Nguyễn Thị Loan miệt mài đi làm thuê kiếm tiền để vào đại học - Ảnh: VNCC
Trong ngôi nhà cấp bốn xây dựng nhiều năm trước, chị Trương Thị Nhung (44 tuổi, thôn Liên Xuân, xã Hộ Độ, tỉnh Hà Tĩnh) với đôi tay run lẩy bẩy đang lục lại giấy tờ cá nhân để chuẩn bị đăng ký vay vốn học sinh sinh viên cho con gái Nguyễn Thị Loan tiếp nối ước mơ vào đại học.
Chị Nhung mắc căn bệnh bướu Basedow. Gần đây chị đến Bệnh viện Ung bướu Hà Nội khám, được các bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị. Chị lo ngại điều trị lâu ngày nên tranh thủ về nhà làm thủ tục vay vốn học sinh sinh viên cho con trước khi nhập viện.
Loan là con thứ hai trong gia đình có 5 chị em. Mẹ buôn bán vặt, bố đi làm thuê kiếm sống. Chị gái Loan từng theo học Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội được gần 2 năm, do hoàn cảnh khó khăn nên nghỉ học vào TP.HCM làm công nhân kiếm sống. Sau Loan còn 3 em đang độ tuổi ăn học.
Tại Trường THPT Mai Thúc Loan (huyện Lộc Hà), em được xếp vào lớp chọn khối A1. Em luôn tự học, rèn luyện để trở thành học sinh giỏi của trường.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Loan đạt tổng điểm các môn khối A00 là 27,95 điểm. Trong đó, các môn toán 9,2 điểm, lý 9,75, hóa 9 điểm. Với số điểm này, em trúng tuyển nguyện vọng một vào học tại Trường đại học Kinh tế quốc dân - ngôi trường em mơ ước khi bước vào giảng đường đại học.
Những ngày này, sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, những tân sinh viên bắt đầu mua sắm đồ đạc, dụng cụ học tập để chuẩn bị bước vào giảng đường đại học thì Loan vẫn miệt mài với công việc bán hàng thuê tại một cửa hàng tạp hóa.
Loan tâm sự, những năm gần đây cuộc sống gia đình gặp khó khăn nên sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp, em tranh thủ đi tìm một công việc vừa sức làm. Em mong muốn tích góp được khoản tiền nhỏ để mua sắm những vật dụng cần thiết trước khi rời gia đình đi học.
"Giai đoạn này, gia đình em gặp nhiều khó khăn. Mẹ em chuẩn bị phải nhập viện điều trị nên con đường vào đại học của em sẽ nhiều gập ghềnh hơn. Đi học, em sẽ kiếm công việc làm thêm, kiếm chi phí trang trải cho bản thân để giảm bớt gánh nặng cho gia đình" - Loan kể về kế hoạch sắp tới.
Chị Trương Thị Nhung, mẹ của em Loan - Ảnh: LÊ MINH
Chị Trương Thị Nhung chia sẻ, gia đình rất tự hào khi Loan được bước chân vào ngôi trường em mơ ước. Loan là đứa con ngoan và chăm chỉ. Khi chưa rời ghế phổ thông, ngoài những lúc đến trường, lúc ở nhà Loan luôn phụ giúp bố mẹ chăm sóc cho 3 em, quán xuyến công việc gia đình để bố mẹ yên tâm đi làm thuê bên ngoài.
Thầy Lê Phong - giáo viên chủ nhiệm 3 năm của Nguyễn Thị Loan tại Trường THPT Mai Thúc Loan - cho biết, Loan là học sinh vượt khó học giỏi. Suốt 3 năm phổ thông em luôn nỗ lực học tập, xuất sắc cả 3 năm liền là học sinh giỏi của trường. Các thầy cô dạy học Loan luôn đánh giá cao thành tích học tập của em cũng như ghi nhận sự nhiệt huyết của em trong các hoạt động ngoại khóa.
"Tôi hy vọng Loan được tiếp sức để quãng đường đại học của em bớt khó khăn hơn. Đồng thời tin tưởng rằng với nghị lực của bản thân, Loan sẽ hoàn thành xuất sắc chương trình đại học để có một tương lai tươi sáng", thầy Phong nói.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tuổi Trẻ đang tiếp nhận đăng ký học bổng
Mùa học bổng Tiếp sức đến trường thứ 20 (năm 2022), báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn cả nước tìm kiếm và trao khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng với tổng số tiền hơn 15 tỉ đồng.
Chương trình đang tiếp nhận đăng ký của tân sinh viên và người giới thiệu. Vui lòng truy cập địa chỉ: https://tiepsuc.tuoitre.vn, làm theo hướng dẫn để đăng ký.
Năm 2022 còn có năm suất học bổng toàn phần (được cấp trong 5 năm liên tục) trị giá 375 triệu đồng, 50 laptop (hơn 600 triệu đồng) tặng tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập và 1.500 ba lô tặng sinh viên (230 triệu đồng)...
Từ nguồn hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ, đến nay đã có 22.370 tân sinh viên được "tiếp sức" với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận