12/06/2015 09:41 GMT+7

Có loại đề tài nghiên cứu đương nhiên... cất ngăn kéo

NGỌC HÀ - THANH HÀ
NGỌC HÀ - THANH HÀ

TTO - Sáng 12-6, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân bắt đầu phần trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân đang trả lời chất vấn của đại biểu
Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân đang trả lời chất vấn của đại biểu

Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh về những nội dung đại biểu sẽ tập trung chất vấn người đứng đầu ngành khoa học và công nghệ.

Thị trường muộn nhất trong các thị trường

Đó là số tình trạng đề tài nhiều, nghiệm thu nhiều, đánh giá xuất sắc nhiều, nhưng ứng dụng chẳng bao nhiêu; trách nhiệm Bộ KH&CN trong góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; làm sao để đưa khoa học và công nghệ vào đời sống nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm; câu chuyện tái cơ cấu các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ công lập.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt vấn đề: Đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao đến nay chưa có thị trường KH&CN? Phải chăng tồn tại của quy trình phân bố kinh phí, phân bổ đề tài nghiên cứu làm cản trở quá trình hình thành thị trường KH&CN? Trách nhiệm của Bộ trưởng?

Đáp lại băn khoăn này, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định thị trường KH&CN tại Việt nam phát triển muộn nhất trong nền kinh tế.

Trong khi thị trường vốn, thị trường tiền tệ đều đã có trước đó thì sau năm 2000, VN mới bắt tay vào xây dựng thị trường KH&CN - dù những yếu tố manh nha đã xuất hiện ngay từ khi bước vào thời kỳ đổi mới.

Theo Bộ trưởng Quân, năm 2002, Thủ tướng đã có Quyết định phát triển thị trường khoa học công nghệ. Tuy nhiên, nhiều năm qua chúng ta mới chỉ quan tâm đến hai yếu tố cung và cầu trong khi thị trường KH&CN, ngoài hai yếu tố đó còn cần định chế trung gian và môi trường pháp lý lại chưa được quan tâm đầy đủ. 

Bao giờ chấm dứt đề tài nghiên cứu "cất ngăn kéo"?

Đó là chất vấn của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường. Ông Cường đặt vấn đề: Hiện nay, mặc dù ngân sách còn khiêm tốn, nhưng hàng năm vẫn dành đến 1.300 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu, nhưng đáp lại nguồn đầu tư này lại xuất hiện quá nhiều đề tài “cất ngăn kéo”.

“Có phải ở VN, sản phẩm KH&CN nghiệm thu trên bàn giấy là chủ yếu? Hay chính bởi đầu tư dàn trải? Có hay không cơ chế xin cho? Bộ KH&CN có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?”, đại biểu Cường hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định phải phân loại rõ ba loại đề tài nghiên cứu vẫn thường được gọi chung là “cất ngăn kéo” ấy.

Có loại chúng ta đương nhiên phải chấp nhận để ngăn kéo đó là nghiên cứu cơ bản. Nghiên cứu cơ bản luôn đi trước thời đại, đi trước những ứng dụng vì nó là tiền đề chuẩn bị cho các ứng dụng, cho nên nó phải “để ngăn kéo” đến khi trình độ phát triển hay năng lực xã hội phải đạt đến một trình độ phát triển nào đó thì mới ứng dụng được.

Ví dụ như phát minh về chất bán dẫn được nghiên cứu thành công ở Mỹ những năm 50 của thế kỷ XX, nhưng đã bị “cất ngăn kéo” gần một thập kỷ. Phải đến khi người Nhật mua lại bằng sáng chế đó, thì một thời gian sau chất bán dẫn đã mang lại hiệu quả rất cao cho nền kinh tế, không chỉ với Nhật Bản mà ở phạm vi toàn cầu.

Loại thứ hai là những đề tài nghiên cứu ứng dụng, nhưng phải chờ đợi quá trình thương mại hóa hoặc chờ sự chấp nhận của xã hội.

Còn loại thứ ba là những sản phẩm nghiêm cứu không bám sát vào yêu cầu thực tiễn, không theo nhu cầu của doanh nghiệp, nghiên cứu theo cảm tính, mong muốn của những người làm khoa học, nên sau nghiên cứu không tìm được địa chỉ ứng dụng, không thương mại hóa và đành “bỏ ngăn kéo”… lâu dài. 

Ông Quân cho rằng ngay cả loại thứ ba này “cũng là việc tốt” vì nhà khoa học có ý tưởng, mong muốn được nghiên cứu, nhưng không đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Ông Quân cho rằng Luật KH&CN 2013 đã  có những thay đổi quan trọng, trong đó có yêu cầu nếu sử dụng ngân sách để nghiên cứu phải thông qua cơ chế đặt hàng, xuất phát từ cuộc sống chứ không phải từ ý thích của nhà khoa học.

Khi các đơn vị đã đặt hàng và cơ quan quản lý đưa đề bài cho nhà khoa học thì các nghiên cứu đó phải được đơn vị đặt hàng đưa vào ứng dụng.

Bao giờ chấm dứt tình trạng đề tài cất ngăn kéo? Trả lời câu hỏi này của đại biểu, bộ trưởng Quân khẳng định: "Nếu thực hiện nghiêm Luật KH&CN thì sẽ không còn tình trạng đó. Song có điều chúng ta có thực hiện nghiêm túc luật hay không?".

"Bộ trưởng trả lời chưa rõ ràng"

Đoàn Nguyễn Thùy Trang
Đại biểu Nguyễn Thùy Trang đặt câu hỏi chất vấn - Ảnh: Việt Dũng

Trở lại hội trường sau giờ nghỉ giải lao, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Quân về vấn đề KHCN phục vụ sản xuất nông nghiệp đều tỏ ra không hài lòng với nội dung trả lời của Bộ trưởng vì cho rằng Bộ trưởng chưa trả lời trúng vào câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Thùy Trang đã tiếp tục chất vấn thêm về nguy cơ nhập giống cây con từ nước ngoài về đại trà khiến trong nước không chủ động được về nguồn giống, phụ thuộc vào nước ngoài trong sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu này yêu cầu Bộ trưởng đánh giá về năng lực nghiên cứu về giống trong nước và trách nhiệm của Bộ trường đối với vấn đề này.

Ông Quân trả lời: Thông qua quỹ gen, đã giao cho bộ ngành bảo tồn quỹ gen của các giống cây trồng vật nuôi của VN, đặt biệt là các giống có giá trị cao, để phát triển giống của VN, bảo tồn các giống tốt, song song với nhập khẩu các nguồn giống, gen của nước ngoài.

Ông Quân thừa nhận: “Hiện nay bảo tồn tốt nhưng phát triển giống chưa tốt. Trách nhiệm chính là của bộ NN&PTNT nhưng với nhiệm vụ quản lý nhà nước về KHCN, chúng tôi cũng có trách nhiệm phối hợp cùng”.

Theo ông quân, hiện nay chúng ta đã làm tốt việc làm chủ giống cây trồng vật nuôi, làm chủ được giống nuôi trồng thủy sản mà từ trước đến nay chúng ta nghĩ là không thể làm được. Ví dụ như giống cá tầm, có hồi ngay tại VN vốn là những giống nuôi ở các vùng khí hậu khác. 

Tuy nhiên đầu tư theo chuỗi, có giống rồi còn phải nuôi trồng làm ra sản phẩm có giá trị cao. Cần có nguồn lực để đầu tư sản xuất nhưng vốn NN không đủ khả năng, phải trông chờ vào đầu tư của xã hội, đặc biệt là DN.

Bộ trưởng Quân cũng nói DN nào tiếp tục đầu tư sau giai đoạn sản xuất thử nghiệm thì sản phẩm đó mới vào được cuộc sống, còn giống tốt mà chỉ nằm trong phòng thí nghiệm thì không thể trở thành sản phẩm xã hội.

Ông Quân nhìn nhận: “Chúng tôi có phần trách nhiệm ở đây, vì chưa tạo ra được cơ chế để DN yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống, phát triển giống thành sản phẩm cho xã hội”.

Bộ trưởng cam kết: Trong thời gian tới sẽ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT, thông qua các quỹ phát triển KHCN, hỗ trợ ngân sách nhà nước cho những doanh nghiệp thực sự có tiềm năng, có năng lực triển khai các dự án để họ đầu tư các gia đoạn tiếp theo việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Hai mấy ngàn tỉ với chúng ta là lớn đấy

"Bộ trưởng phải đi thẳng vào vấn đề, chúng ta mới có thể tìm ra giải pháp", đó là lời nhắc nhở của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phần trả lời chất vấn của bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân.

Ngay sau khi Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định “xin hết” đề kết thúc phần trả lời loạt câu hỏi trước đó, chờ những câu hỏi tiếp theo thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng liền nhắc: “Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương hỏi ba ý và còn một ý bộ trưởng chưa trả lời: Lãng phí trong nghiên cứu KH&CN lớn, bộ trưởng nhận định thế nào?”.

Trả lời ngay phần ý đã bỏ sót, bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: “Chúng tôi không dám nói trong KH&CN không có sự lãng phí”.

Tuy nhiên, ông Quân đề nghị được bổ sung thêm rằng dù quy định đặt ra là dành 2% chi ngân sách cho KH&CN tương đương 23.000 tỷ đồng, nhưng thực tế năm nay cũng chỉ đạt mức chi cho khoa học là 1,52% chi ngân sách, đạt 17.300 tỷ đồng. Trong đó hơn 40% chi cho đầu tư phát triển, còn trên 40% dành cho chi thường xuyên, tức là chi phí trả lương, hoạt động bộ máy các cơ quan KH&CN công lập.

Bộ trưởng Quân cho rằng như vậy, chỉ có xấp xỉ 3.850 tỷ đồng cho toàn bộ hoạt động nghiên cứu từ cấp cơ sở đến quốc gia. Số tiền này chia cho khoăng 2.600 tổ chức KH&CN, 140.000 cán bộ khoa học cả nước là rất thấp, mức bình quân chi cho một viện nghiên cứu chỉ là hơn 1 tỷ đồng, mội nhà khoa học cũng chỉ khaorng 30 triệu đồng dành cho nghiên cứu mỗi năm.

Bộ trưởng Quân đưa ra so sánh mức đầu tư dành cho khoa học tính trên bình quân đầu người cũng rất thấp, chỉ khoảng 5USD/người, trong khi các nước mức chi cao hơn rất nhiều, như Trung Quốc cũng lên đến 120USD/người, Hàn Quốc là 1.100 USD/người.

“Do đó, lãng phí ở đây nếu có, chúng tôi cho rằng là liên quan đến cơ chế, do đầu tư không đến ngưỡng. Đầu tư cho một đề tài không đến ngưỡng thì rất dễ thất bại”- ông Quân lý giải.

Ông Quân cũng bổ sung để có một công bố quốc tế, các quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc phải đầu tư cho KH&CN 150.000 USD, một bằng sáng chế cần đầu tư đến 2 triệu USD. Trong khi VN còn rất nghèo, được đầu tư cho KH&CN  thấp nhưng năm qua cũng đã có trên 2.600 bài báo công bố quốc tế…

Dù bộ trưởng Quân vẫn đang tiếp tục trình bày, nhưng một lần nữa lại bị Chủ tịch Quốc hội nhắc: “Câu hỏi của đại biểu rất ngắn, rất gọn: có lãng phí không? Lãng phí lớn không? Ví dụ đề tài xếp ngăn kéo là lãng phí rồi, đề tài không đem ứng dụng là lãng phí rồi, lại còn trong quá trình thực hiện  xuất hiện tiêu cực ở chỗ nào đó thì là lãng phí rồi. Do đó, biện pháp khắc phục là thế nào, chứ cứ so sánh với các nước thì rất khó” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn sinh Hùng phân tích. 

"Báo cáo Quốc hội lãng phí là có vì đầu tư không đến ngưỡng. Cũng có thể lãng phí do một số đề tài không bám sát cuộc sống, kết quả không dùng được. Còn lãng phí mang tính tham nhũng thì nếu có, đại biểu cứ thông tin để chúng tôi xử lý. Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được thông tin cụ thể nào như vậy”- bộ trưởng Quân trần tình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa chia sẻ nếu ông không hỏi lại thì chính đại biểu cũng sẽ hỏi lại bộ trưởng vì không trả lời hết ý. 

“Hai mươi mấy nghìn tỷ đồng với chúng ta là lớn đấy.  Không được để xảy ra lãng phí. Nếu có thì phải tìm biện pháp khắc phục. Những lúng túng về chính sách, về cơ chế, lúng túng đưa đề tài vào cuộc sống như bộ trưởng nói cũng là lãng phí, hiệu quả không cao cũng là lãng phí…” - ông Hùng nhấn mạnh.

Vai trò nhà khoa học nằm ở đâu trong bốn nhà?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tôn thị Ngọc Hạnh về “cơ chế bốn nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) trong sản xuất nông nghiệp, ông Quân cho rằng nhà nước là quan trọng nhất chứ không phải doanh nghiệp vì nhà nước đóng vai trò quyết định đảm bảo cho ba nhà còn lại liên kết với nhau.

Ông Quân nêu dẫn chứng cụ thể: “Nếu chúng ta tìm mô hình liên kết “bốn nhà” hiệu quả nhất là công ty Bảo vệ Thực vật An Giang. Đây là mô hình thành công nhất vì trong DN có hai viện nghiên cứu, có 1.200 kỹ sư nông nghiệp làm bạn với các gia đình nông dân, hướng dẫn người nông dân toàn bộ qui trình canh tác theo hướng dẫn chung của DN, DN làm toàn bộ từ khâu đầu đến khâu cuối, cho đến khi cây lúa thành sản phẩm xuất khấu.

Ông Quân cho rằng: Nếu nhân rộng được mô hình của Công ty bảo vệ thực vật An Giang ở tất cả các vùng nông thôn theo qui mô lớn như vậy thì chúng ta không cần lo về mô hình bốn nhà: nhà nước (chính quyền) tạo cơ chế chính sách phù hợp, người nông dân có cổ phần trong doanh nghiệp, nhà doanh nghiệp thì chăm lo từ đầu đến cuối trong qui trình sản xuất, nhà khoa học thì tham gia đến từng hộ gia đình nông dân.

Ông Quân tỏ ra lạc quan: “Nếu làm được như mô hình này, nhân rộng mô hình này, chúng ta sẽ có nền nông nghiệp sản xuất lớn, không còn lo tình trạng được mùa rớt giá, giá xuất khẩu bị dìm giá rất thấp như hiện nay…”

Trước khi Bộ trưởng Quân định chuyển sang trả lời câu hỏi tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải ngắt lời Bộ trưởng để nhấn mạnh lại ý của đại biểu Hạnh hỏi: “Vai trò của nhà khoa học ở đâu trong bốn nhà, chứ không phải vai trò của nhà nước. Cái khó gì làm lâu nay nhà khoa học chưa vào được?".

Ông Quân trả lời: “Nhà khoa học phải nằm trong lòng DN, nghiên cứu cùng DN, ba cùng với DN, chỉ nghiên cứu những vấn đề mà DN cần đứng nghiên cứu những gì mình thích”.

Ông Quân lại đặt ra câu hỏi: “Cái khó khăn nhất là nhà khoa học nghiên cứu rồi, nguồn lực nào để sản xuất thử nghiệm, để thương mại hóa, nguồn lực nào để đầu tư?”, và cho rằng cái khó nhất hiện nay là nguồn lực đầu tư cho KHCN của doanh nghiệp không đến được với nhà khoa học.

NGỌC HÀ - THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên