
Messi vẫn rất khỏe ở tuổi 38 - Ảnh: REUTERS
Khi Messi học theo Ronaldo
Messi đã cải thiện sức mạnh cơ bắp rất nhiều thông qua việc tập gym và ăn uống lành mạnh hơn. Nhưng có một vấn đề từng khiến anh phải đau đầu thời còn chơi bóng ở phong độ đỉnh cao.
Đó chính là chứng nôn khan. Một vấn đề từng hành hạ Messi giai đoạn dài, khi anh trong khoảng 25-30 tuổi.
Người hâm mộ ắt hẳn chưa quên hình ảnh Messi nôn khan mỗi khi bị đặt vào điều kiện thi đấu khó khăn, như ở những nơi có độ cao lớn. Điển hình là mỗi khi tuyển Argentina phải làm khách trước Peru hoặc Bolivia.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, Messi thẳng thắn thừa nhận rằng nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này là do thói quen ăn uống không lành mạnh của anh. Bao gồm việc ăn bánh kẹo và uống nước ngọt có ga.
Người đã chỉ ra vấn đề này cho Messi là chuyên gia dinh dưỡng người Ý Giuliano Poser. Ông buộc siêu sao người Argentina phải bỏ thói quen uống nước ngọt có ga. Thay vào đó, Messi được khuyên ăn thêm rau củ, trái cây theo mùa, cá, uống nước khoáng, và đặc biệt là uống trà yerba mate (một loại trà truyền thống của Argentina).

Messi từng có giai đoạn hay nôn trên sân - Ảnh: SPORTING NEWS
Kết quả là đến sau tuổi 30, Messi gần như không còn nôn khan trên sân bóng nữa. Càng về già, Messi càng cho thấy anh cũng khỏe không kém cạnh gì Ronaldo - người nổi tiếng với lối sống kỷ luật thép.
Năm 2021, Ronaldo cũng từng gây bão dư luận khi gạt 2 chai nước ngọt ra khỏi bàn trong phòng họp báo. Siêu sao người Bồ Đào Nha cho biết anh không bao giờ uống những loại nước uống này.
Vì sao Messi bỏ nước ngọt
Theo lý giải của chuyên gia dinh dưỡng Poser, nước ngọt gây ra những vấn đề sau:
1. Gây rối loạn đường huyết
Nước ngọt chứa lượng đường rất cao, đặc biệt là đường fructose và siro bắp (HFCS), khiến mức đường huyết tăng vọt rồi giảm đột ngột.
Điều này gây ra cảm giác buồn nôn, chóng mặt và mất sức nhanh chóng - đặc biệt nguy hiểm khi vận động cường độ cao như đá bóng.
2. Gây mất nước và rối loạn tiêu hóa
Nước ngọt làm tăng cảm giác đầy bụng, tăng axit dạ dày và có thể khiến người uống dễ nôn khan khi hoạt động thể chất.
Caffein trong nước ngọt còn có thể gây mất nước nếu dùng nhiều, ảnh hưởng đến hiệu suất thi đấu.
3. Tăng nguy cơ viêm và chấn thương
Theo bác sĩ Poser, các loại thực phẩm và đồ uống công nghiệp (như nước ngọt) làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, khiến vận động viên dễ gặp căng cơ, chấn thương và hồi phục chậm.
4. Ảnh hưởng đến hô hấp và hệ thần kinh
Một số nghiên cứu cho thấy nước ngọt có ga làm tăng áp lực trong dạ dày, ảnh hưởng đến hô hấp và khả năng vận động mạnh, có thể dẫn tới nôn khan như Messi từng gặp phải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận