10/12/2020 14:20 GMT+7

Hàng ngàn hộ dân thủ đô phải dùng nước giếng khoan ô nhiễm, đen kịt

PHẠM TUẤN
PHẠM TUẤN

TTO - Chưa có nước máy để sử dụng, hàng ngàn người dân ở xã Tân Lập (Đan Phượng, Hà Nội) hằng ngày vẫn phải sử dụng nước khoan bị ô nhiễm nghiêm trọng, đen kịt.

Hàng ngàn hộ dân thủ đô phải dùng nước giếng khoan ô nhiễm, đen kịt - Ảnh 1.

Bể chứa nước giếng khoan của nhà ông ông Đỗ Minh Thuyết (cụm 3, Ngọc Trúc, Tân Lập, Đan Phượng, chỉ cần dùng tay khuấy nhẹ, một lợp cặn màu đen từ đáy bể nổi lên - Ảnh: PHẠM TUẤN

Tại bể chứa nước giếng khoan của nhà ông Đỗ Minh Thuyết (cụm 3, Ngọc Trúc, Tân Lập, Đan Phượng) chỉ cần dùng tay khuấy nhẹ, một lợp cặn màu đen từ đáy bể nổi lên, hòa vào nước khiến nước trong bể đen kịt. Xung quanh thành bể, cũng có một lớp bùn đen, dày khoảng 0,5m bám kín, dù theo ông Thuyết mỗi tháng ông đều thau rửa bể một lần.

Để khắc phục tình trạng nước giếng khoan bị ô nhiễm, gia đình ông đã phải mua nước bình về để ăn uống. Ngoài ra, ông cũng tận dụng những lúc trời mưa to để hứng nước mưa để dùng, nước giếng khoan hiện nay gia đình chỉ để sử dụng tắm rửa, giặt giũ.

"Lúc nào mưa to vài ba ngày mới dám hứng nước mưa để ăn vì không khí cũng ô nhiễm, khói bụi rất đáng sợ, nên nước mưa cũng chưa chắc đã đảm bảo", ông Thuyết cho hay.

Còn tại lõi lọc nước của bà Nguyễn Thị Hà (cụm 3, Ngọc Trúc, Tân Lập), lõi bám đầy một lớp bùn đen kịt. Dù nước từ giếng khoan đã qua môt lần lọc cát sỏi khi tới lõi lọc nhưng vẫn bám kín bụi bẩn. 

Hàng ngàn hộ dân thủ đô phải dùng nước giếng khoan ô nhiễm, đen kịt - Ảnh 2.

Hai bên thành bể nước của các hộ dân tại Xã Tân Lập (Đan Phượng) bám đầy chất nhầy màu đen, dày khoảng 0,5cm dù bể nước được thau rửa thường xuyên - Ảnh: PHẠM TUẤN

"Thời gian gần đây khi tôi dùng nước rửa mặt thì mắt bị đau, đi khám thì bị chẩn đoán là viêm giác mạc. Không chỉ mỗi tôi, mà xung quanh hộ dân trung khu vực này rất nhiều người bị viêm giác mạc, ngoài ra còn bị bướu cổ và ung thư tuyến giáp", bà Hà cho hay.

Theo bà Hà, xung quanh xã Tân Lập, đa số người dân đều trồng hoa, sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Nên lâu ngày ngấm xuống mạch nước ngầm, gây ô nhiễm nên sử dụng nước giếng khoan ở khu vực này rất nguy hiểm.

"Chúng tôi chỉ mong muốn sao có một nguồn nước sạch của sông Đà, hoặc sông Hồng do nhà nước cung cấp để có quy trình khử khuẩn, đảm bảo nước sạch cho người dân", bà Hà nói.

Hàng ngàn hộ dân thủ đô phải dùng nước giếng khoan ô nhiễm, đen kịt - Ảnh 3.

Nước từ giếng khoan của các hộ dân xã Tân Lập bơm lên có màu đen kịt nhưng người dân vẫn phải sử dụng từ mấy năm nay - Ảnh: PHẠM TUẤN

Theo bà Nguyễn Thị Thu Lan (61 tuổi, Tân Lập - Đan Phượng), khoảng 5-6 năm trở lại đây, nước bắt đầu chuyển màu đục, bám cặn đen kịt ở thành thau chậu khi bơm lên. 

Để khắc phục tình trạng nước ô nhiễm, đen kịt nhà bà và hơn một nửa hộ dân trong cụm đã đầu tư hơn 20 triệu đồng lắp đặt hệ thống lọc nước. Còn lại, đa số hộ dân đã hệ thống lọc nước mini để lọc nước mưa.

Trong khi đó, chính quyền vẫn chưa lấy mẫu xét nghiệm nước tại các giếng khoan nhỏ lẻ của các hộ dân mà chỉ lấy mẫu đột xuất tại một số trạm cấp nước giếng khoan tập trung.

Riêng xã Tân Lập, sau khi lấy mẫu nước tại nhà máy nước Long Long hồi tháng 6-2020 đi xét nghiệm tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội) cho chỉ số amoni cao gấp hơn 3 lần cho phép, chỉ số pecmaganat và mangan cũng vượt quy chuẩn của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Văn Học, chủ tịch UBND xã Tân Lập, thông tin hiện toàn xã có hơn 50% hộ dân vẫn phải sử dụng nước giếng khoan và nước mưa. Số lại đã có nước sạch của nhà máy nước ở xã, nhưng nguồn nước của nhà máy này cũng được lấy từ nước giếng khoan.

"Có một số hộ dân vẫn có nước sạch sông Đà để sử dụng, tuy nhiên không đáng kể", ông Học nói.

Theo quy hoạch cấp nước thủ đô, toàn bộ huyện Đan Phượng sẽ được sử dụng nước từ nhà máy nước mặt sông Hồng. Theo kế hoạch, nhà máy phải cung cấp nước sạch cho hàng trăm ngàn dân Đan Phượng và vùng phụ cận từ năm 2018, nhưng hiện nay toàn bộ nhà máy này vẫn còn ngổn ngang.

Hàng ngàn hộ dân thủ đô phải dùng nước giếng khoan ô nhiễm, đen kịt - Ảnh 4.

Theo quy hoạch cấp nước thủ đô, toàn bộ huyện Đan Phượng sẽ được sử dụng nước từ nhà máy nước mặt sông Hồng, tuy nhiên dự án chậm tiến độ khiến người dân vẫn phải dùng nước không đảm bảo - Ảnh: PHẠM TUẤN

Theo ông Phạm Văn Khôi, trưởng phòng quản lý đô thị UBND huyện Đan Phượng, Hà Nội, nguyên nhân chậm tiến độ là bởi nhà đầu tư Nhà máy nước mặt sông Hồng báo cáo thay đổi công nghệ sang công nghệ của Nhật cho nên phải điều chỉnh lại toàn bộ cái dự án.

Mới đây, phía chủ đầu tư nhà máy nước mặt sông Hồng gồm 3 công ty:  Công ty CP Tập đoàn Thành Long; Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nộ ; Công ty Hạ tầng nước sạch Hà Nội đã cam kết đến quý 4-2021 sẽ bắt đầu phát nước. 

Tuy nhiên, khi đã có nước cũng sẽ còn mất thêm 5-6 tháng để có thể hoàn thiện hệ thống đường ống tới từng nhà dân. Vì thế, phải cần hơn một năm rưỡi nữa người dân mới được sử dụng nước sạch được cung cấp từ nhà máy này.

Ngoài xã Tân Lập, hiện có khoảng 200.000 nhân khẩu thuộc huyện Đan Phượng và huyện Phúc Thọ vẫn đang thiếu nước sạch do nằm trong vùng quy hoạch của nhà máy nước mặt sông Hồng.

Xử lý nước giếng bị ô nhiễm tại các vùng lũ lụt Xử lý nước giếng bị ô nhiễm tại các vùng lũ lụt

TTO - Khi lũ dâng cao, dòng nước cuốn trôi mọi thứ như bùn, rác, cây cối gãy đổ, xác động vật... làm nguồn nước bị ô nhiễm, đặc biệt tại các giếng khơi (giếng đào) của người dân khu vực miền Trung.

PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên