Cướp giật giảm nhưng vẫn loDẹp cướp: cần quyết tâm, đồng lòng và mạnh tayĐừng thờ ơ khi gặp cướp
Tuổi Trẻ Online(TTO) tường thuật trực tuyến phần trả lời này của thiếu tướng Phan Anh Minh.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch H ĐND TP, cho biết phần trả lời chất vấn tiếp theo về vấn đề này sẽ kéo dài khoảng 1 giờ, trong đó thiếu tướng Phan Anh Minh sẽ trả lời trong 30 phút, thời gian còn lại Phó chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí sẽ phát biểu ý kiến của UBND TP về vấn đề phòng chống tội phạm.
Thiếu tướng Phan Anh Minh lắng nghe câu hỏi của các đại biểu tại phiên chất vấn trực tiếp tại hội trường sáng 6-12 - Ảnh: Minh Đức |
Phải làm chặt hơn việc truy nã
Thiếu tướng Phan Anh Minh: trưa hôm nay tôi đã hội ý với các đồng chí trong Ban giám đốc công an TP về các vấn đề mà đại biểu hỏi. Tôi xin gom các câu hỏi thành 3 vấn đề:
Trước hết, về tình hình chung, tôi khẳng định không có việc giấu trọng án. Dù có thể một số tin báo của người dân, thống kê báo cáo có chưa chính xác vì động cơ thành tích, nhưng chỉ là các vụ cướp giật, ở vùng giáp ranh, nạn nhân không rõ ràng…
Về tình hình nguyên nhân phạm pháp hình sự, tôi trả lời đại biểu Nguyễn Quý Hòa như sau: Hôm qua, các đơn vị có thống kê hơn 150 đối tượng hình sự bị bắt trong các tháng gần đây thì 49% là thất nghiệp, hơn 50% là có việc làm không ổn định. Trước đây khoảng 30% liên quan đến ma túy, gần đây lên tới 46%, 24% có tiền án tiền sự, 41,13% đã gây án nhiều lần hoặc đang bị truy nã. Các con số này đủ nói lên được vấn đề.
Có đại biểu đặt vấn đề chất lượng công tác cải tạo, việc cải tạo là do Bộ Công an quản lý. Con số thất nghiệp và không có việc làm của tội phạm sẽ nói lên thách thức với Tổng cục 8 (Tổng Cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - PV).
Tôi nói thêm một thông tin không biết nên để buồn hay cười. Cách đây mấy năm chúng ta vẫn có những đợt đặc xá mà vì một lý do là trại giam quá tải, chứ không phải họ cải tạo tốt. Hai năm gần đây mới có cải thiện.
Giữa công an các tỉnh có liên quan, các đô thị lớn có giao thoa tội phạm nhiều, cần phải có sự phối hợp với nhau hơn. Như vụ chém người cướp xe SH ở cầu Phú Mỹ, đối tượng đang bị công an Ninh Thuận truy nã… Việc truy nã tội phạm phải được làm chặt chẽ hơn, tránh tình trạng xàng qua xàng lại địa bàn giáp ranh, tỉnh này truy nã chạy qua tỉnh kia. Đó là những nguyên nhân tôi muốn trao đổi thêm.
Đại biểu Đinh Phương Duy có đặt câu hỏi về việc tiêu thụ tài sản do phạm tội quá dễ. Các tài sản đó thường là xe gắn máy, điện thoại di động, máy tính xách tay. Có những vụ chúng tôi truy xét trộm đột nhập trộm 6 xe vào 1g khuya, mà 6g sáng đã chặn bắt xe trộm đó ở An Giang trên đường qua Campuchia. Phải quyết tâm hơn nữa.
Giải pháp đột phá của TP từ chương trình 3 giảm hiện đã mất cơ sở pháp lý. Hiện chúng ta nói là quản lý người nghiện và người sau cai nhưng thật ra không phải quản lý mà chỉ là hỗ trợ giúp đỡ. Với luật cư trú mới thì ta không có quyền quản lý nơi cư trú của họ. Do vậy khó mà quản lý được.
Về con số tái nghiện, tôi không dám nói rằng số liệu đưa ra đó là chính xác. Vừa qua, các ngành chức năng có đưa ra con số tái nghiện 3%. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành công an thì tỷ lệ này phải đến 26-27%, số liệu này do công an thống kê cũng chưa đầy đủ.
Nói về giải pháp và hiệu quả trong thời gian sắp tới, chúng tôi không than vãn, chỉ có thể cố gắng hết sức. Tôi hứa là nếu còn được phân công làm việc thì chúng tôi sẽ nhìn thẳng vào thách thức, động viên anh em làm việc. Còn kết quả thì không thể nói trước được vì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng.
Riêng về tình trạng tội phạm hung hãn táo tợn là do mua sắm vũ khí, thậm chí tự sản xuất, lắp ráp, chế vũ khí. Khi đối tượng đã cố tình mua sắm vũ khí thì không ai tự giác giao nộp bằng biện pháp giáo dục đâu.
Trong các nhóm giải pháp thì trụ cột là vấn đề tuần tra, không chỉ lực lượng chính quy mà cả dân quân, dân phòng. Dù khả năng truy đuổi của lực lượng này kém hơn nhưng khả năng hỗ trợ là rất cao. Công an TP đánh giá rất cao lực lượng bán chuyên trách này.
Mấy hộ mất vàng nhiều ở Bình Thạnh vừa rồi toàn là do người giúp việc lấy, mà chính người giúp việc này lại thay mặt gia chủ đi họp ở tổ dân phố về phòng chống tội phạm.
Trong tháng 11 vừa rồi có 5 vụ gây án đưa lên Internet , đó cũng là một công cụ giám sát mà công an cần phải phát huy, bên cạnh các hệ thống camera giao thông, của VOV, VOH…
Dùng từ SBC không phù hợp
Tôi xin chuyển qua nhóm vấn đề về công tác xây dựng lượng hậu cần và CSGT.
Đại biểu Lâm Đình Chiến đặt vấn đề có phục hồi cảnh sát SBC hay không. Tôi hiểu SBC đã nằm trong lòng dân, báo chí ca ngợi. Giờ dùng từ đặc nhiệm thì nghe hơi xa lạ. Nhưng khi thành lập lực lượng này tôi có trao đổi với anh em như Lý Đại Bàng, các anh em SBC trước đây, kể cả anh Dương Minh Ngọc
Các anh em đều đồng ý lực lượng đặc nhiệm kế thừa những ưu điểm của SBC trước đây. Nhưng dùng từ SBC không phù hợp, vì dù là cướp thì cũng là con người, không nên dùng từ săn bắt, nên dùng từ đặc nhiệm thích hợp hơn SBC. Do đó chúng ta nên chờ đợi thêm thời gian nữa, không nên cho rằng hình sự đặc nhiệm không bằng SBC.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc công an TP.HCM trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu sáng 6-12 - Ảnh: Minh Đức |
Về công an viên, chúng tôi thừa nhận phụ cấp với công an viên vậy là không thỏa đáng. Với những địa bàn quá rộng thì đúng là quá cực. Thế nhưng tăng biên chế thì rất khó. Tôi xin khất lần này và sẽ bàn với sở tài chính, chừng nào có khả năng về ngân sách thì mới trình UBND TP đưa ra HĐND xem xét quyết định vào một lần khácỞ Hà Nội có lực lượng 141, các đại biểu hỏi có học tập không? Tôi xin nói là ở Hà Nội có quá nhiều đầu gấu, đi xe không đội nón bảo hiểm, chặn lại thì nói là con ông cháu cha nên phải có lực lượng hỗ trợ. TP.HCM chưa tới mức đó nên chưa cần thiết có lực lượng này. TP.HCM chỉ cần thông tin nhanh, không cần một ông làm mà hai thợ vịn như vậy.
Trước mắt, để giải quyết vấn đề này thì cố gắng phát triển và nuôi dưỡng quỹ phòng chống tội phạm. CA viên nếu bắt được trộm cướp mà được thưởng nóng 5 triệu đồng/lần thì cũng là một khoản không nhỏ so với phụ cấp hiện nay. Vấn đề là phải tạo nguồn và duy trì tốt quỹ phòng chống tội phạm.
CSGT cần phải cải thiện hình ảnh
Về vấn đề tiêu cực trong CSGT, Ban giám đốc vẫn xem cảnh sát giao thông là bộ mặt của công an TP, cho nên vừa qua đã triển khai những biện pháp chặt chẽ để quản lý, thậm chí nhiều biện pháp còn vi phạm đến quyền cá nhân như không cho đem tiền vượt quá 100.000 đồng khi thi hành nhiệm vụ. Nếu kiểm tra tất cả tiền bạc trong người CSGT, nếu có trên 100.000 đồng mà không được niêm phong thì không cần bàn luận nguồn gốc mà xem đó là tiêu cực và xử lý như tiêu cực.
Về kiểm tra giám sát, thời gian qua chúng tôi thống nhất đánh giá CSGT có tốt hơn nhưng vẫn là một điểm nóng cần giải quyết. Một thời gian dài, CSGT đã gây mất thiện cảm nên phải tự chấn chỉnh tư thế cũng như hành động của mình trên đường: phải tận tình giúp dân, mở đường cho xe cứu thương, thậm chí cả đoàn xe tang, không cần phải là quốc tang cũng phải chào… Như vậy mới hy vọng hình ảnh của CSGT mới được cải thiện dần dần.
CSGT cũng xác định với Ban giám đốc là không cần cơ động theo bảo vệ mình, sẽ tự nâng chất bảo vệ người tham gia giao thông bằng cách truy đuổi tội phạm, buôn thuốc lá lậu… Trong tuần vừa qua có 4 vụ thuốc lá lậu do CSGT bắt giữ. Có vụ bắt được cả 4 bánh heroin ở quận 8. Thậm chí có CSGT hy sinh khi làm nhiệm vụ. Với những việc đó thì CSGT chắc chắn sẽ chuyển biến mạnh mẽ được hình ảnh hơn.
Xoay quanh chuyện phòng chống tham nhũng, tôi có nói sót một ý là trong kiểm điểm Đảng ủy Công an TP, chúng tôi tự nhận thấy mình làm không hết trách nhiệm về việc cảnh báo suy thoái trong lực lượng với Thành ủy. Có báo về suy thoái cho cá nhân có dấu hiệu, nhưng báo rồi buông. Không phải chỉ tự nhận vậy, sắp tới chúng tôi sẽ tự coi mình đã lọt bao nhiêu trường hợp, và sẽ góp phần vào việc phòng chống tham nhũng tốt hơn.
Phải giải quyết điều khiến dân bất an
Tiếp đó, phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí đã có phần phát biểu. Ông Lê Minh Trí nói: Phải khẳng định cái gì dân chúng lo lắng bất an thì chúng ta phải đặc biệt quan tâm, có trách nhiệm giải quyết đến nơi đến chốn.
Trong bối cảnh hiện nay thì đó là vấn đề an ninh trật tự. Ta phải thấy tình hình khách quan: TP.HCM với 10,5 triệu dân, trong đó 2,5 triệu dân nhập cư, 80.000 người nước ngoài học tập và làm việc thì công tác quản lý đảm bảo an ninh trật tự là vô cùng phức tạp. Gần đây, bức xúc nổi lên là trộm cắp, đua xe, rải đinh, hành vi táo tợn, dã man gây bất an xã hội.
Thời gian qua, ngành CATP đã kéo giảm 7,16% tội phạm hình sự, tỷ lệ phá án là 74%, trên 90% án đặc biệt nghiêm trọng được phá. Đó là tỷ lệ không nhỏ. Tuy nhiên, cơ cấu tội phạm nguy hiểm hiện vẫn còn 20,6%. Đây là vấn đề phải quan tâm.
Ngoài ra, tình hình ma túy vẫn diễn biến phức tạp, dù CA TP đã phá rất nhiều án ma túy. Nhưng tới giờ này, băn khoăn lớn nhất vẫn là tội phạm liên quan đến ma túy.
Cái tồn tại thứ hai sau ma túy là nạn trộm cắp, cướp giật, vẫn chiếm 71,4% so với cơ cấu tội phạm. Để giải quyết vấn đề này, phải tuyên truyền cho dân có ý thức cảnh giác và phải đảm bảo sức đề kháng tại chỗ - đó là phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.
Thời gian tới, trước hết phải xác định mục tiêu tập trung vào tội phạm ma túy và người nghiện. Hiện tỷ lệ 50-70% tội phạm liên quan đến ma túy là rất lớn. Tính hung hãn của tội phạm cũng do ma túy. Đây là muc tiêu số 1 phải làm. Kế đến là phải kéo giảm 20% tội phạm nguy hiểm và 71% tội phạm cướp giật, và chuyển hóa địa bàn có ma túy.
Về vấn đề quản lý cai nghiện tại cộng đồng, thực sự tôi rất băn khoăn về mô hình này. TP.HCM có mật độ dân số rất cao, để người nghiện tự cai tại cộng đồng thì không thể an tâm.
Việc quản lý đối tượng hồi gia cực khó. TP có trên 10.000 người hồi gia - quản lý quá khó. Sắp tới phải tính toán lại.
Quản lý người hồi gia, có những người hồi gia nhà nơi khác về TP ở, cho nên rất khó quản lý. Khó khăn nhất trong quản lý người nghiện là vấn đề ma túy tổng hợp, khó khăn cả việc phát hiện, xét nghiệm và pháp lý.
Vấn đề đặt ra là sắp tới chúng ta sẽ làm gì. Trước hết, vẫn theo bài học của chương trình 3 giảm. Phải phát huy trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp theo là chúng ta không thể giao hết trách nhiệm chống tội phạm cho công an TP. Cấp ủy, chính quyền, người dân đều phải có trách nhiệm.
Cần biện pháp để dân tin công an
Trước hết tôi đề nghị các quận, huyện, phường xã, phải củng cố lực lượng tại chỗ, trong đó có bảo vệ khu phố, thanh tra xây dựng, hội phụ nữ, đoàn thành niên… Phải có chất keo kết dính, đặt dưới sự chỉ đạo của cấp ủy,
Thứ hai là gắn liền với sự chăm lo tạo điều kiện cho các lực lượng này. Nhưng cũng còn bất cập. Vì dụ lương công an viên là hơn 1,9 triệu. Vì sao lại có số lẻ vậy? Vì hơn nữa thì cao hơn lương của chủ tịch xã (!). Bảo vệ dân phố cũng lương gần như vậy.
Cũng cần biện pháp cho người dân tin vào lực lượng công an. Có những vụ giá trị không lớn nhưng công an cũng cần tập trung làm rõ để lấy lòng tin của nhân dân.
Cách đây 3 tháng chủ tịch TP đã có yêu cầu chủ tịch 24 quận huyện ký cam kết không phát sinh tội phạm phức tạp, đặc biệt là ma túy. Sắp tới sẽ kiểm tra các quận huyện đã làm tới đâu.
Về mặt trách nhiệm của lãnh đạo TP, chúng tôi thấy cần có sự đầu tư chăm lo đặc biệt cho lực lượng bảo vệ dân phố, ít nhất cũng để cho anh em người ta tự tin trước tội phạm. Thứ hai là chính sách chăm lo, về công an viên tôi phản ảnh mấy lần rồi, thu nhập thấp, chưa yên tâm làm việc, địa bàn quá rộng, không đảm bảo được an ninh. Việc thứ ba là phải khen thưởng kịp thời khi bắt được tội phạm, phá được các vụ án.
“Phần trả lời của đồng chí Phan Anh Minh rất thẳng thắn, nói được cả ưu khuyết lẫn những nỗ lực, giải pháp để phòng chống tội phạm. Chúng ta đánh giá nỗ lực lớn của công an TP trong thời gian vừa qua” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP |
Về kinh phí cho phòng chống tội phạm, vừa qua thủ tướng đã ký quyết định thành lập quỹ phòng chống tội phạm. Đây là cơ sở pháp lý để huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện vấn đề này. Tuy nhiên, kinh phí phòng chống tội phạm hiện TP đang bị động. Hàng năm, TƯ cho TP 31 tỉ đồng nhưng phải chờ đến quý 3 mới có.
Phải nói là từ trước đến nay, việc chủ động kinh phí phòng chống tội phạm, TP chúng ta chưa làm được. Sắp tới, đề nghị CATP cần khảo sát xem nhu cầu thực tế của ngành CA ra sao để trình lãnh đạo TP xem xét. Tôi cho rằng, vài chục tỉ đồng với TP.HCM để góp phần tạo sự an dân thì TP hoàn toàn có thể đáp ứng.
Hiện tại, có quy định giữ lại 70% tiền phạt trong vi phạm giao thông, giữ lại 20% trong đấu tranh hàng gian hàng giả. Tổng hợp hai nguồn này là một con số không nhỏ. Tuy nhiên, danh mục được phép chi từ quỹ này thì rất ít. Vấn đề này phải xem xét lại. Nếu bó hẹp danh mục, tiền thì có mà không xài được, trong khi nhiều nhu cầu thì bức thiết.
CA TP đã triển khai tổng lực để bảo đảm an ninh trật tự từ nay đến tết. Tăng cường tuần tra canh gác để khép kín địa bàn. Muốn khép kín thì phải phát huy được lực lượng tại chỗ. Sắp tới, cần xây dựng hình ảnh CA gần dân, lắng nghe dân và hết lòng giúp dân để làm sao tăng thêm niềm tin của người dân vào lực lượng công an nhân dân.
------
Trong buổi sáng 6-12 tại kỳ họp HĐND TP.HCM, thiếu tướng Phan Anh Minh - phó giám đốc Công an TP - đã trả lời một số chất vấn về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, việc tập trung đấu tranh trấn áp tội phạm tại TP.HCM.
10g20, phần đặt câu hỏi chất vấn với Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc công an TP.HCM về tình hình về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, việc tập trung đấu tranh trấn áp tội phạm trên địa bàn TP, bắt đầu.
Tội phạm gia tăng
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy: Theo báo cáo, số vụ phạm pháp giảm nhưng vụ nghiêm trong gia tăng, gây hoang mang, bức xúc.
Câu hỏi thứ nhất: Giải pháp nào đủ mạnh để trấn áp hiệu quả trong thời gian ngắn nhất?
Câu hỏi thứ hai, trước tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa và ngày càng tinh vi phức tạp hơn, lãnh đạo công an TP có chương trình hành động và biện pháp căn cơ nào?
Câu hỏi thứ 3, trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở khu phố thì có biện pháp gì để có sự đồng lòng, tích cực, vì theo phản ảnh hiện công tác này ở khu phố cũng còn nhiều yếu kém?
Đại biểu Cao Thanh Bình: Theo báo cáo, tội tham nhũng, đưa hối lộ tăng cao 70% với hơn 190 tỉ đồng.
Câu hỏi thứ nhất, Công an TP có giải pháp cấp bách nào ngăn chặn, có đề nghị gì với cơ quan công quyền đề cùng phối hợp?
Câu hỏi thứ hai, tội phạm địa bàn giáp ranh phức tạp, công tác phối hợp, kế hoạch liên tịch chưa được thường xuyên, chủ yếu chỉ vào các đợt cao điểm. Giải pháp của Công an TP là gì để tội phạm không ẩn náu ở đây được nữa?
Câu hỏi thứ ba, có sự chuyển biến gì ở các địa bàn được chọn làm điểm để dẹp ma túy, tội phạm? Có cách làm nào hay để nhân rộng ra toàn TP?
Câu hỏi thứ tư, đề nghị đánh giá hiệu quả tổ bảo vệ dân phố. Mỗi khu phố có từ 4 - 7 người, nhưng lực lượng này chưa hoạt động thường xuyên, chưa thật hiệu quả vì yếu về chuyên môn; đánh giá hiệu quả thời gian tới?
Đại biểu Cao Thanh Bình đặt câu hỏi với thiếu tướng Phan Anh Minh tại phiên chất vấn sáng 6-12 - Ảnh: Minh Đức |
Câu hỏi thứ hai là vai trò của cảnh sát khu vực (CSKV) rất quan trọng, nhưng hiện tại lực lượng còn rất mỏng. Công an TP có kế hoạch phân bổ CSKV trong thời gian tới như thế nào? Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ ra sao?Đại biểu Trần Thị Tuyết Hồng: Công tác quản lý và theo dõi để phát hiện các vụ vận chuyển ma túy với đường bộ và đường thủy hiện như thế nào?
Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu: Hiện tại an ninh tại địa phương có chỉ tiêu là không tăng án năm sau so với năm trước. Đây là chỉ tiêu cần thiết nhưng đang rất áp lực dẫn tới công an địa phương giấu án. Tại sao không lấy việc bắt số lượng tội phạm làm chỉ tiêu thi đua?
Câu hỏi thứ hai, tội phạm địa bàn nào thì địa bàn đó chịu trách nhiệm, tại sao không truy cứu trách nhiệm nơi tội phạm đó ở?
Tội phạm có xu hướng tăng nhẹ
Thiếu tướng Phan Anh Minh: Do có một số nội dung liên quan đến yêu cầu bảo mật nên tôi có thể không trả lời chi tiết mà chỉ trả lời chung. Nếu đại biểu quan tâm, chúng tôi sẽ có trả lời bằng văn bản.
Tôi xin điểm qua tình hình, chúng ta cần có sự thống nhất về giải pháp đánh giá. Công an TP khẳng định như dự báo là năm 2012 có một số diễn biến phức tạp về tình hình tội phạm. Tình trạng sử dụmg vũ khí trái phép ở các tỉnh phía Bắc có khả năng lây lan vào TP.HCM.
Đang có một nghịch lý là số lượng ma túy tổng hợp thu giữ được tăng lên nhưng số người sử dụng phát hiện lại giảm. Đó là một nghịch lý.
Tôi thừa nhận trong tháng 11-2012 tội phạm có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt là cướp giật. Nhưng điều quan tâm nhất là thái độ hung hãn, sự công nhiên chiếm đoạt tài sản gia tăng. Điều này thực ra không mới, vì trước đây cũng có những vụ cướp sử dụng vũ khí nóng. Nhưng chúng ta đang bị ám ảnh bởi những vụ cướp như cướp laptop ở đường Cộng Hòa và quay lại đâm chết người truy đuổi.
Chúng ta còn phải nói thêm là chúng ta sẽ còn phải đối đầu với loại tội phạm này. Có thể nói khi triển khai chương trình 3 giảm, chúng ta lấy ma túy làm trọng điểm. Bây giờ chúng ta đã mất cơ sở và phải tính toán lại cơ sở mới.
Công an TP đã xây dựng kế hoạch phòng chống tội phạm.
Chúng tôi thừa nhận các tổ hình sự đặc nhiệm đang bị chia cắt ở các địa bàn giáp ranh, nhiều địa bàn bị trống, ví dụ tuyến đường Nguyễn Văn Linh làm chia cắt các đội hình sự Quận 8, quận 7, Nhà Bè.
Bằng các biện pháp hành chính kiểm tra các hộ kinh doanh nhạy cảm, loại trừ việc tiêu thụ tài sản do tội phạm mà có...
Công an chưa bao giờ được giao bảo vệ khách hàng của một ngành hàng nào. Do đó, nói du khách nước ngoài sụt giảm vì cướp giật là nói oan cho ngành công an. Chúng tôi cũng chưa ghi nhận được du khách nào bộc lộ sẽ rời Việt Nam ngay vì chuyện cướp giật.
Chúng tôi đang dự tính vận động doanh nghiệp du lịch kinh doanh có lãi đóng góp để bất kỳ ai bắt cướp quả tang thưởng ngay 5 triệu đồng. Nếu giáo dục tốt, với mức thưởng đó chúng ta sẽ có lực lượng hùng hậu để chống tội phạm.
"Tôi thừa nhận có giấu án"
Về câu hỏi của đại biểu Hải Hiếu, Công an TP sẽ trang bị hệ thống phần mềm để tất cả các trường hợp vi phạm, hình sự, tệ nạn sẽ được thống kê đầy đủ từ cơ quan điều tra, hệ thống xử phạt, đến trung tam cai nghiện, nơi sinh hoạt… để công bố định kỳ hàng quý. Và như vậy không có nơi nào giấu được, ví dụ người ở quận 8 mà sang quận 12 mua ma túy thì cũng sẽ được nói rõ.
Tôi thừa nhận có giấu án, vừa rồi tôi đã đề nghị cắt thi đua với một số đồng chí ở công an phường Bến Nghé về việc sai sót không thống kê các vụ tội phạm đầy đủ, không chính xác.
Công an TP sẽ chủ động đổi mới. Chúng tôi sẽ không thống kê tội phạm theo địa bàn, điều này sẽ rất bất công. Chúng tôi sẽ xây dựng chỉ tiêu hiện đại hơn là số vụ phạm tội trên 100.000 cư dân, sẽ phản ánh được tình trạng người dân sống an toàn hơn. Chúng tôi tán thành với đại biểu Hải Hiếu chỉ tiêu bắt được tội phạm là chỉ tiêu mấu chốt.
Đại biểu Cao Thanh Bình hỏi về giải pháp ngăn chặn đưa hối lộ. Trách nhiệm ngăn ngừa tham nhũng là của cấp ủy, công an không được triển khai các biện pháp nghiệp vụ trong nội bộ Đảng viên. Tôi đề nghị kê khai tài sản phải minh bạch, giám sát và thực hiện nhanh việc xét xử. Hiện nay chúng ta xử lý chậm quá, đợi đến khi bản án có hiệu lực có khi người đứng đầu đã nghỉ hưu luôn rồi.
Về việc chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, có kế hoạch sớm nhưng nguồn lực khó khăn. Đây là việc rất khó, cần có thời gian chứ không duy ý chí được. Hiện chưa sơ kết nên chưa thể nói rõ được cái gì là tốt để nhân rộng.
Về lực lượng bảo vệ dân phố không thể mạnh như lực lượng chuyên trách. Tuy nhiên công an TP cũng ghi nhận có tình trạng lực lượng này có người lớn tuổi, yếu nghiệp vụ, trang thiết bị không đủ an toàn cho họ. Chúng tôi sẽ mở lớp đào tạo nghiệp vụ thêm cho họ và bớt đi việc kiêm nhiệm các công việc khác của những người tham gia công việc này.
Công an TP không hứa hẹn gì thêm về tăng thêm CSKV, chúng tôi sẽ cố gắng tăng cường chất lượng chỉ mong làm sao thế được lực lượng hao hụt vì nghỉ hưu đã là tốt lắm, mong sao công an các quận huyện choàng gánh cho nhau.
Về vấn đề ma túy đường thủy, khả năng vận chuyển chỉ có thể từ Campuchia vào VN. Tôi muốn chia sẻ với đại biểu và cử tri là công an phát hiện ma túy không phải như CSGT đi kiểm tra. CA TP không chủ trương kiểm tra bắt tội phạm ma túy trên đường phố mà chỉ chọn cách đánh đột kích vào sào huyệt thì an toàn cho người dân và lực lượng hơn, đặc biệt ở địa bàn đông dân cư như TP.HCM.
Có nên lập lại lực lượng SBC?
Đại biểu Cao Thanh Bình: Tôi đánh giá cao phần trả lời của ông Phan Anh Minh. Tôi muốn công an TP cần quan tâm đặc biệt đến lực lượng bảo vệ tổ dân phố, cả về chế độ, đào tạo, công cụ hỗ trợ.
Đại biểu Đinh Phương Duy: Tôi có hai câu hỏi. Một, hiện nay nạn trộm cướp, cướp giật tài sản của công dân, tại sao việc tiêu thụ hàng trộm cắp được vẫn cứ tồn tại? Hai, gần đây có người nói công dân TP.HCM vô cảm trước nạn cướp giật, cũng có người nói họ không vô cảm nhưng họ sợ trả thù. Công an TP.HCM có biện pháp nào để tăng sự an toàn, để động viên người dân?
Đại biểu Trần Văn Khuyên: TP có bao nhiêu địa bàn thật sự phức tạp cần phải tập trung? Trên cở sở đó, CA TP tham mưu thế nào cho lãnh đạo và chỉ đạo địa phương ra sao?
Đại biểu Lâm Đình Chiến: Tôi nêu hai vấn đề. Thứ nhất, trong tình hình hiện nay, có nên lập lại lực lượng SBC như Hà Nội có lực lượng 141 không? Thứ hai, TP tiếp nhận khoảng hơn 10.000 người nghiện hồi gia. Công an TP thông tin về đánh giá tình hình của người hồi gia, công tác quản lý ra sao?
Đại biểu Trần Ngọc Hưng: Tôi có ba câu hỏi. Một là, theo báo cáo của UBND TP, tình hình tội phạm giảm nhưng tội phạm ma túy lại tăng. Nhưng theo thông tin tôi nắm được, từ 6-10 đến 16-11 tăng đến 46% so với tháng trước và 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôi băn khoăn là khi chúng ta ra quân thì tội phạm họ biết và ém, khi chúng ta rút quân thì tội phạm lại manh động. Công an TP có hứa hẹn gì với cử tri về việc đảm bảo an ninh cho người dân TP trong dịp Tết và lâu dài?
Hai là việc phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng địa phương thế nào? Khi ra quân như vậy thì các nhiệm vụ khác có được bảo đảm?
Ba là, sự vô cảm của người dân ngày càng tăng, với trường hợp gặp người bị tai nạn giao thông năng mà các phương tiện được yêu cầu từ chối đưa đi cấp cứu thì công an TP xử lý ra sao?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân: Vấn đề phụ cấp cho công an viên 1.992.000 đồng, mức này cũng mới được hưởng từ đầu 2012. Rất mong cơ quan chủ quản quản lý hỗ trợ thêm, vì ngân sách xã có hạn.
Thứ hai, cử tri có phản ảnh về tình trạng nhũng nhiểu của CSGT. Công an TP có báo cáo từ đầu năm xử lý 41 trường hợp CSGT vi phạm, có vẻ hơi ít. Việc thực hiện đường dây nóng để người dân báo cáo vụ việc được thực hiện đến đâu? Đề nghị miễn trừ cho người dân mạnh dạn tố giác nếu trước đó họ có hành vi đưa tiền cho CSGT.
Đại biểu Trần Thị Tuyết Hồng đặt câu hỏi với thiếu tướng Phan Anh Minh tại phiên chất vấn sáng 6-12 - Ảnh: Minh Đức |
Hai là, tội phạm gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Lực lượng công an viên rất quan trọng nhưng phụ cấp quá thấp, dưới 2 triệu đồng/ tháng. CA TP đã tham mưu để tăng phụ cấp?Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hiền: Có ba vấn đề chúng tôi quan tâm. Một là, rất nhiều địa phương chạy theo thành tích mà giấu các vụ trọng án mà chỉ chạy theo thành tích, chạy cờ thi đua của ngành công an. CA TP có biết không? Khắc phục bằng cách nào?
Ba là, ở địa phương có xây dựng nhóm tổ hộ tự quản nhưng hiệu quả không cao, nhiều nơi còn tê liệt, vậy CA TP có giải pháp gì để vực dậy?
Đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa: Hiệp sĩ đường phố có nhiều hoạt động tích cực trong phòng chống tội phạm. Ranh giới giữa hiệp sĩ và người phạm tội là rất mong manh như trường hợp nhóm hiệp sĩ ở Bình Dương. Tôi muốn đặt câu hỏi về việc xây dựng lực lượng điều tra viên trong thời gian tới?
Vấn đề tham nhũng trong cảnh sát giao thông là vấn đề được cử tri quan tâm. Vậy hoạt động của các tổ thanh tra đặc nhiệm thời gian qua ra sao?
-----------
Trước đó, trả lời Tuổi Trẻ bên lề kỳ họp HĐND TP sáng 5-12, thiếu tướng Phan Anh Minh nói ông rất ray rứt khi cướp giật đang lộng hành, số vụ trọng án có chiều hướng gia tăng…
Trả lời Tuổi Trẻ sáng 5-12, thiếu tướng Phan Anh Minh nói ông rất ray rứt khi cướp giật đang lộng hành, số vụ trọng án có chiều hướng gia tăng… - Ảnh: Minh Đức |
Dự kiến phần trả lời chất vấn của thiếu tướng Phan Anh Minh sẽ bắt đầu sau 9g30. Người dân có câu hỏi có thể gọi về đường dây nóng (08) 38249396 để đặt câu hỏi trực tiếp với thiếu tướng Phan Anh Minh và đại diện Sở Công thương, Sở Nội vụ trong phiên chất vấn, hoặc gửi câu hỏi qua email: gopyhdndtp@tphcm.gov.vn.Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết trong phần trả lời chất vấn sáng nay, ông sẽ nói rõ hơn về các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm của Công an TP.HCM.
Vui lòng nhấn phím F5 để cập nhật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận