Nhà nông trồng rau sạch tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: MINH ĐĂNG
Báo Tuổi Trẻ đã phản ánh những góc khuất về sự làm ăn gian dối. Chuyện tương tự trong các bài báo của Tuổi Trẻ đây đó đã nghe từ lâu nhưng vẫn cứ tồn tại. Bình tâm hơn sau những ngày phẫn nộ vì niềm tin bị lừa dối, người nội trợ chúng tôi mong các bộ ngành (không chỉ ngành nông nghiệp) có những hành động quyết liệt để người Việt được ăn sạch hơn.
Có những siêu thị bị "mất điểm" trong mắt khách hàng. Những khoảng trống quản lý đã được chỉ ra, mất kiểm soát từ khâu trồng đến khâu đi bán. Nói như Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhận diện được rồi sẽ có hành động gì, thay đổi như thế nào, từ đâu?
Kêu gọi sự tử tế của doanh nghiệp cung ứng và bán lẻ, làm được không? Chuyện này không thể nói suông mà được. Nơi nào làm ẩu, làm sai, biết sai vẫn làm cần xử lý nghiêm. Đây cũng là cách để nơi khác nhìn lại và sửa mình để làm cho đúng, cũng là cách để những nơi làm đàng hoàng dễ sống hơn. Sợ hãi mấy ngày rồi vẫn phải ăn và mua gì, ở đâu đang là đề tài quan tâm hàng đầu của người đi chợ.
Chúng tôi mong muốn mua được nông sản sạch thật sự từ người trồng qua hệ thống phân phối có "lương tâm sạch". Tức là sự trung thực, hàng hóa bày bán "có sao nói vậy người ơi", đừng lừa người mua và ép người trồng nông sản sạch vào tình cảnh ngày càng khó khăn. Tội cho nhà nông trồng nông sản sạch không bán được, thiệt cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và tội lớn với sức khỏe cộng đồng.
Siêu thị nào kiểm soát tốt hơn hàng hóa đầu vào trước khi bày lên kệ và nói thật, bán giá thật với khách hàng sẽ được tín nhiệm. Có lẽ đã đến lúc cần kiểm tra, kiểm soát tất cả các loại chứng chỉ. Cần có giải pháp để rau sạch thật lên ngôi, gỡ khó cho bà con trồng rau sạch.
Hàng hóa về chợ, siêu thị sẽ được kiểm soát tốt hơn. Muốn giám sát và chuẩn hóa được phải đưa ra chỉ số, quy định đo lường. Sự thật đáng buồn là rất nhiều người nội trợ như tôi đến nay còn chưa kịp hiểu rõ về VietGAP và các chuẩn thực phẩm sạch trong nước.
Chúng tôi tin yêu nông sản Việt, nông sản Việt sạch càng ưu tiên mua. Câu chuyện từ trên báo Tuổi Trẻ cũng gợi ra cho người nội trợ chúng tôi những nhận thức mới, để gạn đục khơi trong, để cùng nuôi lớn niềm tin "người Việt mua nông sản hàng Việt". Đừng cố gắn mác hàng Việt chất lượng cao cho nông sản đã "hô biến" nguồn gốc.
Câu chuyện Tuổi Trẻ phanh phui đã chỉ ra điển hình các kiểu làm ăn không sạch. Có người giật mình, có người hy vọng đây là cơ hội để xã hội cùng đổi thay từ người trồng, người thu mua từ vườn ra phố và sự trung thực của nhà bán lẻ.
Và quan trọng nhất là hành động mạnh mẽ trong công tác quản lý từ trung ương đến địa phương. Tất cả vì mong ước lớn lao: người Việt được ăn thực phẩm sạch hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận