Hiện tại bệnh viện chưa đấu thầu xong gói thầu 2022 nên những loại trang bị vật tư tiêu hao đều phải mua tạm (theo quy định những mua sắm dưới 50 triệu có thể mua trực tiếp). Để an toàn, thường bệnh viện chọn mua loại đã sử dụng trước đó theo kiểu "trúng thầu tập trung".
Dù vậy vị này cũng thừa nhận chất lượng sản phẩm là... hên xui: Có loại kim khâu da, ống tiêm "lụi" vô da ngọt xớt, sử dụng rất êm cho người bệnh; còn có loại thì "lụi" mấy lần trầy trật mới vô da; hay chỉ phẫu thuật có loại rất dễ bị bục, đứt...
Về vấn đề chất lượng thuốc, bác sĩ Lê Văn Đạt - giám đốc Bệnh viện Da liễu Cần Thơ - nhìn nhận bất cập ở chỗ quy định theo nhóm, các thuốc cùng nhóm dược chất kháng sinh bất kể có xuất xứ Âu, Mỹ hay Trung Quốc, Việt Nam… đều đưa vào cùng nhóm đấu thầu.
"Tất nhiên bệnh viện phải chọn loại giá thấp trong cùng nhóm cho trúng thầu (vì nếu chọn loại giá cao sẽ bị thanh tra ngay). Vật tư y tế cũng vậy, chỉ phẫu thuật, ống sonde, dao mổ tuy có cùng công dụng đấy, nhưng xuất xứ khác nhau thì chất lượng sẽ rất khác, vì mỗi nước sản xuất họ có quy định bộ tiêu chuẩn chất lượng cao thấp khác nhau.
Đấu thầu muốn chọn loại tốt để sử dụng cho người bệnh, không thể dựa vào tiêu chí giá thấp để chọn. Bất cập này các bệnh viện đã nhiều lần kiến nghị, nhưng đến nay vẫn chưa thay đổi", ông Đạt chỉ ra.
Theo đề xuất của lãnh đạo một số bệnh viện tại Cần Thơ, khi thực hiện đấu thầu nên chia nhỏ các gói ra căn cứ theo xuất xứ, nguồn gốc mặt hàng, vì tiêu chuẩn của loại mặt hàng chỉ phẫu thuật hay thuốc, tiêu chuẩn của châu Âu khác tiêu chuẩn của Ấn Độ hay Trung Quốc. Vì vậy giá cả không thể đánh đồng để chọn loại giá thấp.
Việc chọn mặt hàng thuốc, loại vật tư tiêu hao phù hợp nên chăng lấy ý kiến của người trực tiếp sử dụng là các y bác sĩ, nhân viên y tế về chất lượng nhãn hàng trước khi đưa vào lựa chọn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận