Loạt cổ phiếu tiếp tục bị dính phạt cảnh báo, kiểm soát
Chỉ trong vài ngày gần đây, hàng loạt thông báo liên quan đến xử lý vi phạm đối với cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp niêm yết được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa ra.
Điển hình như vào hôm nay 8-9, phía HoSE công bố giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu DLG (Tập đoàn Đức Long Gia Lai). Nguyên nhân vì tổ chức kiểm toán có kết luận ngoại trừ đối với báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 của doanh nghiệp này.
Trước đó hãng kiểm toán cho biết chưa thể xác định được giá trị các tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh có phù hợp với kế hoạch trả nợ của tập đoàn hay không, nên nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai.
Ngoài ra, Đức Long còn có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày cuối quý 2 vừa qua là âm hơn 2.040 tỉ đồng.
Doanh nghiệp này vừa bị Công ty cổ phần Lilama 45.3 gửi đơn đến tòa án, yêu cầu mở thủ tục phá sản, do nợ 20 tỉ đồng. Lãnh đạo Đức Long cho biết doanh nghiệp sẵn sàng trả nợ sau khi hai bên đã thống nhất lộ trình và phương án thanh toán, đồng thời khoản nợ trên rất nhỏ so với khối tài sản gần 6.000 tỉ đồng của tập đoàn.
Thông tin vừa được công bố vào hôm nay, HoSE cũng giữ nguyên diện cảnh báo với cổ phiếu của Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (RDP), do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bị âm gần 61 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay.
Trong khi đó, cổ phiếu PMG (Đầu tư và sản xuất Petro Miền Trung) bị giữ nguyên diện kiểm soát, khi doanh nghiệp bị lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ và lỗ sau thuế chưa phân phối tại ngày cuối quý 2 năm nay lần lượt gần 13 tỉ đồng và gần 110 tỉ đồng.
HNG và HAG chưa hết khó
Cách đây vài ngày, cổ phiếu HNG (Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai) cũng bị HoSE tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát, vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 247 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cũng âm hơn 7.250 tỉ đồng.
Lỗ ròng sau thuế gần 2.960 tỉ đồng, một gương mặt khác có phần quen thuộc là HAG (Hoàng Anh Gia Lai) tiếp tục rơi vào diện bị cảnh báo. Tại "hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư" diễn ra gần đây, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhưng đã tìm thấy một chút "ánh sáng cuối đường hầm". Thời gian tới sẽ xử lý nợ bằng cách bán một số tài sản không sinh lãi, lấy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, phát hành thêm cổ phiếu...
Song song đó, cổ phiếu TDH (Phát triển Nhà Thủ Đức - Thuduc House) tiếp tục dính vào diện bị cảnh báo, khi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp bị âm gần 709 tỉ đồng.
Thuduc House cũng mới thông báo đã được gỡ bỏ việc bị ngăn chặn các giao dịch, biến động tài sản tại nhiều nơi gồm: Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Thừa Thiên Huế, TP Đà Nằng, TP Hà Nội của công ty và công ty thành viên. Trước đó doanh nghiệp bị chặn do dính vào vụ án hình sự về hoạt động xuất khẩu kinh doanh linh kiện điện tử giai đoạn 2017 - 2019.
Mới đây Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Long Giang (LGL) bị tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2023, do đó phía HoSE tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo với cổ phiếu LGL.
Cụ thể, đơn vị kiểm toán không thể đưa ra ý kiến về tính hợp lý của số dư đảm bảo thực hiện hợp đồng nguyên tắc đầu tư giữa Long Giang và Công ty Minh Phát đã ký với nhau vào cuối năm ngoái, liên quan đến dự án khu biệt thự Rivera Park Mũi Né (Bình Thuận). Tại thời điểm lập báo cáo kiểm toán trên, dự án vẫn chưa có phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500 và phương án kiến trúc, chưa có giấy phép đầu tư.
Ngoài ra, Long Giang có trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với các khoản nợ phải thu quá hạn và được đánh giá không có khả năng thu hồi gần 50 tỉ đồng. Tuy nhiên đơn vị kiểm toán chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng để đánh giá khả năng thu hồi, không thể đưa ra kết luận về tính phù hợp của chi phí dự phòng trên, nên có ý kiến ngoại trừ.
Đầu tháng này nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp khác cũng tiếp tục bị giữ nguyên diện cảnh báo, do nửa đầu năm nay tiếp tục làm ăn bết bát, lỗ sau thuế, như: COMA 18 (CIG, -299 tỉ đồng), Đầu tư và phát triển Y tế Việt Nhật (JVC, -1.081 tỉ đồng), Tập đoàn Đại Dương (OGC, -2.660 tỉ đồng)...
Điểm sáng hiếm hoi là cổ phiếu AST (Dịch vụ hàng không Taseco) được đưa ra khỏi diện cảnh báo, nhờ kết quả kinh doanh khả quan, lợi nhuận dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận