) cũng là nơi một năm sau đó ông quyết định xẻ tuyến kênh T4-T5-T6 thoát lũ ra biển Tây - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận