04/12/2022 08:21 GMT+7

Có nên tiếp tục dùng nước giếng khoan ở khu vực đô thị hóa?

BÌNH NGHI
BÌNH NGHI

TTO - Hàng chục năm qua, nhiều hộ gia đình ở phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 (TP.HCM) dùng nước giếng khoan phục vụ cho tất cả mục đích sinh hoạt từ tắm rửa đến ăn uống.

Đô thị hóa, nhiều người lo ngại nguồn nước giếng khoan của họ bị ô nhiễm hay ngấm hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu từ những vùng ven trồng rau.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, hiện một số quận, huyện ở TP.HCM, đặc biệt là các khu vực chưa có mạng lưới đường ống cấp nước, nên người dân vẫn còn dùng nước giếng khoan cho mục đích sinh hoạt.

Chất lượng nước giếng khoan không qua quá trình xử lý nên thường không đạt các chỉ tiêu an toàn về chất lượng. TP khuyến khích các hộ dân sử dụng nước máy trong ăn uống và sinh hoạt nhằm đảm bảo sức khỏe.

Hiện nay chất lượng nước giếng khoan tại các hộ dân tự khai thác thường không qua quá trình xử lý nên không đạt các chỉ tiêu hóa lý (pH thấp, không có clo dư, sắt, hàm lượng amoni...) và không đạt vi sinh (coliform tổng số, vi trùng E.coli).

Chất lượng nước giếng khoan tại các hộ dân tự khai thác thường không qua quá trình xử lý nên pH thấp (dao động pH khoảng từ 4 - 5,5). Việc sử dụng nước giếng khoan có pH thấp ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Nước giếng có độ pH thấp thì thường có vị chua, do đó người dùng có cảm giác khó uống. Đối với nguồn nước giếng có độ pH dưới 6,5 thì thường có nhiều ion gốc axit, gây ảnh hưởng đến men răng và tác động xấu đến dạ dày và đường tiêu hóa.

Tính axit trong nước có thể làm gia tăng các ion kim loại, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Trong trường hợp cho các bé nhỏ uống nước trực tiếp hay dùng trong thời gian dài thì có thể gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.

Ngoài ra, nước giếng khoan pH thấp có khả năng ăn mòn kim loại đối với đường ống, các vật chứa nước bằng kim loại.

Về dấu hiệu cảm quan nhận biết pH thấp thường dễ thấy nhất là các vết mờ màu xanh rêu trên các vật chứa bằng đồng, các vết nâu đỏ trên các vật bằng sắt thép.

Dấu hiệu khó thấy hơn là sự ăn mòn của các vật dụng kim loại. Còn nguồn nước có độ pH cao thì khi đun sẽ có cặn dưới đáy bình đun.

HCDC cho biết thêm, để xác định pH trong nước, các phương pháp được sử dụng như: giấy quỳ tím, thiết bị đo pH...

Nước dùng cho mục đích sinh hoạt có độ pH thích hợp từ 6 - 8,5. Nếu pH nước nhỏ hơn 7 thì nước có tính axit. Nếu pH nước bằng 7 thì là trung tính. Nếu pH nước lớn hơn thì 7 nước có tính kiềm.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư suckhoe@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.

Giám sát chất lượng: nước giếng, bồn chứa ở nhiều phường, xã TP.HCM không đạt Giám sát chất lượng: nước giếng, bồn chứa ở nhiều phường, xã TP.HCM không đạt

TTO - Theo kết quả giám sát chất lượng nước tại TP.HCM do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) thực hiện, nhiều mẫu nước giếng, bồn chứa tại nhiều phường, xã không đạt một hoặc nhiều hơn về các chỉ tiêu: độ pH, clo dư, vi khuẩn E.Coli...


BÌNH NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên