20/03/2021 08:57 GMT+7

Cơ hội với vải thiều Lục Ngạn

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Sau khi vải thiều Lục Ngạn được Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Nhật cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tỉnh Bắc Giang kỳ vọng sản phẩm này sẽ được người tiêu dùng tại Nhật và nhiều thị trường khó tính khác biết đến và tiêu thụ mạnh hơn.

Cơ hội với vải thiều Lục Ngạn - Ảnh 1.

Năm 2021 dự kiến có khoảng 250ha vải thiều, ước sản lượng khoảng 1.500 tấn, đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản - Ảnh: C.TUỆ

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Bá Thành, phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, cho biết năm 2020, vải thiều Lục Ngạn chính thức được xuất khẩu sang Nhật Bản. 

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) lựa chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã vùng trồng, với diện tích 103ha và bảo đảm các điều kiện khắt khe của phía bạn. 

 "Năm đầu tiên vải thiều Lục Ngạn đặt chân được thị trường khó tính là Nhật Bản với khoảng 200 tấn. Năm nay, tỉnh Bắc Giang tiếp tục sản xuất 19 mã số vùng trồng đã được cấp năm 2020. Đồng thời, rà soát làm hồ sơ đề nghị Nhật Bản thẩm định, cấp thêm 11 mã số vùng trồng. Dự kiến, năm nay có khoảng 250ha vải thiều, ước sản lượng khoảng 1.500 tấn đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản", ông Thành nói.

Ngoài ra, địa phương này cũng tập trung giám sát với 149 mã số vùng trồng đã được Trung Quốc chấp thuận trên diện tích 15.867ha với sản lượng khoảng 95.000 tấn đảm bảo điều kiện xuất khẩu. Với thị trường Mỹ và EU, Bắc Giang duy trì sản xuất 18 mã số vùng trồng với diện tích 218ha, sản lượng dự kiến khoảng 1.600 tấn...

Theo ông Bùi Thế Thi - phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, trong năm 2021 diện tích vải thiều trên địa bàn vào khoảng 15.450ha, tăng 160ha so với năm 2020, trong đó 12.400ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hơn 300ha theo GlobalGAP. Nhờ thời tiết thuận lợi, hơn 95% diện tích vải thiều trên địa bàn đều ra hoa, sản lượng ước đạt khoảng 120.000 tấn

Ngay từ đầu vụ, địa phương này đã tổ chức quản lý chặt chẽ và duy trì sản xuất của 81 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU và Nhật Bản. 

"Chúng tôi tổ chức cho các hộ dân tại vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản ký cam kết thực hiện đúng hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chức năng về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thời gian cách ly", ông Thi nói.

Giá cao, tiêu thụ tăng

Ông Nguyễn Thanh Bình, giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang, cho biết từ năm 2018 địa phương này đã làm hồ sơ đề nghị Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn.

Và sau 2 năm làm việc, với nhiều lần bổ sung các tiêu chí theo yêu cầu khắt khe của phía Nhật, vải thiều Lục Ngạn đã được Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào ngày 12-3 vừa qua.

Đây là sản phẩm đầu tiên của VN được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Trước đó, vải thiều Lục Ngạn cũng được 8 thị trường nước ngoài khác cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

"Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ có giá bán cao hơn nhiều so với chưa được bảo hộ, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu mà người trồng vải cũng được hưởng lợi nhiều hơn", ông Bình nói.

Vải thiều Lục Ngạn được Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Vải thiều Lục Ngạn được Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý

TTO - Nhật Bản chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên