Doanh nghiệp cho một cá nhân vay vượt 10% tổng tài sản
Cụ thể, hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) vừa thông qua nghị quyết cho vay vốn đối với ông Đào Xuân Long.
Tổng số tiền cho vay dự kiến lên tới 550 tỉ đồng, mục đích vay phục vụ nhu cầu hoạt động kinh doanh. Theo nghị quyết, căn cứ nhu cầu sử dụng vốn thực tế, ông Long có thể nhận nợ vay một lần hoặc nhiều lần.
Thời hạn trả nợ được nêu rõ tại nghị quyết: Trong vòng 6 tháng kể từ ngày vay, lãi suất tối đa 8%/năm. Lãi suất quá hạn 150% theo hợp đồng vay.
Theo báo cáo tài chính quý 3 năm nay, SHN đang có khoản tiền gửi ngân hàng hơn 209 tỉ đồng vào thời điểm cuối tháng 9-2024. Còn tính chung tổng tài sản của doanh nghiệp này lên tới 4.423 tỉ đồng.
SHN không công bố kèm thêm thông tin về người vay, nhưng có thể thấy hạn mức SHN cho ông Đào Xuân Long vay gấp 2,6 lần số tiền mặt đang gửi ngân hàng và bằng gần 12,5% tổng tài sản tại thời điểm cuối tháng 9 năm nay.
Hội đồng quản trị SHN cũng giao và ủy quyền cho tổng giám đốc quyết định thời điểm cho vay, lãi suất vay cụ thể và các nội dung khác, đồng thời chịu trách nhiệm thu hồi khoản vay...
Hiện chủ tịch hội đồng quản trị SHN là ông Hoàng Trọng Điểm, tổng giám đốc là ông Vũ Thắng.
Tiềm lực SHN thế nào?
Theo báo cáo thường niên 2023, SHN có vốn điều lệ 1.296 tỉ đồng, địa chỉ trụ sở chính ở tòa nhà Peakview, số 36 Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội.
Ban đầu, doanh nghiệp này có tên là Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Tư vấn đầu tư.
Đến năm 2007, đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Inconess Hà Nội. Cùng năm này, công ty sáp nhập Công ty CP thương mại Hoàng Hải Long, đổi tên thành Đầu tư tổng hợp Hà Nội như hiện tại.
Cần nói thêm, SHN vốn là doanh nghiệp có mối liên quan tới hệ sinh thái Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền.
Theo thông tin từ báo cáo tài chính, Công ty TNHH Geleximco Hòa Bình đang là công ty liên kết của SHN. Geleximco Hòa Bình có vốn điều lệ 135 tỉ đồng, SHN góp 40,5 tỉ đồng và tỉ lệ sở hữu, biểu quyết là 30%.
Ông Đào Mạnh Kháng - em rể ông Vũ Văn Tiền (chủ tịch Tập đoàn Geleximco) và ông Vũ Văn Hậu - em ruột ông Tiền, đều có quãng thời gian từng làm chủ tịch SHN. Đến tháng 4-2022, ông Hậu kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch tại SHN.
Trước đó, sau một thời gian tăng tỉ lệ sở hữu, đến năm 2017 ông Tiền đã bán ra thành công 5,3 triệu cổ phiếu SHN, giảm nắm giữ xuống còn 4,76% và không còn là cổ đông lớn.
Tình hình kinh doanh biến động của SHN - Dữ liệu: BCTC, TTO
Về tình hình kinh doanh, năm 2015-2017 có thể coi là giai đoạn hoàng kim của doanh nghiệp này khi lợi nhuận sau thuế vài trăm tỉ đồng, sau đó dần đi xuống. Đến giai đoạn năm 2022 và năm 2023, lợi nhuận sau thuế của SHN khá mỏng, chỉ còn vài tỉ đồng.
Trong một diễn biến có liên quan, đại hội đồng cổ đông bất thường doanh nghiệp này vừa thông qua việc điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Theo đó, tổng doanh thu theo kế hoạch ban đầu 4.620 tỉ đồng, sau điều chỉnh còn 3.798 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng được điều chỉnh từ mức 51 tỉ đồng còn 12 tỉ đồng.
Về kết quả thực tế, 9 tháng đầu năm 2024, SHN đạt hơn 2.565 tỉ đồng doanh thu, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn đạt hơn 9 tỉ đồng, tăng 60%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận