Phạm Tường Lan Thy (bìa trái) giới thiệu về đề tài “Thiết bị tự động phát hiện đột quỵ ở người” do cô và bạn Trần Gia Khôi thực hiện - Ảnh: Như Hùng |
Cô và bạn của mình vừa “rinh” giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố năm học 2014-2015 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức với đề tài “Thiết bị tự động phát hiện đột quỵ ở người”.
Cô gái tên là Phạm Tường Lan Thy, học sinh lớp 11B Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM.
“Thiết bị có hình dạng như vòng đeo tay, có nút gài ở cổ tay người đeo. Nó hoạt động dựa trên sự thay đổi đột ngột của huyết áp (tăng huyết áp), từ đó máy sẽ cảm biến và tiếp nhận thông tin đưa đến bộ xử lý phân tích. Ở thiết bị này, nó ghi nhận lại nhịp đập trung bình của mỗi người và dựa vào sự chênh lệch huyết áp đo được so với ngưỡng huyết áp trung bình. Khi cảm thấy người đeo bị đột quỵ, thiết bị sẽ hiện đèn cảnh báo cho người đeo nhận biết. Hơn thế nữa, nó sẽ thông qua phần mềm gửi tin nhắn cho số điện thoại người thân đã được lập trình sẵn trong máy” - với khuôn mặt ưa nhìn, giọng nói lưu loát, Lan Thy đã gây ấn tượng với chúng tôi ngay từ phút đầu gặp mặt khi cô giới thiệu đề tài của mình tại vòng thi chung kết khoa học kỹ thuật cấp thành phố năm học 2014-2015 (tổ chức cuối năm 2014).
Từ đề tài “máu lửa”
Thy bộc bạch: “Trong một dịp tình cờ, mình và bạn Trần Gia Khôi (lớp 11 chuyên lý 2 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) mới ngồi hỏi nhau: “Ê, có tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật không?”. Rồi hai đứa cùng thống nhất “làm một cái gì đó để đi thi. Ban đầu, mình và Khôi đưa ra nhiều ý tưởng lắm nhưng toàn những điều xa vời. Tới khi nhà bạn Khôi có người bị đột quỵ, bác mình cũng bị đột quỵ. Thế là hai đứa bàn bạc sẽ cho ra đời một cái máy phát hiện đột quỵ” - Lan Thy kể.
Thy bảo rằng: “Ý tưởng thì rất hay bởi hiện nay do áp lực trong đời sống và các tác nhân của môi trường, tình trạng đột quỵ không còn xảy ra chủ yếu ở người cao tuổi mà còn xuất hiện thêm nhiều ca đột quỵ ở độ tuổi thanh thiếu niên. Thế nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy vô vàn khó khăn”. Đôi bạn bắt đầu bằng việc tìm hiểu trên mạng, nhờ các anh chị cựu học sinh Lê Hồng Phong (đã từng đoạt giải trong cuộc thi khoa học kỹ thuật những năm trước) giúp đỡ, nhờ các thầy cô... Nhưng truyền thống của “dân” Lê Hồng Phong là không cầm tay chỉ việc. Thay vào đó là định hướng theo kiểu “cần đọc những tài liệu X, Y, Z... này, đường link đây này...”. Đến khi cả hai tìm ra được “ánh sáng cuối đường hầm” thì việc bắt tay vào lắp ráp cũng là một thử thách lớn: “Tụi mình không phải những kỹ sư thực thụ nên khó khăn chồng chất” - Thy cho biết.
Ngay cả một số cựu học sinh Lê Hồng Phong, khi biết Thy và Khôi chọn đề tài trên cũng đã khen “đề tài máu lửa đấy!”. Đề tài máu lửa ấy bây giờ sắp sửa mang đi tranh tài tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp toàn quốc.
Phạm Tường Lan Thy, cô nữ sinh lớp 11 đoạt giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố năm học 2014-2015 |
Và những kế hoạch...
Mùa tuyển sinh năm 2013, Thy đậu vào lớp 10 chuyên văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Cuối năm học ấy, nhà trường “lọc” lớp và Thy đậu vào lớp 11 chuyên văn 1 (để được bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia...). Nhưng chỉ học được một tháng, cô bé xin chuyển sang học ban B vì: “Mình thích văn nhưng lại mơ làm bác sĩ. Trước hết vì mình rất ngưỡng mộ ba má nuôi (vợ chồng bác sĩ Vương Ngọc Lan và Hồ Mạnh Tường - người đóng vai trò quan trọng giúp Lan Thy được chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm - PV). Một lý do hơi “sến” nữa là mình thấy làm bác sĩ rất oai, mình phải làm bác sĩ để trả ơn cho cuộc đời đã mang mình đến với ba mẹ mình. Lý do thứ ba nữa là mình rất thích học môn hóa và sinh, điểm hai môn này thường cao hơn các môn khác”.
Nghe nói bạn còn là thành viên rất sung sức của đội văn nghệ Trường Lê Hồng Phong, mới đây nhất là màn hát và nhảy rất cuồng nhiệt với ca sĩ Đông Nhi tại lễ hội cuối năm ở trường?
Trả lời câu hỏi của tôi, Thy cười bảo: “Tính mình làm cái gì cũng phải làm hết mình và chơi cũng phải chơi hết mình. Hồi lớp 10, Thy dự tuyển vào đội văn nghệ của trường và may mắn đậu nên tham gia. Thy thích nhiều thứ lắm: thích âm nhạc (cô bé học và biết đàn organ, piano, violon, ghita, kèn), thích thể thao. Ngoài bóng rổ thì mình rất mê đá banh (bắt nguồn từ một lần ngồi giữ đồ cho các bạn nam đá bóng, ngồi một hồi chán quá nên mình ra đá chung luôn). Năm lớp 10 Thy làm thủ môn thì năm nay Thy đã được làm tiền đạo của đội bóng nữ. Tuy nhiên, giữa sở thích và mục đích hoàn toàn khác nhau. Mình khẳng định mục đích của mình là làm bác sĩ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận