Phóng to |
Hàng loạt xe nằm dài trên đường dẫn vào Khu công nghiệp Hàm Kiệm (Bình Thuận), chờ có cơ hội là chạy ra quốc lộ 1 và nối đuôi nhau phóng qua trạm cân - Ảnh: N.Nam |
Tại cuộc họp, các chủ hàng lớn bày tỏ ủng hộ xử lý xe quá tải dù cước vận tải tăng khiến họ gặp khó khăn. Việc chuyển hàng sang đường sắt, đường thủy được các chủ hàng đánh giá là cơ hội tốt để tái cơ cấu các loại hình vận tải.
Đường sắt: chờ đợi quá lâu
Kiểm tra tải trọng xe giúp xác lập giá cước vận tải Ngày 18-4, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT cần tăng cường và đẩy mạnh việc kiểm tra tải trọng xe. Theo hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải mong muốn các cơ quan thẩm quyền quyết liệt chỉ đạo thực hiện triệt để việc kiểm tra tải trọng xe, qua đó giúp các doanh nghiệp vận tải xác lập lại được thị trường giá cước vận tải. Hiện nay, xe chở hàng quá tải khiến giá cước vận tải méo mó, không phản ánh đúng giá trị thực của thị trường. Hiệp hội tiếp tục kiến nghị cần tập trung kiểm tra tải trọng xe tại các điểm xuất phát hàng hóa như cảng sông, cảng biển, khu công nghiệp, khu chế xuất, kho bãi... N.ẨN |
Theo Bộ GTVT, đường sắt hiện có giá cước chở hàng chỉ bằng 50% so với đường bộ, nếu tối ưu hóa thời gian quay vòng và xếp hàng sẽ tăng thêm được 30% năng lực vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Hiền Đức - tổng giám đốc Tổng công ty Mía đường 1 - cho biết có hợp đồng chở 10.000 tấn đường xuất khẩu sang Trung Quốc tới hết tháng 5-2014, công ty ký hợp đồng với đường sắt nhưng sau một tuần vẫn chưa được xếp hàng lên toa xe, phải nhắn tin nhờ Bộ trưởng Đinh La Thăng can thiệp.
Tương tự, ông Đỗ Doãn Hùng - tổng giám đốc Đạm Hà Bắc - cũng nói vận chuyển bằng đường sắt đảm bảo hơn nhưng đến nay chỉ có 10% sản phẩm của đơn vị này vận chuyển bằng đường sắt. Theo ông Hùng, khi làm việc với đường sắt vẫn thấy tính bao cấp, độc quyền, chưa cần đến nhau lắm. Vừa rồi cần vận chuyển bằng đường sắt vào miền Trung nhưng sáu ngày chưa xếp được hàng lên toa. Nhiều đại biểu cho biết cước đường sắt rẻ hơn đường bộ nhưng quá trình chuyển hàng từ kho đến ga, từ ga lên tàu, từ tàu xuống ga có chi phí xếp dỡ nhiều, tính chung lại cao hơn đường bộ.
Trước ý kiến của các chủ hàng, ông Nguyễn Văn Chung - tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội - cho biết các tuyến đường sắt đi Quảng Ninh, Lạng Sơn nhu cầu gần như không có nhưng tuyến Lào Cai quá tải. Có ngày gần 450 toa xe ách tắc do xếp dỡ phía ga Lào Cai, nên không còn toa xe để chuyên chở. Hiện đường sắt tăng cường xếp dỡ hàng ban đêm nhưng khách hàng ngại chi phí tăng gấp đôi. “Vậy không phải do năng lực đường mà do năng lực xếp dỡ. Khi ký hợp đồng phải nói rõ với khách hàng là ngày nào có toa xe, bên nào chậm bị phạt” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Phải nắm lấy cơ hội
Ông Vũ Tá Tùng - tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn - cho biết không có cơ hội nào tốt hơn cho vận tải đường sắt vào lúc này. Từ ngày 1-4, hàng đến rất nhiều, nhu cầu tăng lên gấp đôi (130.000 tấn/tháng) và 50% hàng hóa từ phía Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua Lào Cai. Giải quyết được việc xếp dỡ ở Lào Cai mới giải quyết được năng lực.
Trước tình hình này, ông Đinh La Thăng đề nghị ông Nguyễn Đạt Tường, tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN, kiểm soát chi phí xếp dỡ tại các nhà ga. “Nếu giao cho đường sắt làm trọn gói kể cả xếp dỡ thì giá xếp dỡ còn cao không?”. Ông Tường cho biết giá thấp thì phải phụ thuộc nguồn hàng đều. “Thế đường sắt cứ há miệng chờ sung rụng à? Nếu tổ chức tốt, quản lý tốt thì khách hàng sẽ tự tìm đến chứ không tư duy kiểu quả trứng hay con gà có trước” - ông Thăng phê bình.
Trước nhu cầu hàng hóa đường bộ chuyển sang đường sắt, đường thủy, ông Thăng cho rằng đây là cơ hội để hai lĩnh vực này phát triển. Ông Thăng đề nghị phải chủ động để khách hàng tìm đến chứ không phải “nếu có nhu cầu thì mới tăng cường năng lực”. “Từng đơn vị phải nâng cao năng lực của mình, cải cách hành chính, hạn chế thủ tục. Vận tải không thể phân khúc mà phải tính trọn gói các khâu thì khách hàng mới đến với mình” - ông Thăng yêu cầu.
Ông Thăng cũng giao các đơn vị xem xét điều tiết lại cước phí sao cho phù hợp, nghiên cứu đưa ra khung giá cước. Ông còn yêu cầu ngành đường sắt tập trung ưu tiên vận chuyển nhanh các mặt hàng nông sản, đặc biệt là hàng tươi sống, phân bón, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp để giảm ảnh hưởng cho bà con nông dân khi cước vận tải tăng trong giai đoạn đầu kiểm soát xe quá tải.
TUẤN PHÙNG
Nhiều chiêu trò trốn trạm cân Sáng 18-4, nhiều xe tải chở hàng có dấu hiệu quá tải chạy trên quốc lộ 1 hướng TP Phan Thiết - Đồng Nai, khi đến gần trạm cân thì đồng loạt tấp vào lề đường đậu nằm chờ. Các tài xế rời cabin đi ăn sáng, uống cà phê tại các quán xá gần đó để dò la tình hình. Sau đó, các tài xế đồng loạt lên xe nối đuôi nhau chạy qua trạm cân trọng tải. Trong số đoàn dài xe tải này chỉ có một vài chiếc bị bắt vào trạm cân để cân trọng tải. Tình trạng xe tải nối đuôi nhau chạy diễn ra nhộn nhịp, nhất là vào ban đêm. Các tài xế đồng loạt nối đuôi nhau chạy qua trạm cân theo kiểu xe nào xui bị giữ lại thì chịu. Điều đáng chú ý, trong đoàn dài xe tải nối đuôi nhau chạy, có một vài chiếc xe đầu tiên chạy không tải “tự nguyện” tấp vào trạm cân, dù cảnh sát giao thông không có yêu cầu đưa vào. Một cán bộ trạm cân nhận định có thể các tài xế hiệp đồng với nhau, cho vài xe tải dẫn đoàn chạy tấp vào “che mắt” lực lượng chức năng, để đoàn xe tải chở hàng phía sau vượt lên trên. Không “bó tay” trước tình trạng trên, khi thấy xe tải đậu lại, lực lượng cảnh sát giao thông Bình Thuận lập tức yêu cầu những xe tải đậu ven đường tiến lên phía trước. Có trường hợp, cán bộ cảnh sát giao thông phải leo lên cabin xe tải để thúc tài xế lái xe rời đi, đưa vào trạm cân. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ xử lý được một số xe trong đoàn xe tải đậu dài trên quốc lộ 1. Ngoài chiêu thức nối đuôi nhau chạy qua trạm cân, các tài xế xe tải cũng tìm cách sang hàng qua xe khác để không bị phát hiện chở quá tải. Tại một khu đất trống trên địa bàn xã Hàm Cường (huyện Hàm Thuận Nam) cách trạm cân khoảng 10km, trong sáng 18-4 nhiều xe tải chở đầy ximăng tấp vào đậu rồi chia hàng ra các xe trống khác để cùng chạy qua trạm cân. N.NAM |
Trạm cân hư sau 2 ngày sử dụng Đó là trạm cân trọng tải xe lưu động được Tổng cục Đường bộ trang bị cho Sở GTVT Bình Phước cân trọng tải trên quốc lộ 14, thuộc địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú. Ngày 18-4, trạm cân lưu động này phải ngưng hoạt động để chờ cán bộ Sở GTVT Bình Phước mang cân ra Hà Nội sửa chữa. Theo Sở GTVT Bình Phước, cân điện tử và trạm cân lưu động được đưa vào hoạt động từ 8g ngày 15-4 nhưng mới cân được 206 xe (trong đó có 31 xe vi phạm) thì cân xảy ra sự cố. * Chiều 18-4, ông Nguyễn Tấn Thành, chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết sau khi đưa trạm cân lưu động cân xe ở quốc lộ 51, hệ thống camera nhận diện toàn cảnh xe vào cân bị trục trặc. Cụ thể camera không nhận diện được hình ảnh xe nên thanh tra giao thông đang khắc phục sự cố. Tương tự, thiếu tá Ngô Đức Hoài - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an Bình Định - cho biết trạm kiểm tra tải trọng lưu động trên quốc lộ 1 đặt tại khu vực ngang qua huyện Tuy Phước, sau khi được Sở GTVT tỉnh đưa vào sử dụng ngày 15-4 thì đến ngày 16-4 trạm cân đã bị hỏng. H.MI - Đ.HÀ - B.SƠN - X.VINH |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Quốc lộ 1 bát nháo vì xe trốn trạm cânTài xế: trạm cân không chính xácThi gan với trạm cânNé trạm cân, kẹt xe hàng chục kilômet trên quốc lộ 1Bình Thuận: “Chịu thua” tài xế, trạm cân trọng tải “bung trạm”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận