13/01/2016 09:04 GMT+7

Cô giáo năm nay khác lắm

LÊ NGỌC HẠNH
LÊ NGỌC HẠNH

TT - Cô giáo mà tôi nhắc đến là cô Trần Thị Hồng Vân, Trường tiểu học Trần Quốc Toản (P.Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương).

Cô Trần Thị Hồng Vân hướng dẫn các em học sinh học bài trên lớp - Ảnh: Xuân An
Cô Trần Thị Hồng Vân hướng dẫn các em học sinh học bài trên lớp - Ảnh: Xuân An

Tôi có cháu gái đang học lớp 5 do cô Hồng Vân làm chủ nhiệm. Cứ sau mỗi kỳ thi học kỳ là tôi hay hỏi thăm chuyện thi cử ở trường của cháu. Đợt thi học kỳ I mới đây, như những lần trước tôi lại hỏi thăm cháu.

Cứ nghĩ cũng sẽ là những câu trả lời như mọi năm mà tôi thường nghe như: “Thầy dặn dò tụi con phải cho bạn xem bài, để giúp bạn học kém cùng được lên lớp”. “Thi dễ quá trời! Bạn nào không học bài vẫn làm bài được, vì cô viết đáp án lên bảng cho cả lớp mà!”.

Có khi cháu còn kể thêm, như môn văn: “Cô giáo cho trước hai đề và bài văn mẫu, rồi dặn cả lớp về học thuộc, trúng đề nào thì cứ chép theo văn mẫu đã cho đó. Bạn nào không thuộc thì mở tập ra chép”...

Nào ngờ lần này khi nghe tôi hỏi chuyện thi cử, cháu đã hào hứng kể chuyện về... cô giáo! “

Cô giáo năm nay khó lắm, chứ không giống như các thầy cô của những năm trước đâu! Trước ngày thi cô dặn cả lớp phải chăm chỉ học bài, bài của ai nấy làm, chứ không được xem bài của bạn. Bạn nào cho bạn xem bài, bị phát hiện sẽ bị phê không đạt.

Cô bảo đi học, đi thi mà xem bài của bạn là làm tốn cơm tốn áo của cha mẹ, có lên lớp 6 cũng sẽ không biết gì mà học...” - cháu tôi say sưa kể với vẻ ngưỡng mộ cô giáo rõ rệt!

Cháu còn nói thêm khi phát đề cương trắc nghiệm hai môn lịch sử, địa lý của nhà trường, có đánh dấu đáp án rõ ràng nhưng cô giáo dặn phải về học trong sách chứ không được học thuộc lòng đáp án theo đề cương.

Cô dặn các bạn phải tự học và làm bài theo ý mình, như vậy mới có thể hiểu về lịch sử và địa lý của đất nước, chứ học thuộc lòng theo đáp án thì cũng... mù tịt mà thôi!

Cháu còn kể cô giáo dạy làm tập làm văn là phải viết theo suy nghĩ của mình, bài văn mẫu chỉ được xem để tham khảo. Bạn nào viết theo bài văn mẫu là ăn cắp suy nghĩ và chữ nghĩa của người khác.

Cháu gái kể chuyện ở lớp nếu bạn lớp trưởng, lớp phó không thuộc bài vẫn bị cô phạt như những bạn khác chứ cô không thiên vị. Hỏi về chuyện học thêm, cháu bảo cô giáo có dạy thêm nhưng cô nói bạn nào cảm thấy mình yếu kém cần thì học thêm, không thì tự học ở nhà cũng được, chứ đừng sợ không học thêm sẽ bị cô “đì”.

Rồi cháu tôi tóm gọn một câu kết luận về cô giáo của mình - cô Trần Thị Hồng Vân: “Nói chung là cô khó nhưng... rất dễ. Cô rất công bằng và công tâm. Con thích vậy!”.

Những lời kể về cô của cháu làm tôi nhớ đến những tháng năm tiểu học thời bao cấp của mình. Mới thấy cách giáo dục của cô Hồng Vân cũng y hệt những thầy cô thời tôi học. Tự nhiên thấy vui trong lòng và thầm cảm ơn cô giáo, vì ít ra cũng còn có thầy cô có tâm, có trách nhiệm cho thế hệ măng non.

Nhưng vui đó rồi lại buồn đó thôi, vì chạnh nghĩ biết có được bao nhiêu thầy cô giáo dám nghĩ, dám làm và dám... khác người giống như cô giáo của cháu tôi?

Giúp học sinh tự chủ

Cô Trần Thị Hồng Vân - giáo viên chủ nhiệm lớp 5/5 Trường tiểu học Trần Quốc Toản - cho biết lâu nay học sinh học bài trên lớp thường có tâm lý ỷ lại, nhìn bài bạn để được điểm cao, mà kiến thức các em thu nhận được thực chất là không có, lâu ngày học lực các em giảm sút dần và không theo kịp các bạn trong lớp.

Để giúp học sinh học tập hiệu quả hơn, cô Vân đã hướng dẫn các em học bài theo đúng năng lực của mình, không nhìn bài bạn mà tự học bài, làm bài tập một cách tự giác.

Thời gian đầu, do chưa quen với việc “tự lực cánh sinh” nên nhiều em còn bỡ ngỡ, không biết học bài ra sao. Nhưng giáo viên đã hướng dẫn chi tiết nên việc tự học của các em dễ dàng hơn.

“Do tự làm bài, ban đầu một số em bị điểm thấp cũng có buồn, nhưng sau đó các em đã biết ý thức vươn lên trong học tập. Dần dần các em hiểu và rất vui với điểm số thật sự của mình” - cô Vân tâm sự.

Thầy Đặng Thanh Bình, hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản, khẳng định: “Nhà trường luôn khuyến khích giáo viên dùng những phương pháp mới trong dạy học, trong đó có việc để các em học sinh chủ động học tập theo đúng năng lực của mình như cô Vân đã áp dụng.

Thực tế qua một học kỳ, chúng tôi đã thấy những tiến bộ rõ rệt về học lực của các em. Đa số học sinh đều chủ động trong việc học bài và làm bài tập về nhà”.

XUÂN AN

LÊ NGỌC HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên