23/06/2011 10:09 GMT+7

Có ông, họ trở về nẻo thiện

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Nhiều năm qua, ông trở thành “người thân” đảm nhận việc cảm hóa những người có tiền án, tiền sự, giúp họ trở lại với đời thường.

fWtcQCka.jpgPhóng to
Ông Phước (trái) và anh Phạm Thành Huy - Ảnh: M.T.

“Ba tụi nhỏ mất sớm, mình ên tui đầu tắt mặt tối bán buôn ngoài chợ nên việc dạy con có phần bê trễ, hai đứa con chỉ lo chơi bời, quậy phá suốt. Nếu không nhờ dượng Út quan tâm, chỉ dạy, không biết bao giờ tụi nhỏ mới nên người như hôm nay”. Đó là lời cảm ơn của bà Nguyễn Thị Bận khi nói về ông Đặng Hữu Phước, tổ phó tổ nhân dân tự quản số 2, khu phố Đồng Khởi, phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Tiếp cận từng cảnh đời

"Nếu không có những lời động viên, tác động của chú Út, không biết cuộc đời tui sẽ ra sao..."

Năm 2008, ông được khu phố phân công hướng dẫn, quản lý sáu người có tiền án, tiền sự về các tội mua bán ma túy, trộm cắp tài sản, ẩu đả, gây rối trật tự... Nhận nhiệm vụ ông rất suy tư, nghĩ rằng mỗi cá nhân có mặt tốt, mặt xấu. Họ cũng có những ưu và khuyết điểm, có điều họ để phần xấu lấn át phần tốt. “Điều cần làm là mình phải khơi gợi tính thiện trong họ trỗi dậy. Muốn thế phải tìm hiểu điều kiện sống của từng cảnh đời để dễ dàng đi vào tâm tư họ”.

Và ông nghĩ điều mấu chốt khiến họ phạm tội là từ gia đình. Ông tâm sự một số phụ huynh rất gương mẫu, có điều dạy con quá cứng rắn. Con trộm cắp, họ dùng roi vọt răn đe, đánh đập, dần dần trẻ trở nên lì đòn, bất trị. Đến khi con vuột khỏi tầm kiểm soát, giận quá họ lại từ con, hậu quả là trẻ trượt dài trên con đường phạm pháp. Có trẻ nhà đông anh em, cha mất sớm, mẹ một mình quần quật mưu sinh, không có thời gian quan tâm, chăm sóc con. Trẻ tụ tập bạn xấu ăn chơi lêu lổng, phá phách, trộm cắp, gây mất an ninh đường phố...

Khi đã nắm bắt hoàn cảnh từng người, ông liền đến tiếp cận. Với những người đang ở tù hoặc bị đưa đi giáo dục cải tạo, thông qua người thân của họ, ông trao gửi ít tiền, quà tặng kèm theo lời động viên, khuyên nhủ ráng cải tạo tốt sớm trở về với gia đình, cộng đồng. Với những người không bị giam giữ, ông chỉ cho họ thấy cuộc đời sẽ bị bỏ đi nếu cứ mãi với cách sống sai lầm trên. Với những ai mãn hạn tù trở về, ông tìm đến hỏi han, khuyên bảo, đồng thời tác động đến cộng đồng đừng nhìn họ bằng ánh mắt khinh khi, ngờ vực, hãy tạo điều kiện để họ quay về nẻo thiện...

Gần gũi để sẻ chia

Không chỉ tâm tình, khuyên nhủ, ông còn có những hành động cụ thể. Với những ai không nghề nghiệp, bằng uy tín, mối quan hệ cá nhân ông đứng ra bảo lãnh, giới thiệu việc làm cho họ ở các cơ sở, công trình, ghe tàu... để họ không phát sinh sai phạm, đồng thời có thu nhập tự nuôi sống mình.

Nhờ quan tâm kịp thời như thế cộng với tâm tính được ông lay chuyển, số phận của nhiều người đã thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Điển hình như hai anh em Nguyễn Thanh Phong và Nguyễn Công Duy có tiền sự nổi tiếng ở khu phố với những hành vi trộm cắp, gây rối, đánh nhau... giờ đã là công dân lương thiện. Những giờ đàn đúm, vui chơi ngày nào tắt ngúm, thay vào đó là những ngày siêng năng làm phụ hồ, đi biển, bươn chải mưu sinh...

Người anh hoàn lương trước, kế tiếp đến người em. Tính Duy rất nóng nảy, khi gặp điều không hài lòng là xông vào ẩu đả, ông phải vài lần bảo lãnh Duy về tội gây rối, đánh nhau. Khuyên mãi Duy mới “triệt tiêu” tính xấu trên. Khi Duy có những chuyển biến tốt, ông đứng ra đỡ đầu làm cha nuôi, lo chuyện cưới hỏi cho anh. Ông cho vợ chồng Duy mượn khoảnh đất trống làm rẫy tăng thêm thu nhập, cứ thế cuộc sống họ dần đi vào ổn định. Hiện Duy đã làm cha ở tuổi 26 với đứa con 1 tuổi. Duy tỏ ra chín chắn, dự định làm việc vài năm tích lũy vốn mở tiệm sửa xe tại nhà để tiện chăm lo gia đình. Nhắc lại thời tuổi trẻ sống buông thả ngày nào, Duy rùng mình: “Nếu không có cha nuôi, chắc đời em lún sâu không lối thoát...”.

Ông tâm sự những ai mãn hạn tù trở về, hãy gợi cho họ lối thoát thay vì chỉ trích quá khứ. Đó là trường hợp Phạm Thành Huy, do hoàn cảnh khó khăn, suy nghĩ nhất thời nên Huy phạm tội, bị tuyên án 9 năm tù về tội “mua bán ma túy”. Ba mẹ Huy vì giận quá đã tuyên bố từ con. Gia đình nhỏ của Huy cũng “tan đàn xẻ nghé” theo. Vợ Huy vui duyên mới, bỏ con cho ông bà nuôi. Nhờ cải tạo tốt, tháng 9-2009 Huy ra tù trước thời hạn hai năm. Ngày Huy trở về cộng đồng, ông tìm đến thuyết phục ba mẹ Huy cho con về nhà, xóa bỏ lỗi lầm để Huy có cơ hội làm lại cuộc đời. Ở tuổi 33, Huy đang tạo dựng gia đình mới. Ngoài những giờ chạy xe ôm, anh còn làm thợ hồ cật lực kiếm tiền cùng vợ gầy dựng tương lai. Nhớ về quá khứ, anh Huy xúc động: “Nếu không có những lời động viên, tác động của chú Út, không biết cuộc đời tui sẽ ra sao...”.

Nhận xét về ông Phước, trung tá Ngô Hùng Cẩn - trưởng Công an phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá - cho biết: “Ông Phước tính bộc trực, thẳng thắn, rất tốt bụng. Khi được giao nhiệm vụ, ông làm rất quyết liệt, nắm tâm tư từng người, dùng mọi biện pháp, giáo dục cảm hóa, nhờ đó giúp họ hoàn lương. Ông Phước được ban giám đốc công an tỉnh tặng bằng khen và là cá nhân duy nhất ở TP Rạch Giá được chọn đi báo cáo điển hình tại hội nghị sơ kết mô hình tổ nhân dân tự quản “không tội phạm và tệ nạn xã hội” năm 2010 tại tỉnh Kiên Giang”.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên