
Nhóm võ phái Nga Mi từng được mời sang Pháp biểu diễn - Ảnh: IOC
Phái Nga Mi không chỉ tồn tại trong truyện Kim Dung
Những cô gái Nga Mi xinh đẹp trong bộ võ y bắt mắt, cầm trên tay đao, kiếm, thương, tung hoành trước Khải hoàn môn, trên đường phố Paris hoa lệ, hay bên dòng sông Seine thơ mộng...
Đó không phải là một bộ phim, mà là một trong số những hoạt động biểu diễn đang gây sốt thời gian qua của Nga Mi phái.
Độc giả tiểu thuyết Kim Dung hiển nhiên chẳng xa lạ gì cái tên "Nga Mi phái", môn phái võ thuật có ngàn năm lịch sử tọa lạc trên núi Nga Mi, tỉnh Tứ Xuyên.
Năm 2008, phái Nga Mi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ở Trung Quốc, sánh ngang hàng với những võ phái nổi tiếng đặc sắc như Thiếu Lâm, Võ Đang, Vịnh Xuân...

Nhóm 9 cô gái phái Nga Mi - Ảnh: BT
Trong tiểu thuyết Kim Dung, phái Nga Mi nổi tiếng là môn phái của nữ giới, từ sự áp đảo số lượng cho đến những đời chưởng môn hầu hết là nữ. Còn ngoài đời thật, Nga Mi cũng tương tự như nhiều võ phái khác, có tỉ lệ nam nữ hài hòa.
Nhưng một nhóm các võ sinh Nga Mi mới đây đã tận dụng rất tốt hình ảnh "nữ hiệp" gắn liền với tiểu thuyết Kim Dung để quảng bá cho môn phái của mình.
Vào cuối tháng 4-2024, một video lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy 9 cô gái mặc đồng phục màu xanh lá cây, phối hợp, thực hiện nhiều kỹ thuật kung fu vô cùng đẹp mắt. Bối cảnh là núi Nga Mi, với phong cảnh hùng vĩ và những thước phim đầy ấn tượng.
Đó là "Emei Kung Fu Girls", gồm 9 thành viên nữ. Họ nhanh chóng tạo ra cơn sốt khi liên tiếp đăng tải những đoạn video biểu diễn võ thuật.

Các cô gái phái Nga Mi trải qua những giờ khổ luyện ngày thường - Ảnh: B.T.
"Không giống như trong phim, hoặc các chương trình truyền hình, việc luyện tập của chúng tôi bắt nguồn từ các kỹ năng thực tế của phái Nga Mi", Chen Yufei, 23 tuổi, một trong những thành viên của nhóm cho biết. Cô ấy thành thạo các môn roi đôi, kiếm và gậy.
Emei Kung Fu Girls là nhóm võ thuật toàn nữ đầu tiên ở Trung Quốc, quốc gia nổi tiếng với các môn võ cổ truyền mang đậm tính biểu diễn.
"Chúng tôi muốn vượt qua hình ảnh các nhóm nhạc thần tượng thông thường và truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ tuổi, để họ tiếp nhận văn hóa truyền thống Trung Quốc thông qua võ thuật", Ling Yun, một trong những người đồng sáng lập nhóm, chia sẻ với Global Times.
Trong tiểu thuyết Kim Dung, người sáng lập phái Nga Mi là Quách Tương, sống vào cuối đời Nam Tống (1127-1297). Nhưng các tài liệu lịch sử cho biết võ phái này ra đời sớm hơn rất nhiều, từ thời Xuân Thu chiến quốc (năm 770 - 476 TCN).
Trải qua 3.000 năm lịch sử, phái Nga Mi hiện có đến 68 chi hệ, với 1.093 bài quyền, 518 bài tập vũ khí, 41 bài tập luyện đôi và 276 phương pháp luyện tập khác.
Những đại sứ văn hóa
Một trong những món vũ khí nổi tiếng xuất phát từ phái Nga Mi là Nga Mi thích. Mang hình dạng gần tương tự như trâm cài tóc của phụ nữ, Nga Mi thích trở thành món vũ khí độc đáo, lợi hại, mang tính biểu tượng cho võ thuật đề cao sự khéo léo, gắn liền với nữ giới.

Nga Mi thích, món vũ khí thương hiệu của phái Nga Mi, cũng là át chủ bài biểu diễn của nhóm - Ảnh: KOW
"Võ thuật của phái Nga Mi đề cao sự khéo léo, linh hoạt, rất phù hợp với phụ nữ. Nhưng đó không phải là để biểu diễn. Các bài tập đặc trưng của môn phái chúng tôi mang lại lợi ích về sức khỏe", Chen Yufei chia sẻ.
Theo Chen, chế độ luyện tập hằng ngày của nhóm bao gồm hai giờ tập thể dục cơ bản vào mỗi buổi sáng, sau đó là luyện tập các kỹ thuật của phái Nga Mi. Bên cạnh võ thuật, họ còn được đào tạo chuyên sâu về các kỹ năng biểu diễn.
"Nhóm hiện tại được thành lập sau nhiều vòng tuyển chọn. Những nữ sinh tốt nhất trong môn phái đã được chọn ra, và trải qua quá trình tập luyện gian khổ trong vài năm qua", Ling chia sẻ.
Dù mới 26 tuổi nhưng Ling đã có 22 năm học võ. Ý tưởng thành lập nhóm ban đầu đến từ những nhóm nhạc thần tượng.

Doan Ruru (trái) tập luyện trên núi Nga Mi - Ảnh: STANDARD
"Chúng tôi muốn chứng minh rằng võ thuật vẫn có thể phát triển và thu hút người hâm mộ như vậy. Chúng tôi bắt đầu đăng tải các đoạn video trên mạng xã hội, và lưu diễn ở nhiều nơi", Duan Ruru, một trong những thành viên thành lập nhóm chia sẻ.
Cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Văn Bân từng chia sẻ một trong số các video này, kèm ghi chú: "Những nữ anh hùng bước ra từ tiểu thuyết võ thuật Trung Quốc! Hãy xem các cô gái kung fu Nga My biểu diễn võ công".
Trong khoảng nửa năm qua, "những cô gái phái Nga Mi" nhanh chóng trở thành từ khóa được yêu thích trên mạng xã hội ở Trung Quốc, và ngày một lan tỏa ra nhiều quốc gia khác.
Trước thềm Olympic 2024, nhóm đã được mời đến Paris để biểu diễn và ghi hình, một sự ghi nhận đáng kể. Và trong nhiều tháng qua, các cô gái Nga Mi tiếp tục khuấy đảo thế giới.

Xinh đẹp như Chu Chỉ Nhược trong tiểu thuyết Kim Dung - Ảnh: STANDARD
Vương Siêu, một trong những trưởng lão của phái Nga Mi chia sẻ nhóm 9 cô gái này đang giúp môn phái 3.000 năm tuổi có thêm kinh phí hoạt động.
"Thành thật mà nói, việc duy trì sự tồn tại của những võ phái giàu tính lịch sử như vậy không dễ dàng. Khán giả ngày nay không còn quá yêu thích những võ phái truyền thống, và chúng tôi vẫn phải dựa vào trợ cấp của chính phủ
Nhưng nhóm 9 cô gái đang mang lại bộ mặt mới cho môn phái. Giờ đây, tên tuổi phái Nga Mi đang sống lại", Vương Siêu chia sẻ.
Dù tồn tại nhiều tranh cãi về tính thực chiến, kung fu - đặc biệt là các võ phái nghìn năm lịch sử luôn là chủ đề đầy hấp dẫn với những ai yêu thích võ thuật.
Và giữa một rừng những cái tên đã trở thành kinh điển nhờ ngòi bút của Kim Dung, phái Nga Mi có một chỗ đứng đặc biệt. Một võ phái dành cho nữ giới.
"Dù bạn ở đâu, miễn là bạn có niềm đam mê võ thuật trong tim, bạn có thể bắt đầu hành trình võ thuật của mình. Cánh cửa đến với võ phái Nga Mi luôn rộng mở", Ling chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận