16/01/2024 09:00 GMT+7

Cô giáo miền xuôi tự học tiếng dân tộc để dạy trẻ vùng cao

Bỏ tiền túi mua quà tặng học sinh, tự học tiếng dân tộc để hiểu học sinh là những việc cô giáo Phan Thị Khánh đã làm trong hành trình rèn chữ để dạy trẻ vùng cao.

Cô Khánh được nhiều học sinh yêu mến vì sự gần gũi, ân cần - Ảnh: NHÃ TRẦN

Cô Khánh được nhiều học sinh yêu mến vì sự gần gũi, ân cần - Ảnh: NHÃ TRẦN

Gió Lào thổi hanh hao, những cành cây khẳng khiu gầy rạc như đang cố chống chọi lại với cái nắng rát bỏng của mùa khô. Tại một góc nhỏ của điểm trường Păng Gol - Phù Tiên (Trường tiểu học và THCS Nguyễn Chí Thanh, xã Ia Bă, huyện Ia Grai, Gia Lai), cô giáo Phan Thị Khánh say sưa dạy học sinh đọc bài, dạy trẻ vùng cao cách làm người.

Cô giáo theo học sinh trên từng con chữ

Cô Khánh đang hướng dẫn học sinh đọc bài. Cô bắt đầu bằng cách đọc mẫu, sau đó chia học sinh thành các nhóm nhỏ để luyện đọc. Từng em được cô chú ý phát âm và sửa lỗi.

Để giúp học sinh nắm bắt bài học dễ dàng hơn, cô Khánh sử dụng tranh ảnh và video để minh họa cho bài học. Cô giáo dùng máy chiếu trình chiếu bài giảng trên ti vi, giúp học sinh tiếp cận với bài học sinh động và hấp dẫn hơn.

"Năng lực đọc hạn chế sẽ ảnh hưởng đến việc đọc thành tiếng, đọc thầm, đọc diễn cảm, từ đó có thể khiến các em chán đọc hoặc e ngại khi đọc thành tiếng. Tôi cố gắng giúp các em đọc đúng để tạo tiền đề cho việc đọc nhanh, tiến đến thông hiểu nội dung và đọc diễn cảm tốt" - cô Khánh chia sẻ.

Cô Khánh còn áp dụng nhiều biện pháp để giúp học sinh dân tộc thiểu số rèn luyện kỹ năng đọc. Các em thường xuyên được luyện đọc, lắng nghe và sửa lỗi phát âm theo từng bước.

Sau khi học sinh đã luyện đọc đúng từ ngữ trong bài, các em được ghép đôi với một bạn đọc tốt và tiếp tục luyện đọc. Các em cũng được yêu cầu phải ngắt, nghỉ đúng dấu câu, đọc liền tiếng không bị ngắt quãng, tiến đến đọc trôi chảy và thể hiện được giọng đọc tự tin, diễn cảm.

Nhờ kỹ càng trong từng khâu, học sinh dân tộc thiểu số đã tiến bộ rõ rệt, không còn phát âm sai, tốc độ đọc nhanh hơn hẳn so với đầu năm học. Tỉ lệ đọc đúng, đọc rõ ràng đạt 100%. Các em tỏ ra yêu thích và mong chờ đến giờ tập đọc, mong được tham gia đọc bài và thi đọc diễn cảm.

Ngoài rèn luyện kỹ năng đọc, cô Khánh còn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh.

Theo cô, luyện đọc và luyện viết phải tiến hành đồng thời, bởi nếu các em đọc đúng, phát âm đúng thì sẽ dễ dàng đặt đúng dấu thanh khi viết. Sau khi viết đúng được dấu thanh, cô tiếp tục hướng dẫn học sinh nắm vững, ghi nhớ một số quy tắc và mẹo luật chính tả, quy trình và cấu tạo con chữ, viết theo mẫu, rèn kỹ năng nghe - viết chính tả và cuối cùng là giúp các em trình bày đúng, đẹp trên vở.

Đi lên từ tuổi thơ gian khó

Cô Khánh sinh năm 1975 tại một vùng quê nghèo của Quảng Nam. Năm 1982, gia đình cô chuyển lên xã Ia Yok, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai làm công nhân cà phê. Do hoàn cảnh khó khăn, cô phải nghỉ học hai năm rồi mới được tiếp tục đến trường.

Tốt nghiệp THCS, cô quyết tâm theo học ngành sư phạm tiểu học. Sau khi ra trường, cô được phân công về Trường phổ thông cơ sở Nông trường Ia Sao 1. Tại đây, cô đã gieo trồng mầm non cho nhiều thế hệ học trò.

Cô Nguyễn Thị Yến, một học trò cũ của cô Khánh, nhớ lại: "Cô Khánh là giáo viên chủ nhiệm lớp 4 của tôi năm học 2003 - 2004. Cô không chỉ giỏi mà còn tận tâm, ân cần, chu đáo. Cô luôn quan tâm, giúp đỡ học sinh trong học tập và cuộc sống. Cô cũng là người truyền cảm hứng cho tôi yêu nghề giáo và quyết tâm theo đuổi đến cùng".

Năm 2012, cô Khánh chuyển về dạy tại Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (nay là Trường tiểu học và THCS Nguyễn Chí Thanh). Đây là một ngôi trường ở xã Ia Bă, huyện Ia Grai, nơi có nhiều học sinh nghèo, khó khăn. Bất đồng ngôn ngữ, trình độ dân trí thấp, phụ huynh hầu như ít quan tâm đến chuyện học hành của con, học sinh bữa học bữa nghỉ… là những khó khăn mà cô Khánh phải đối mặt.

Cô Phan Thị Khánh luyện đọc, viết kỹ càng cho em Rơ Châm Ngoan - Ảnh: NHÃ TRẦN

Cô Phan Thị Khánh luyện đọc, viết kỹ càng cho em Rơ Châm Ngoan - Ảnh: NHÃ TRẦN

Bỏ tiền túi mua quà tặng học sinh

Để giúp các em, cô Khánh đã tự học tiếng Jrai để giao tiếp với phụ huynh học sinh, tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao để thu hút học sinh đến trường. Không chỉ các hoạt động ở trường, cô Khánh còn quan tâm cả đến đời sống hằng ngày của những em có hoàn cảnh đặc biệt.

Cô thường xuyên đến thăm nhà các em, giúp đỡ các em trong việc học tập, sinh hoạt. Cô xót xa khi thấy cảnh nhiều em học sinh phải mặc quần áo cũ sờn, lấm bẩn, chân không có dép, sách vở, bút viết hầu như không có; vào mùa mưa, nhiều em phải nghỉ học vì quần áo không kịp khô. Cô Khánh liên hệ bạn bè, người thân, lên mạng kết nối các nhà hảo tâm để hỗ trợ quần áo, giày dép, sách vở, bút viết cho học sinh. Bản thân cô cũng nhiều lần tự bỏ tiền túi để mua quà tặng các em.

Nhờ sự giúp đỡ của cô Khánh và các nhà hảo tâm, cuộc sống của nhiều học sinh đã được cải thiện. Các em có quần áo sạch đẹp, sách vở đầy đủ, có điều kiện học tập tốt hơn.

Nhà giáo tiêu biểu 2023

Cô Nguyễn Thị Gấm - phó hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Nguyễn Chí Thanh - nhận xét: "Cô Khánh là đảng viên gương mẫu, là giáo viên có chuyên môn tốt. Nhiều sáng kiến của cô trong quá trình dạy học được các cấp công nhận và áp dụng hiệu quả tại nhà trường. Nhiều năm liền cô Khánh được nhà trường, các cấp chính quyền và ngành giáo dục địa phương ghi nhận với nhiều phần thưởng cao quý. Mới đây, cô Khánh là một trong hai giáo viên của tỉnh Gia Lai được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen Nhà giáo tiêu biểu năm 2023".

Học từ trò chơi, bài hát, câu đố

Trong mỗi giờ học cô giáo cũng sử dụng các trò chơi, bài hát, câu đố để giúp học sinh ghi nhớ kiến thức một cách dễ dàng. Mỗi khi các em làm tốt sẽ nhận được những lời khen ngợi, động viên để các em có thêm động lực học tập. Học sinh Rơ Châm Ngoan vốn có năng lực đọc kém. Chỉ sau thời gian ngắn cô trò cố gắng, em đã có thể đọc trôi chảy, lưu loát và diễn cảm.

Ấm áp những tấm lòng sẻ chia Ấm áp những tấm lòng sẻ chia 'Cơm có thịt' với trẻ vùng cao

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Việt Nam là một trong số 34 quốc gia trên toàn cầu đang đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên