09/04/2018 16:28 GMT+7

Có nên tiếp tục tin vào nỗi sợ sóng bức xạ từ điện thoại?

PHÚ QUÍ
PHÚ QUÍ

TTO – Có vẻ như lái xe và nhắn tin trong khi sang đường khiến người ta mất mạng nhiều hơn là do sóng bức xạ điện thoại. Vậy tại sao nhiều người vẫn tiếp tục mang nỗi sợ này?

Lo ngại sóng bức xạ năng lượng thấp từ điện thoại có thể gây bệnh ung thư dường như đã trở thành chủ đề được quan tâm của công chúng từ khi điện thoại di động trở nên phổ biến. 

Nguồn gốc lo ngại có lẽ đến từ bài viết "Big Wireless" của The Nation và một nghiên cứu chính phủ cho biết một số con chuột đực trong thử nghiệm đã xuất hiện một loại khối u hiếm ở tim, sau khi được cho tiếp xúc toàn thân với sóng bức xạ điện thoại.

Rất nhiều chứng cứ khoa học khác thì cho rằng bức xạ điện thoại thật ra không gây hại cho con người và theo Ủy ban Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ: điện thoại sẽ làm chúng ta mất mạng khi lo mải mê nhìn vào màn hình lúc vượt đường, hơn là bị sự tác động từ sóng bức xạ.

Có nên tiếp tục tin vào nỗi sợ sóng bức xạ từ điện thoại? - Ảnh 1.

Ảnh: Amelia Holowaty Krales / The Verge

Nhưng con người vốn dĩ không giỏi trong việc đánh giá rủi ro. Và khi cụm từ "bức xạ" kết hợp sự thật hiển nhiên rằng chúng ta không nhìn thấy được loại sóng này đã dần hình thành nỗi sợ hãi trong đa số mọi người.

Đúng là điện thoại có phát ra sóng bức xạ. Và nhiều người cảm thấy lo sợ khi nghe đến từ "bức xạ" do biết đến hậu quả thảm khốc và hình chụp các nạn nhân sau sự kiện Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Khi nghe đến "bức xạ", họ liên tưởng từ này đến bức xạ nguyên tử và bom nguyên tử, theo Geoffrey Kabat – nhà nghiên cứu về ung thư tại đại học Albert Einstein.

Trong đời sống, tồn tại nhiều loại bức xạ khác nhau, và có nhiều thứ vô hại khác cũng tỏa ra bức xạ - như chuối, hay đá granit, theo trang thông tin sức khỏe Cincinnati. Dạng bức xạ từ điện thoại không phải dạng bức xạ từ bom hạt nhân hay tia X. Bức xạ điện thoại, còn được biết đến với tên gọi bức xạ tần số radio, yếu hơn rất nhiều – cho nên nó khó có thể gây ra dạng tổn thương tế bào như bom hạt nhân để dẫn đến ung thư.

Có nên tiếp tục tin vào nỗi sợ sóng bức xạ từ điện thoại? - Ảnh 2.

Chuối có tỏa ra ra một dạng bức xạ nhưng rất yếu và không đáng kể. Ảnh: Windermere Dental Care

Thực tế, chưa ai đủ khả năng giải thích chính xác bức xạ điện thoại có gây ra ung thư hay chăng, dẫn lời Christopher Labos, chuyên gia tim mạch và sinh lý học tại đại học McGill. Ông nói: "Bạn không nhất thiết phải hiểu một thứ gì đó hoạt động như thế nào để chứng minh nó nguy hiểm, nhưng rõ ràng việc xem nó nguy hiểm sẽ khiến vấn đề được quan tâm hơn."

Sự không rõ ràng đã "nuôi dưỡng" nỗi sợ hãi bức xạ điện thoại thay vì xoa dịu nó – đặc biệt là khi nhiều trang báo chuộng đăng những tin lạ và gây sợ. Do đó, các tin bài với tựa đề liên quan đến sự cố hạt nhân hay mối liên hệ giữa bức xạ điện thoại và ung thư sẽ khiến đọc giả chú ý hơn là tin bài về tai nạn giao thông do nhìn vào màn hình điện thoại.

Mối nguy hiểm từ hành động vừa lái xe, sang đường mà vẫn tập trung vào màn hình điện thoại thật ra không mới. Chúng ta quan tâm đến những gì chúng ta chưa hiểu rõ, vì thế hình thành sự lo ngại đặc biệt về sóng bức xạ điện thoại.

Không dễ để chứng minh sóng bức xạ điện thoại không gây hại. Hiện có quá nhiều yếu tố liên quan như gien, môi trường, kiểu dáng điện thoại… để cân nhắc. Tương tự như tranh cãi về chủ đề cà phê gây hại hay không.

Vậy nên dẫu đã xuất hiện nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy bức xạ điện thoại không ảnh hưởng sức khỏe, giới khoa học vẫn còn "bối rối" vào lúc này. Kabat chia sẻ: "Sẽ không bao giờ có một kết luận rõ ràng cho những lo ngại như thế này."

PHÚ QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên