Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga ở Matxcơva - Ảnh: Bloomberg
Ngày 27-6, Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết đến hết ngày 26-6 Nga đã không trả khoản lãi 100 triệu USD. Hạn chót này đã được gia hạn 1 tháng trước đó. Như vậy Matxcơva được coi là vỡ nợ lần đầu tiên trong một thế kỷ qua.
Bộ Tài chính Nga khẳng định đã hoàn thành nghĩa vụ khi thanh toán qua Trung tâm lưu ký thanh toán quốc gia (NDS) bằng đồng euro và USD. Nhưng số tiền này không đến được tài khoản của các chủ nợ.
Theo các luật sư, Nga vẫn có thêm 1 ngày để thanh toán số tiền.
"Vỡ nợ nhân tạo"?
Kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2-2022, Nga đã gặp vấn đề trong việc thanh toán khoản nợ nước ngoài 40 tỉ USD. Tài sản ở nước ngoài của Matxcơva bị đóng băng trong khi các ngân hàng lớn nhất nước này bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Dòng tiền của Nga bị tắc nghẽn sau khi Bộ Tài chính Mỹ vá lỗ hổng trừng phạt, loại bỏ ngoại lệ cho phép các chủ nợ Mỹ nhận thanh toán từ Nga. Một tuần sau đó, Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt cơ quan chịu trách nhiệm thanh toán của Nga là NDS.
Điện Kremlin khẳng định đây là sự "vỡ nợ nhân tạo", bởi Nga có đủ khả năng trả nợ nhưng không thể thanh toán do các biện pháp trừng phạt.
"Ai có thể tuyên bố gì tùy ý. Nhưng những ai hiểu điều gì đang xảy ra sẽ biết rằng không có chuyện vỡ nợ", Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nhấn mạnh, nói rằng nước này vẫn nhận hàng tỉ USD mỗi tuần từ xuất khẩu năng lượng.
"Rất, rất hiếm khi một chính phủ có đủ khả năng (trả nợ) bị chính phủ nước ngoài đẩy vào tình trạng vỡ nợ", nhà phân tích Hassan Malik của Công ty Loomis Sayles & Company LP cho biết. Dù vậy, giới phân tích cho rằng vỡ nợ cũng chỉ là vấn đề nhỏ so với những gì Nga đang đối mặt là lạm phát 2 con số và sụt giảm kinh tế trầm trọng.
Nga đã từng rơi vào khủng hoảng tài chính năm 1998, chính quyền tổng thống Boris Yeltsin đã không trả được khoản nợ 40 tỉ USD trong nước. Trong khi đó, lần cuối cùng Nga vỡ nợ nước ngoài là vào năm 1918.
Nga đang tìm cách thanh toán nợ bằng đồng nội tệ - Ảnh: REUTERS
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Trong khi đó, Nga vẫn đang gấp rút giải quyết vấn đề thanh toán. Tuần trước, nước này thông báo sẽ trả nợ bằng đồng rúp.
Hãng tin Reuters cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký sắc lệnh thực hiện các quy trình tạm thời và cho chính phủ 10 ngày để lựa chọn các ngân hàng xử lý vấn đề thanh toán. Theo các quy định mới này, Nga được coi là đã hoàn thành nghĩa vụ một khi chuyển tiền (đồng rúp) cho các cơ quan thanh toán địa phương.
Chưa rõ các nhà đầu tư có chấp nhận công cụ mới này không, cũng như các biện pháp trừng phạt hiện tại có cho phép họ nhận các khoản thanh toán từ Nga hay không.
Theo Bloomberg, các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ lựa chọn im lặng quan sát với hy vọng các biện pháp trừng phạt sẽ sớm được nới lỏng. Họ cũng không cần vội hành động bởi vẫn có thể yêu cầu bồi thường trong vòng 3 năm kể từ ngày thanh toán.
Hiện tại, theo ông Siluanov, việc các chủ nợ đòi tuyên bố vỡ nợ thông qua các tòa án là không hợp lý vì Nga vẫn giữ quyền miễn trừ chủ quyền của mình. Do đó, sẽ không có tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền xét xử vụ việc.
Thông thường, việc vỡ nợ sẽ do các tổ chức xếp hạng tín dụng xác định nhưng các tổ chức này đã không còn đánh giá tín dụng của Nga do các lệnh trừng phạt.
Theo các tài liệu liên quan đến trái phiếu đáo hạn ngày 26-6 nói trên, các chủ nợ có thể tuyên bố vỡ nợ nếu có sự nhất trí của chủ sở hữu ít nhất 25% số trái phiếu này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận