Sinh viên trường CĐ Viễn Đông trong giờ thực hành - Ảnh: NHƯ HÙNG
Từ đó, TS Hoàng Ngọc Vinh cũng kiến nghị một số giải pháp để trường nghề phát triển, Tuổi Trẻ xin giới thiệu.
Cơ hội chưa từng có
Có thể nói chưa bao giờ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có cơ hội phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của GDNN đã làm xuất hiện những thách thức về chất lượng, hiệu quả cũng như năng lực quản lý hệ thống.
Nhiều năm qua, sự chồng chéo trong quản lý giữa các cơ quan trung ương theo kiểu bộ chủ quản với địa phương và vùng dẫn đến việc nguồn lực đầu tư nhiều nhưng hiệu quả chưa cao.
Ngoài ra, còn có sự chồng chéo ngành nghề đào tạo giữa các trường trên địa bàn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp nhận học sinh thực tập, phân tán nguồn lực và rất cạnh tranh trong tuyển sinh giữa các trường.
Chưa kể, bản thân hệ thống còn phải giải quyết hậu quả để lại của hai loại trình độ trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề và CĐ để cùng thống nhất trình độ theo các chuẩn mực chung của thế giới, khung trình độ quốc gia và cơ cấu lại hệ thống GDNN, sắp xếp đội ngũ giáo viên, giảng viên dư dôi hoặc thiếu năng lực đáp ứng...
Quy hoạch phát triển GDNN là giải pháp căn cơ để tận dụng cơ hội chưa từng có này của GDNN và để khắc phục những hạn chế, yếu kém, hiện đại hóa GDNN. Những thay đổi liên tục và đòi hỏi của nền kinh tế trong một xã hội phát triển đòi hỏi phải có chiến lược thích ứng, huy động nhiều nguồn lực và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả cho GDNN.
Việc quy hoạch sẽ liên quan đến sáp nhập, giải thể, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở GDNN và là vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm. Đó không chỉ là vấn đề kỹ thuật của xác lập các tiêu chuẩn, dự báo nhu cầu, sắp xếp lại hệ thống mà còn là sự đụng chạm đến quyền lực, lợi ích của một số bên liên quan, sự xung đột văn hóa tổ chức, niềm tin và các quan niệm về giá trị giữa các cơ sở đào tạo khi sáp nhập, cũng như sự cần thiết thống nhất ý chí, hành động từ trung ương đến địa phương.
Trong quá trình ấy cũng cần nghiên cứu tìm hiểu vì sao một số trường yếu kém, do nguyên nhân khách quan hay chủ quan của lãnh đạo nhà trường để có giải pháp tương thích, tránh quy hoạch mang tính áp đặt mà không có lý do chính đáng.
Quyết liệt, nhưng đừng gây "sốc"
Quy hoạch thế nào để hiệu quả mà không gây "sốc"? Trước hết, cần quán triệt các nghị quyết của Đảng, tạo sự thống nhất cao giữa bộ ngành và địa phương vì mục tiêu chất lượng và hiệu quả.
Tiếp đến, việc phối hợp với Bộ GD-ĐT cùng bộ ngành và địa phương để quy hoạch mang tính hệ thống giữa giáo dục phổ thông, GDNN và giáo dục ĐH hình thành được cơ chế phân luồng và cân đối trình độ đào tạo cũng như hài hòa vốn đầu tư của Nhà nước.
Phải có các tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng khách quan đảm bảo sự đồng thuận tối đa giữa các bên liên quan để sáp nhập hoặc giải thể trường công lập yếu kém.
Chính sách quy hoạch nhất quán nhưng thực hiện đa dạng theo nhu cầu và đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương. Tránh "one size fits all", một mẫu công thức chung áp dụng đại trà, nên rất cần có dự báo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Quy hoạch cần có mục tiêu, không chỉ là sáp nhập và giải thể mà phải quy hoạch cả ngành nghề đào tạo, không để sự chồng chéo ngành nghề đào tạo giữa các trường mà chất lượng thấp, cung vượt quá cầu. Trước khi sáp nhập rất cần xác định mô hình trường, chiến lược phát triển nhà trường sau khi sáp nhập, tổ chức bộ máy quản lý, tổ chức đào tạo, quản lý, sử dụng nguồn lực hậu sáp nhập... tránh thất thoát lãng phí do tham nhũng, trục lợi.
5 kiến nghị
1 Đề xuất có một chỉ thị riêng về quy hoạch phát triển GDNN vì đây là vấn đề lớn, nhạy cảm và phức tạp, rất cần sự đồng thuận trong xã hội.
2 Xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí để sáp nhập hoặc giải thể, thành lập mới. Tiêu chuẩn dựa theo các tiêu chuẩn chất lượng (điều kiện đảm bảo chất lượng), hiệu quả (năng suất đào tạo, tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động địa phương) và tiêu chuẩn về cơ hội học nghề (những vùng khó khăn cần chú ý khi xây dựng tiêu chuẩn).
3 Có phương án xử lý về con người (tiêu chuẩn lãnh đạo quản lý ở trường sau khi sáp nhập) và cơ sở vật chất (nhất là đất đai) sau khi quy hoạch. Chú ý việc lợi dụng quy hoạch để tham nhũng đất đai hoặc sáp nhập với giáo dục ĐH địa phương hoặc của bộ ngành.
4 Hình thành mới và củng cố các trường CĐ cộng đồng. Khi đó sẽ thấy rõ hệ CĐ thuộc GDNN là hợp lý, theo kinh tế thị trường, đảm bảo cơ hội tiếp cận GDNN cho mọi người, cung cấp các khóa học mềm dẻo, mở và suốt đời từ vài ba ngày cho đến 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm.
5 Mở thêm mới và đồng thời đóng cửa một số chương trình đào tạo ở một trình độ có sự chồng chéo. Ưu tiên cho các trường ngoài công lập đào tạo những ngành mà họ làm được, các trường công lập tập trung vào những ngành chất lượng cao mà các trường ngoài công lập không đầu tư hoặc đào tạo theo những ngành mà Nhà nước có nhu cầu ưu tiên cao nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận