Học yoga fly tại một trung tâm đào tạo yoga ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Đây là một hình thức mới của yoga được các bạn nữ ưa chuộng, thu xếp thời gian tìm đến học - Ảnh: Quang Định |
Chúng tôi giới thiệu thêm các ý kiến về vấn đề này.
* Anh Đặng Hùng Anh (nhân viên kỹ thuật Công ty TNHH Nam Việt, TP.HCM):
Không đi bơi là người uể oải
Tôi làm nhân viên kỹ thuật, phụ trách hỗ trợ về máy móc nên phải thường xuyên có mặt tại công ty. Tôi đã có gia đình, có con nhỏ nên không còn dư dả thời gian để đi bơi vào những buổi chiều tối.
Do vậy, tôi đã chuyển sang bơi vào ca sớm nhất, lúc 5g30, thoải mái vẫy vùng trong 45 phút hoặc một giờ rồi về nhà phụ bà xã đưa con đến trường mầm non. Bản thân tôi lúc đầu tưởng không sắp xếp được lịch đi bơi vì rất khó thức dậy sớm, nhưng chỉ bỏ hai tuần không bơi là người tôi uể oải, chịu không nổi.
Tôi thấy mỗi lần đi bơi về tinh thần tôi sảng khoái, hôm đó đi làm cũng cảm thấy tràn trề năng lượng hơn. Do vậy, dù bận cách nào tôi cũng dành thời gian khoảng một giờ vào sáng sớm để đến hồ bơi.
* Chị Trần Thị Mai Loan (thợ may, TP.HCM):
Nhờ yoga, tôi bớt đau lưng
Tôi làm thợ may áo dài được gần chục năm nay. Cách đây khoảng hơn một năm, tôi bị đau lưng nặng. Đi khám, bác sĩ khuyên tôi nên chọn một môn thể thao để tập sẽ giúp tôi khỏe hơn vì công việc phải ngồi nhiều, ít vận động cũng phần nào ảnh hưởng đến bệnh đau lưng của tôi.
Tôi bận rộn với công việc ở tiệm may, lại phải tròn trách nhiệm chăm sóc gia đình nên chọn cách kết hợp ba buổi tối trong tuần lúc đưa con đến học múa tại nhà thiếu nhi quận, tôi cũng tranh thủ ghé qua lớp yoga để tập.
Ròng rã tập yoga gần một năm nay, tôi thấy không chỉ giảm đau lưng mà còn thấy cơ thể mình khỏe hơn, cảm thấy yêu cuộc sống hơn và cũng bớt nóng nảy hơn.
* Anh Nguyễn Văn Hải (Hà Nội):
Hết bệnh nhờ siêng thể thao
Cách đây khoảng sáu tháng, tôi bắt đầu đi tập thể thao ở phòng tập gần nhà. Ban đầu tôi tập sáng và chiều, mỗi lần một giờ, về sau tập trung tập vào buổi chiều tối sau giờ làm việc, mỗi ngày hai giờ.
Lợi ích đầu tiên sau nửa năm chăm chỉ tập thể thao là tôi giảm 2kg, vòng bụng nhỏ hẳn lại, người nhanh nhẹn, không thấy bị lại bệnh trĩ và Hà Nội chuyển mùa thì không hề bị cảm cúm. Tôi luôn cảm thấy rất khỏe mạnh và đây là lý do thúc giục tôi mỗi lúc lên cơn lười vận động.
Từ câu chuyện của bản thân, tôi thấy thể thao đã giúp tôi rất nhiều dù thời gian tập của tôi chưa dài. Tôi thấy nhiều người cũng muốn tham gia tập thể thao thường xuyên nhưng gặp khó là thiếu không gian, thời gian và tiền.
Ví dụ, tôi ở ngoại thành nên chi phí tập mỗi tháng tại phòng tập chỉ 300.000 đồng, nhưng trong nội thành người đồng nghiệp của tôi tốn tới 3 triệu đồng/tháng. Nhưng theo tôi, những vấn đề này hoàn toàn có thể khắc phục, nếu mỗi người trong chúng ta nhìn nhận lại về giá trị của sức khỏe.
Những việc bạn trẻ thường làm trong thời gian rãnh
Những việc thường làm trong lúc rảnh rỗi |
Mức độ thực hiện (theo %) |
||
Thường xuyên |
Ít khi |
Không bao giờ |
|
Tập thể dục - thể thao |
32 |
55 |
13 |
Đi nhậu, uống cà phê |
34 |
40 |
26 |
Đi chơi với bạn bè |
40 |
56 |
4 |
Nghỉ ngơi |
61 |
36 |
3 |
* PGS.TS Lê Bạch Mai (phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia): Nếu cứ kêu mãi thì cái gì cũng khó! Nói với Tuổi Trẻ về lợi ích của rèn luyện thể thao, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Bạch Mai nói: - Thời gian tập thể thao thì tự mỗi người phải sắp xếp, không ai cho mình thời gian. Không ít người hay đổ thừa nguyên nhân khách quan mà chưa nghĩ đến những nguyên nhân do mình, mọi người hay nói phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng thực tế đã nghĩ đến “phòng” hay chưa? Đã rèn luyện thể thao để khỏe hay chưa hay chỉ lo chữa bệnh khi đã bị bệnh rồi? Việc rèn luyện phải là nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi người phải để ý và tự sắp xếp để có thời gian cho việc tập luyện ấy. Nếu thấy tập luyện là cần thiết thì cá nhân sẽ dành phần tiền từ chi tiêu khác cho việc tập luyện. * Như kết quả cuộc khảo sát chúng tôi vừa tiến hành thì thiếu không gian cho việc tập luyện là trở ngại chính cho việc tập thể dục thể thao. Bà nghĩ thế nào về trở ngại này? - Nói về vĩ mô thì khi xây dựng đường sá, khu dân cư, các ngành môi trường, xây dựng phải tính đến đường cho người đi bộ, ở công viên thì phải có những dụng cụ công cộng như chỗ để trẻ leo trèo, tập xà hay tập nhảy xa, nhảy cao... Ở nước ta quả là rất ít chỗ cho trẻ có thể vui chơi nơi công cộng. Ra nước ngoài, như Malaysia, Philippines... đã thấy rất nhiều chỗ trẻ có thể ra đấy cùng chơi. Bên cạnh đó, người mình cũng có những thói quen không giống với nước ngoài, ví dụ như cái cần hở thì mình kín, cái cần kín mình lại hở. Người mình cứ kéo kín rèm kín cửa che nắng, nên nước nhiệt đới mà 50 - 60% người dân thiếu vitamin D nên xương không chắc, không hấp thu được canxi. Ra nắng thì người ta đeo kính râm, còn ở nước mình rất ít người đeo, thành ra thoái hóa thủy tinh thể rất nhiều và sớm. * Nếu nói về bài tập thì theo bà hiện đã có đủ những bài tập để rèn luyện thể thao vừa sức, theo điều kiện của các gia đình bình thường ở VN hay chưa? - Thật ra tập cái gì, bài tập như thế nào để tăng chiều cao sức bền thì đúng là chưa có hướng dẫn thật, ngoài mấy bài hướng dẫn trên tivi vào giờ thể dục buổi sáng, nhưng giờ đó thì chưa có nhiều người ngủ dậy ngoài các cụ. Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch nên có những hướng dẫn bài tập cập nhật theo hướng này để người dân biết mà làm theo chứ không chỉ chăm chăm vào thể thao thành tích cao. Thứ nữa là các dịch vụ công cộng phải thuận lợi hơn cho người tập. Ví dụ như đi bơi rất tốt nhưng hiện nay nước hồ bơi chưa sạch, nhiều người rất ngại, đặc biệt là phụ nữ. * Muốn dành thời gian trong ngày để rèn luyện thể thao, theo bà, mỗi người nên dành bao nhiêu là đủ? - Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là mỗi người nên dành 30 - 60 phút mỗi ngày cho việc rèn luyện những môn vừa sức, như đi bộ, chạy bộ, chơi bóng, bơi, hay đi bộ trong nước cũng rất tốt. Tuy nhiên tôi muốn nói đến yếu tố vừa sức, nếu người mập mà tuổi đã cao thì chạy bộ nhiều, cường độ cao sẽ mòn khớp, thoái hóa khớp, hay chạy hàng chục kilômet/ngày thì không nhiều người áp dụng được. Khi tập, nên tham khảo ý kiến chuyên môn để tập phù hợp lứa tuổi, thể trạng cơ thể, khi tập đã thành thói quen, ý thức thì mỗi người sẽ khắc phục được khó khăn về môi trường, thời gian, không gian thôi. Chứ nếu cứ kêu mãi thì cái gì cũng là rất khó, chưa nói đến tập thể thao. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận