22/01/2013 08:03 GMT+7

Có thể rút ngắn thời gian xét tuyển

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Hôm nay (22-1), đại biểu thuộc hơn 400 trường ĐH, CĐ và 63 sở GD-ĐT trên cả nước sẽ dự Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2013. Trước khi hội nghị diễn ra, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã chia sẻ cùng Tuổi Trẻ. Ông Ga cho biết:

xVrmSu7C.jpgPhóng to
Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Đắk Lắk với sự tham gia của hơn 3.000 học sinh - Ảnh: B.D.

- Năm 2012, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển cho các trường, không quy định cứng về số đợt xét tuyển và thời gian mỗi đợt xét tuyển. Nhiều trường tỏ ra lúng túng, bị động khi thực hiện quy định này. Một số trường thông báo thời hạn nhận hồ sơ quá ngắn, thí sinh chưa kịp hoàn tất thủ tục đã “đóng” xét tuyển gây không ít khó khăn và bức xúc cho thí sinh, nhất là thí sinh vùng cao, vùng sâu, điều kiện đi lại còn nhiều hạn chế.

"Thực hiện nghị quyết 50 của Quốc hội khóa XII, Bộ GD-ĐT đã cảnh báo những trường thành lập trước năm 2010 mà chưa xây dựng được cơ sở riêng tại địa điểm theo hồ sơ đăng ký thành lập và sau ba năm (kể từ năm 2010) nếu vẫn không xây dựng được cơ sở tại địa điểm đăng ký thì đình chỉ hoạt động đào tạo và xem xét giải thể nhà trường"

Thứ trưởng BÙI VĂN GA

* Nhiều trường ĐH ngoài công lập lại cho rằng chính việc kéo dài xét tuyển đã khiến họ rơi vào tình trạng tuyển sinh bi đát, các trường công lập tận dụng quy định điểm chuẩn đợt sau có thể thấp hơn đợt trước để tuyển hết SV. Tỉ lệ tuyển sinh năm 2012 cũng chỉ đạt hơn 80% so với chỉ tiêu đăng ký, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo Thứ trưởng, sự sụt giảm tuyển sinh nói chung có nguyên nhân từ đâu?

- Nguyên nhân chủ quan do các trường chưa khẳng định được thương hiệu, không có sức hút đối với thí sinh. Điều kiện bảo đảm chất lượng ở một số đơn vị đào tạo còn thiếu thốn, ngành đào tạo đơn điệu, tập trung chủ yếu vào khối ngành kinh tế - quản trị kinh doanh... Song cũng không thể phủ nhận nguyên nhân khách quan từ tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, tác động đến tâm lý thí sinh, nhất là thí sinh dự thi vào các ngành quản lý. Mặt khác, tâm lý chung thí sinh ở vùng cao, vùng sâu cũng có nguyện vọng về học các trường thành phố lớn với mục tiêu có cơ hội học thêm, làm thêm, tìm kiếm việc làm. Một số trường đã khẳng định thương hiệu tuyển vượt năng lực cũng làm cho nguồn tuyển các trường khác bị hạn chế. Việc kéo dài thời hạn xét tuyển cũng gây khó khăn cho một số trường...

Năm 2013 chỉ tiêu tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy sẽ được giữ ổn định để nâng cao chất lượng. Bộ khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, văn hóa nghệ thuật...

* Rõ ràng thời gian xét tuyển như năm 2012 không thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường, chắc chắn bộ sẽ phải có điều chỉnh?

- Năm 2013, bộ vẫn sẽ không giới hạn số đợt xét tuyển, giao cho các trường chủ động kế hoạch tuyển sinh. Tuy nhiên rút kinh nghiệm của đợt tuyển sinh năm 2012, hội nghị tuyển sinh lần này sẽ bàn về thời gian tối thiểu cho mỗi đợt xét tuyển để đảm bảo tính công bằng cho mọi thí sinh. Mặt khác, theo phản ảnh của các trường, bộ cũng đưa ra bàn bạc để quyết định thời điểm kết thúc xét tuyển cho phù hợp với thực tiễn, thuận lợi cho các trường, cho thí sinh, bảo đảm tính khả thi cho kỳ thi.

* Được biết năm 2012, bộ đã tổ chức chấm thanh tra hơn 1.000 bài thi tự luận và đã phát hiện có sai sót, ví dụ một số trường không chấm hai vòng độc lập theo quy định. Bộ có hướng điều chỉnh nào để bảo đảm tính công bằng trong đánh giá, lựa chọn thí sinh?

- Đúng là Bộ GD-ĐT đã thành lập hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận và đã triển khai chấm bài thi các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý. Kết quả cho thấy công tác chấm thi ở một số trường có sai sót, chưa thật nghiêm túc. Các trường đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý các đơn vị, cá nhân có liên quan theo quy định. Để ngăn chặn những sai sót này, năm 2013 bộ dự kiến bổ sung cụ thể vào quy chế công tác chấm thanh tra tại trường. Việc chấm thẩm định bài thi tự luận sẽ được tiếp tục tiến hành và bộ dự định công khai kết quả chấm thẩm định kỳ thi năm nay.

* Việc xác định chỉ tiêu năm nay có gì thay đổi so với quy định năm 2012? Đã có dư luận cho rằng việc bộ làm quyết liệt trong việc xử lý người đứng đầu các cơ sở giáo dục tự xác định chỉ tiêu sai, nhưng những kiến nghị xử lý chưa chắc đã được các bộ chủ quản khác chấp thuận?

- Năm 2013 sẽ bắt đầu thực hiện việc xác định chỉ tiêu liên thông CĐ, ĐH chính quy trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh CĐ, ĐH và khống chế không quá 20% tổng chỉ tiêu này. Các trường ĐH cũng phải tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp theo lộ trình giảm 20%/năm và chấm dứt đào tạo trung cấp trong trường trước năm 2017.

Theo kế hoạch, trong hội nghị về thi và tuyển sinh, bộ sẽ yêu cầu các trường cùng bàn thảo xem việc xác định chỉ tiêu theo hai tiêu chí số lượng sinh viên/giảng viên và diện tích sàn xây dựng/sinh viên đã phù hợp chưa, có cần bổ sung tiêu chí nào hay không. Thực tế, trong đợt kiểm tra 30 trường trên phạm vi cả nước vừa qua có đến 22/30 trường vi phạm quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có năm trường không đạt cả hai tiêu chí. Một số trường đã tự xác định chỉ tiêu vượt năng lực đào tạo thực tế, rồi lại tiếp tục tuyển sinh vượt cả chỉ tiêu đã xác định. Những trường vi phạm xác định chỉ tiêu tuyển sinh không đúng quy định đã bị xử lý theo quy chế tuyển sinh. Các trường này chỉ được thông báo chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 sau khi đã gửi về Bộ GD-ĐT báo cáo xử lý theo kết luận thanh tra.

Điểm mới về tuyển sinh 2013

- Bổ sung đối tượng dự thi tuyển sinh liên thông là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp, CĐ chưa đủ 36 tháng có nguyện vọng học liên thông lên trình độ CĐ hoặc ĐH. Những thí sinh này phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu theo quy định của khối thi tương ứng với ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy.

- 10 trường thuộc khối văn hóa - nghệ thuật được tổ chức tuyển sinh riêng: các trường có tuyển sinh khối C sẽ chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT; các trường có tuyển sinh khối H, N, S chỉ tổ chức thi các môn năng khiếu và xét tuyển môn ngữ văn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình ba năm học THPT.

- Tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ những học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế; học sinh đoạt giải hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế, đã tốt nghiệp trung học.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên