10/09/2021 10:14 GMT+7

Cô gái 150kg vượt cửa tử COVID-19

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TTO - Cơn bão COVID-19 là phép thử sinh - tử mà Hoàng Tố Linh, cô gái 30 tuổi ở quận 6 (TP.HCM), vừa vượt qua khi cô cân nặng đến 150kg và như đã cận kề cái chết.

Cô gái 150kg vượt cửa tử COVID-19 - Ảnh 1.

Linh trong những ngày sinh - tử chiến đấu với COVID-19 (ảnh trái). Linh hết bệnh, cô xuống tóc cảm ơn mọi người và phước lành giúp mình vượt qua COVID-19 - Ảnh: NVCC

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát nghiêm trọng, Linh rất lo lắng vì chưa được tiêm ngừa vắc xin. Cô thuộc nhóm trì hoãn tiêm ngừa vì béo phì cấp độ 2, phải lên bệnh viện mới được tiêm.

Cơn ác mộng ập đến. Mình sốt, mê sảng. Trong giấc mơ sảng, mình thấy mình cứ chạy theo gọi dì Dùng, người dì đã mất của mình. Còn dì thì quay mặt đi, hất tay mình ra.

Hoàng Tố Linh

6 ngày cận tử ở nhà

Nỗi lo đã thành hiện thực vào ngày 9-8, khi Linh thức dậy với cơn sốt trên 38OC mà người lại lạnh run. Linh tự mua bộ kit test COVID-19 về xét nghiệm và nhận kết quả: cô cùng mẹ dương tính. Trước đó, mẹ và hai em trai Linh đã chích mũi một vắc xin được 2 tuần, ba Linh mới chích được 2 ngày. Ngày đầu phát hiện dương tính với Linh khá nhẹ nhàng vì có thể hạ sốt sau khi uống thuốc. Nhưng đến đêm thứ hai, Linh bị khó thở và sốt trở lại. Cô bắt đầu sợ hãi: "Sự lo lắng càng làm mình thêm khó thở và thở dốc. Chỉ có ngồi mình mới dễ thở hơn, và nguyên đêm đó mình phải ngủ ngồi để có thể thở".

Qua ngày thứ ba, Linh bắt đầu mất khứu giác, chán ăn. "Ba nấu cháo và động viên mình nhấp từng muỗng cho tới khi hết chén cháo nhỏ. Mình phải ăn nhiều lần để cầm hơi" - cô nhớ lại. Cả nhà cô nháo nhào kiếm oxy cho Linh khi cô bắt đầu ho dữ dội, tức ngực, rồi khi đứng lên lại bị cơn đau dạ dày hành hạ tới mức ói lả người. Lúc này, ba Linh vẫn chưa có dấu hiệu bệnh, mẹ cô cũng tạm ổn. Do đã chích ngừa 1 mũi đủ thời gian tạo kháng thể và có kinh nghiệm làm ở trạm y tế phường nên mẹ cô thực hiện 5K vào phòng chăm sóc cô.

Ngày thứ tư, Linh càng ho càng tức ngực, mẹ cô liên hệ trạm y tế để đưa con đi bệnh viện. Nhà Linh ở lầu 2, chung cư cũ không có thang máy. Việc di chuyển xuống khiến Linh càng thở dốc, SpO2 chỉ còn dưới 90%. Linh kể: "Lúc đến Bệnh viện quận 6 thì họ không nhận, nói khu nhận bệnh đang xây. Xe cấp cứu chở mình qua 3 bệnh viện nữa, họ cũng không nhận. Đến bệnh viện cuối là Bệnh viện An Bình, họ cho cái ghế bố để mình nằm và đo SpO2 còn 88%. Bác sĩ bảo không nặng nên nếu có nhập viện cũng nằm ghế bố ngoài hành lang rồi cũng cho mình mượn bình oxy để thở thôi. Mình và mẹ quyết định về nhà. Lúc về, mình leo 2 lầu lên đến nhà thì SpO2 mình còn 82%, phải thở oxy gấp".

Ngày thứ năm của Linh là cơn ác mộng với gia đình. Cô ho dữ dội, tức ngực, đau bao tử, sốt, khó thở, thở ngắn, ói mật xanh mật vàng. Mặc dù nhà Linh đã dự trù 2 bình oxy nhưng đến tối thì một bình hư, gia đình cô liên hệ thuê oxy không được. Linh nhớ lại cơn ác mộng đêm thứ 5: "Mình nói với ba mẹ chắc con buông. Mình bấm livestream để người nhà cầm máy cầu cứu lần cuối, cầu may được nhập viện. Mình rơi vào trạng thái mê sảng, bắt đầu tím tái người". Gia đình Linh lúc đó ai cũng đau đớn nghĩ cô không qua khỏi khi nghe cô nghiến răng rồi nói sảng. Người Linh lúc này lạnh ngắt, mẹ và em trai cô đều nói với người thân và bạn bè lúc đang livestream là chắc cô qua được. Còn bạn bè Linh thì cố gắng gọi cấp cứu giúp cô...

Bước sang ngày thứ 6, Linh vẫn rất khó thở mặc dù đang đeo đồ thở oxy và không nói chuyện được nữa vì rất mệt. Cô nghĩ mình sẽ chết. Linh livestream với những hơi thở dốc cầu cứu mọi người giúp nhập viện. May mắn đã mỉm cười khi Linh được người bạn liên hệ đội thiện nguyện giúp cô vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Cô gái 150kg vượt cửa tử COVID-19 - Ảnh 3.

Hoàng Tố Linh vui vẻ, năng động trước khi nhiễm bệnh - Ảnh NVCC

Phải khỏe lại vì gia đình thương yêu

Chiều ngày thứ sáu sau khi phát hiện dương tính, Linh được xe cấp cứu đưa vào bệnh viện. Ở khu F của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP, cô được bác sĩ lấy máu cấy, cho thở oxy mũi, vô kháng sinh. Đến ngày hôm sau, cô được chuyển qua khu nhiễm A với tình trạng khó thở nặng hơn, phải chuyển từ thở oxy mũi qua oxy chụp. Vẫn không có gì khả quan hơn vì sau khi lấy máu và chụp X-quang phổi, Linh phải chuyển sang thở máy và phải nằm sấp để dễ thở hơn. Trong 7 ngày thở máy, Linh chỉ được ăn cháo và không tự ăn được, phải nhờ điều dưỡng đút.

Linh nhớ lại: "Kinh khủng nhất là việc tiểu tiện cũng phải tại chỗ vì mình không cử động hay bước xuống giường được. Do mình quá khổ nên không có size tã nào vừa mặc, dù đã lấy size lớn nhất. Mình chỉ có đệm tã ở dưới. Ba mình cũng đang nhập viện vì dương tính ở Bệnh viện quận 6. Tình trạng ba rất nguy hiểm, khi SpO2 chỉ còn dưới 82%".

Linh được truyền kháng sinh 4, 5 chai mỗi ngày. Cô mập quá nên khó lấy ven. Linh nói: "Đó là ác mộng và nỗi khổ của những người béo phì như mình, các điều dưỡng rất khó khăn để lấy ven cũng như mình phải chịu đau để có thể truyền dịch". Cô tiêu chảy liên tục, trong khi bản thân lại không thể tự vệ sinh được.

Linh chỉ được ăn cháo. Mặc dù rất ngán nhưng khi nhìn qua giường bên thấy có cô bệnh nhân lớn tuổi ăn cơm rất ngon nên Linh lại có ý chí để ráng hồi phục. Linh tập lật, tập ngồi, hít thở mặc dù hơi thở rất ngắn, tập vật lý trị liệu mỗi buổi sáng theo hướng dẫn của bác sĩ. Và ngày thứ sáu sau khi nhập viện, Linh đã được ăn cơm, dù còn rất yếu và ho nhiều. Tin vui là khi cô ngồi, SpO2 không tuột. Bác sĩ thăm khám nói bệnh tình Linh tiến triển tốt và khen cô giỏi, khiến Linh có thêm động lực để chiến thắng bệnh dịch. "Mình phải khỏe lại để còn về chăm ba!" - Linh tự nhủ.

Nhưng khi Linh đỡ dần thì ba cô lại chuyển nặng hơn ở viện. Ngày cô được cai máy thở oxy cũng là ngày ba Linh mất. Gia đình giấu vì sợ Linh lo lắng ảnh hưởng tới bệnh đang tiến triển tốt. Linh đeo oxy thở mũi và tình trạng khả quan hơn, nhưng lúc ngủ cô vẫn bị hụt hơi. Linh thức trắng 3 đêm, mỗi lần nằm lại không thở được, phải ngồi dậy. Cô bắt đầu tự đi vệ sinh, đi lấy nước uống ở ngoài nhưng chỉ trong bán kính nhỏ.

Sau 17 ngày ở viện, các bác sĩ nói Linh đeo khẩu trang để tránh lây chéo khi cô sắp hồi phục. Lúc này, Linh mới biết ba đã mất. Cô nghe mẹ kể: "Trước khi mất, ba không được gặp gia đình lần cuối, vì mẹ phải về chăm sóc hai đứa em cũng đang dương tính ở nhà. Trước khi mẹ về nhà, ba có dặn cố cứu sống con Linh". Những lời cuối của ba lúc đang nguy kịch khiến Linh càng thương ba và càng có thêm động lực khỏe lại để về nhà. Cô ráng ăn từng chút, uống thuốc đúng giờ bác sĩ chỉ định, tập thở, tập đi lại từng bước. Ngày Linh ra viện cũng là ngày hài cốt ba Linh được về nhà. Linh sút 10kg sau 27 ngày chiến đấu với COVID-19.

Sức khỏe Linh hiện đang phục hồi dần. Cô được mẹ chăm sóc, nhưng do các triệu chứng hậu COVID-19 nên phổi cô vẫn còn yếu, việc đi lại vẫn còn hạn chế và cô còn tiếp tục điều trị viêm loét bao tử...

Ngày rời viện, Linh rơi nước mắt gọi hương hồn ba: "Ba ơi, con đã được về nhà rồi ba ơi!".

Biết ơn vô cùng

Linh đúc kết những ngày trải qua cuộc chiến sinh - tử với COVID-19: "Với mình, sự trở về nhà lần này sau 27 ngày là một phép mầu. Mình cảm thấy biết ơn vô cùng những người thân, người bạn, bác sĩ đã nắm tay mình khi mình chới với giữa sự sống và cái chết.

Mình trân trọng bản thân hơn và cũng đã cai được nước ngọt có ga, các loại bánh kẹo ngọt khác. Động lực giảm cân của mình bây giờ là để sống sót và thay ba lo cho mẹ với các em vì mình là chị gái lớn nhất nhà".

Sản phụ 23 tuổi mắc COVID-19 nặng thoát Sản phụ 23 tuổi mắc COVID-19 nặng thoát 'cửa tử'

TTO - Chiều 19-8, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương thông tin, đơn vị vừa điều trị thành công 1 bệnh nhân COVID-19 nặng, mang thai tuần 36, đang điều trị đái tháo đường thai kỳ.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên