Vài ngày trước sau khi có thông tin Hà Nội sẽ rà soát các chỉ tiêu để phát triển mô hình "thành phố trong thành phố", thôn Lâm Trường (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) đã xuất hiện nhiều "cò" về mời chào mua đất - Ảnh: T.K.
Ngày 19-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Nguyễn Hữu Cường, chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cho biết sau 6 năm thực hiện Luật kinh doanh bất động sản đã giúp thông thoáng môi trường đầu tư cho doanh nghiệp trong, ngoài nước.
Nhằm giải cứu thị trường bất động sản bị "đóng băng" trước những năm 2014, luật đã tạo điều kiện giữa chủ đầu tư và khách hàng khi mua bán không phải qua khâu trung gian bắt buộc tại sàn giao dịch.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng những năm gần đây luật đã bộc lộ nhiều nhược điểm cần phải sửa đổi. Việc không bắt buộc giao dịch qua sàn đã gây khó khăn cho quản lý nhà nước, dẫn tới hàng loạt dự án "ma" mọc lên trên khắp cả nước lừa đảo khách hàng.
"Những năm qua có rất nhiều người không phải là môi giới cũng nhảy vào tư vấn nhà đất (truyền thông hay gọi là ‘cò’ đất) để thao túng giá, làm rối loạn thị trường. Nhiều môi giới bất động sản cũng không được chuyên nghiệp, hoạt động đơn lẻ, chụp giật, trốn thuế", ông Cường nói.
Ông Cường cho biết: "Hiện nay chưa có giáo trình bất động sản được hội đồng uy tín thẩm định về học thuật, nghiệp vụ nghề nghiệp. Việc học, thi cấp chứng chỉ môi giới quá dễ dàng dẫn đến chất lượng khâu trung gian bất động sản có nhiều lệch lạc. Ngay chủ đầu tư trong nhiều trường hợp cũng bị thiệt thòi bởi môi giới thổi giá, mua bán ‘ảo’, khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước".
Ông Cường đồng tình về dự thảo sửa đổi luật đã quy định phải theo học khóa đào tạo bất động sản là điều kiện bắt buộc thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, quy định chi tiết quyền hạn, quy mô, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản…
Tháng 3-2020, "chợ đất" bất hợp pháp "mọc" lên tại xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) sau khi có thông tin dự án - Ảnh: T.K.
Đồng quan điểm với ông Cường, tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, phó chủ tịch thường trực Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho hay sửa luật là cần thiết, bởi ngoài thuận lợi, những năm qua luật đã bộc lộ không ít tồn tại cũng như đã bỏ ngỏ nhiều quy định trong kinh doanh bất động sản, gây khó khăn cho quản lý, thất thu nguồn thuế, phát sinh hệ lụy tiêu cực như xuất hiện hàng loạt dự án "ma".
Ông Đính cho rằng dù môi giới bất động sản là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhưng một số đơn vị còn hoạt động ngoài luồng, theo thời vụ, ăn theo các "cơn sốt đất" tại các địa phương.
"Những năm qua, ‘cò’ đất không có chứng chỉ hành nghề và ngay cả môi giới hoạt động đơn lẻ, thiếu chuyên nghiệp đã dẫn đến hàng loạt vụ ‘sốt’ đất ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Và không ít sàn, trung tâm giao dịch được lập tự phát, không chấp hành quy định pháp luật’, ông Đính cho biết.
Theo ông Đính, luật quy định các sàn giao dịch phải đăng ký, thông báo định kỳ về sở xây dựng. Tuy nhiên việc quản lý, phát hiện, xử lý vi phạm của các đơn vị chức năng cũng như các địa phương chưa triệt để.
Ông Đính cho rằng, để lĩnh vực kinh doanh bất động sản trở nên chuyên nghiệp, ngoài sửa luật phù hợp với thực tế, khâu thực thi pháp luật cần quyết liệt, kịp thời hơn nữa.
Ông Cường góp ý: "Cần bổ sung nội dung thi sát hạch phải có đại diện cơ quan quản lý nhà nước, hội nhà nghề giám sát…, hay quy mô, tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch bất động sản cũng cần quy định chi tiết, rõ ràng, minh bạch".
"Có vậy thì ‘cò’ đất sẽ hết nơi để ‘bay’, trong khi đó nhân viên môi giới, sàn giao dịch cũng phải hoạt động chuyên nghiệp, minh bạch thu nhập, tăng nguồn thu thuế cho Nhà nước, giúp thị trường bất động sản bứt phá trong những năm tới dù được dự báo rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19", ông Cường nói.
Giữa tháng 4-2021, khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có nhiều nhà bỏ hoang cũng dậy sóng trong cơn sốt đất ảo - Ảnh: QUANG THẾ
Ngoài siết chặt hoạt động môi giới, dự thảo sửa Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng quy định chi tiết hơn nội dung mua bán bất động sản hình thành trong tương lai; cá nhân, tổ chức người nước ngoài muốn sở hữu bất động sản, kinh doanh nhà ở và công trình xây dựng có sẵn;
Quyền, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; quản lý nhà nước về bất động sản hay đến các thuật ngữ cũng được giải thích, quy định chi tiết, khắc phục những nhược điểm đang tồn tại...
Tiến sĩ Cường góp ý, cần đưa thêm vào luật sửa đổi sắp tới nội dung: "Các tổ chức tín dụng, cơ quan thuế phải có dự báo trước về biến động tăng giá, cơ chế chính sách về giá phải phù hợp với điều tiết của Chính phủ đối với nền kinh tế nói chung.
Nếu không quy định chi tiết về biến động tăng giá sẽ ảnh hưởng đến quá trình giao dịch bất động sản không được dự báo trước về lãi suất, về thuế, mất đi tính thanh khoản ổn định của thị trường".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận