Đi cầu thang cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe - Ảnh: CN
Việc lựa chọn giữa đi cầu thang bộ hay sử dụng thang máy phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, mục tiêu cá nhân và hoàn cảnh cụ thể. Bác sĩ Võ Châu Duyên (trưởng khoa chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) đưa ra lời khuyên về việc đi cầu thang:
Lợi ích của việc đi cầu thang bộ
Cải thiện sức khỏe tim mạch: Leo cầu thang giúp tăng nhịp tim, cải thiện tuần hoàn máu và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Hỗ trợ giảm cân hiệu quả: Hoạt động này đốt cháy nhiều calo, giúp giảm mỡ bụng và cải thiện vóc dáng.
Tăng cường sức mạnh cơ bắp: Leo cầu thang tác động đến các nhóm cơ chính như cơ đùi, mông và bắp chân, giúp tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt.
Cải thiện sức khỏe tinh thần: Hoạt động thể chất như leo cầu thang giúp giải phóng endorphin, giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
Tăng cường sức bền và thể lực: Thường xuyên leo cầu thang giúp cải thiện sức bền, đặc biệt hữu ích cho những người có lối sống ít vận động.
Cải thiện chức năng phổi: Leo cầu thang giúp tăng dung tích phổi và cải thiện chức năng hô hấp.
Nhưng mặt khác, cũng có nhiều trường hợp chống chỉ định việc leo cầu thang:
Người có vấn đề về xương khớp hoặc tim mạch: Sử dụng thang máy giúp giảm áp lực lên khớp và tim, đặc biệt quan trọng đối với người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền.
Khi mang vác vật nặng: Thang máy là lựa chọn an toàn khi cần di chuyển đồ đạc hoặc vật nặng giữa các tầng.
Làm việc quá mệt: Trong những ngày mệt mỏi hoặc cần giữ sức cho các hoạt động khác, thang máy giúp tiết kiệm năng lượng cơ thể.
Cách đi cầu thang để tốt cho sức khỏe
Dưới đây là kỹ thuật leo cầu thang hiệu quả và an toàn do bác sĩ tư vấn:
1.Tư thế đúng
Giữ lưng thẳng và mắt nhìn về phía trước: Tránh cúi người hoặc nhìn xuống quá mức để duy trì thăng bằng và giảm áp lực lên cột sống.
Đặt toàn bộ bàn chân lên bậc thang: Không chỉ đặt mũi chân để tránh gây áp lực lên khớp gối và cổ chân.
Bước nhẹ nhàng và đều đặn: Tránh giậm mạnh để giảm chấn động lên khớp.
Sử dụng tay vịn khi cần thiết: Đặc biệt hữu ích cho người lớn tuổi hoặc những người có vấn đề về thăng bằng.
2. Kỹ thuật "Lên bằng chân khỏe, xuống bằng chân yếu"
Khi leo cầu thang, bắt đầu bằng chân khỏe để giảm áp lực lên chân yếu. Khi xuống, bắt đầu bằng chân yếu để kiểm soát chuyển động tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận