28/12/2022 08:55 GMT+7

Cơ chế nào bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm?

THÀNH CHUNG - TIẾN LONG
THÀNH CHUNG - TIẾN LONG

Năm 2021, Bộ Chính trị ban hành kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Cơ chế nào bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm? - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục hành chính tại TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tiếp đó nghị quyết 28 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã yêu cầu thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tại buổi học tập, quán triệt nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 đầu tháng 12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã yêu cầu Bộ Nội vụ cần đẩy nhanh hơn việc thể chế hóa chủ trương bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đến nay chủ trương này đã được thực hiện đến đâu?

Thực tế thời gian qua, có một số cán bộ dám nghĩ nhưng không dám làm, nhụt chí, không dám đổi mới, sáng tạo, giữ cho mình an toàn và vấn đề này cũng đang được đặt ra.

Ông Nguyễn Tuấn Ninh

Bộ Nội vụ: đang xây dựng nghị định để thể chế hóa

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, bộ đang trong quá trình thực hiện xây dựng một nghị định để thể chế hóa chủ trương kết luận 14 của Bộ Chính trị.

Ông Nguyễn Tuấn Ninh, vụ trưởng Vụ Công chức viên chức, Bộ Nội vụ, cũng khẳng định đang phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng việc thể chế hóa chủ trương kết luận 14 của Bộ Chính trị bởi đây là nội dung rất lớn, rất khó. 

Theo ông Ninh, khó khăn, băn khoăn đầu tiên là về việc "đổi mới, sáng tạo có rất nhiều vấn đề và phong phú, đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau". Do đó việc xác định thế nào là đổi mới, sáng tạo và diễn ra ở lĩnh vực nào là điều không đơn giản.

Bên cạnh đó, khi xây dựng dự thảo nghị định cũng có băn khoăn về cơ chế để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm. Trong đó phải có quyền lợi xứng đáng cho họ, ví dụ như về chuyện quy hoạch, bổ nhiệm. Để làm được điều này cần sửa đổi các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ. 

Ông Ninh nói thêm thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng, thấu đáo để động viên cán bộ phát huy được năng lực, trí tuệ, mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Hơn nữa, cần đưa ra cơ chế để ngoài khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm song cũng phải hạn chế tối đa việc lợi dụng chủ trương này để thực hiện những hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Một cán bộ của Bộ Nội vụ cho rằng một vấn đề được đặt ra đó là giữa đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với hành vi vi phạm đôi khi chỉ là "ranh giới rất nhỏ". Cùng với đó, việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm trong lúc kỷ luật, kỷ cương đang tăng cường, siết chặt thì phải nghiên cứu cơ chế, chính sách để phù hợp nhất. Chưa kể người cán bộ khi thực hiện nội dung đổi mới, sáng tạo thì phải có xin phép, đồng ý của lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

Vì vậy, phải có cả cơ chế để bảo vệ cho người lãnh đạo, cơ quan, tổ chức của cán bộ đó. Cạnh đó, dù đã được cấp có thẩm quyền đồng ý nhưng không phải cứ để cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo đó "băng băng làm" mà cần có sự giám sát và thường xuyên báo cáo đầy đủ, trung thực công việc đó. Vị này nhấn mạnh đây là những vấn đề phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để thể chế hóa cụ thể chủ trương của Đảng, từ đó đưa vào áp dụng được trong thực tiễn.

Cơ chế nào bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm? - Ảnh 3.

Lấy sự hài lòng của người dân là một trong những cách để cán bộ công chức làm tốt hơn khi nhận nhiệm vụ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phải thống nhất hai vấn đề: khuyến khích và bảo vệ

PGS.TS Vũ Văn Phúc, phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng trung ương, cho rằng trong việc xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, điều đầu tiên cần nâng cao, thống nhất nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân về chủ trương này. 

"Hiện nay ranh giới giữa đúng, sai, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm chưa rõ ràng. Do vậy, rất cần sớm xây dựng, ban hành văn bản pháp luật cụ thể mới có thể thực hiện được", ông Phúc nói. Ông Phúc cũng cho hay nếu chưa ban hành được văn bản pháp luật để thể chế hóa thì cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, có thể của Ban Tổ chức Trung ương nhằm thống nhất, thực hiện chung về kết luận 14.

Về cơ chế cụ thể, ông Phúc cho rằng có hai nội dung cần xây dựng là khuyến khích và bảo vệ. Đối với khuyến khích, cần được xây dựng theo tinh thần "việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh". Với những việc có lợi cho dân nhưng quy định của Đảng, pháp luật chưa có thì cấp ủy, người đứng đầu cần tạo điều kiện khuyến khích để cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đó là điều hết sức quan trọng. 

Đồng thời, theo ông Phúc, Đảng, Nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách "đầu tư mạo hiểm". Có nghĩa xác định một số vấn đề trong triển khai thực tiễn chưa chắc đã thành công nhưng vẫn phải khuyến khích cho cán bộ tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung thực hiện.

Đi kèm với khuyến khích, theo ông Phúc, cần có cơ chế bảo vệ cán bộ trong trường hợp thực hiện công việc dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung nhưng kết quả chưa thành công, thậm chí gây tổn hại cho ngân sách nhà nước, nhân dân. 

Cụ thể, muốn bảo vệ được cần xác định rõ động cơ thực hiện công việc của cán bộ. Nếu động cơ vì nước, vì dân cần cơ chế, chính sách bảo vệ họ một cách thỏa đáng, thậm chí không chỉ bảo vệ tiền của, tài sản mà cả tính mạng của bản thân, gia đình. Còn nếu trong quá trình cán bộ làm nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí thất thoát tài sản của Nhà nước, nhân dân song việc đó vì lợi ích chung, không có tư lợi thì có thể không yêu cầu bồi thường tài sản, không xem xét kỷ luật, xử lý hình sự...

"Một điều hết sức quan trọng phải phân biệt rõ những người đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung với những người lợi dụng chủ trương này để mưu cầu cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Khi phân biệt rõ thì cần có kỷ luật nghiêm minh, xử lý hình sự những người lợi dụng đó nếu để xảy ra sai phạm", ông Phúc đề nghị. Ngoài ra, theo ông Phúc, những người dám nghĩ, dám làm mà đạt được thành tựu cần có sự khen thưởng, tôn vinh xứng đáng để tạo sự lan tỏa, động viên chung.

PGS.TS Lê Quốc Lý (nguyên phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh):

Cần cơ chế đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro

Việc dám nghĩ, dám làm được hiểu bao gồm đổi mới, sáng tạo, chưa có trong các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước nhưng đồng thời phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Để bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm thì những người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải là những người tạo điều kiện, thúc đẩy cho đổi mới, sáng tạo. Còn khi họ chỉ giữ an toàn cho bản thân thì đổi mới, sáng tạo của cán bộ cấp dưới sẽ không được phát huy.

Để khuyến khích người dám nghĩ, dám làm cần xây dựng cơ chế "chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại và thua keo này bày keo khác" bởi không có ai dám nói trước việc làm sẽ thành công. Đồng thời cần xây dựng cơ chế thực hiện thí điểm đối với các vấn đề mới, khó, không có quy định trong luật. Nếu thí điểm tốt thì khen ngợi nhưng khi làm khách quan, công tâm song lại thất bại cũng cần chấp nhận bởi không ai biết trước được kết quả.

Đại biểu Quốc hội VŨ TRỌNG KIM (nguyên phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam):

Đánh giá đúng sai phải khách quan, thấu tình đạt lý

Việc thể chế hóa chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm theo tôi là cần thiết trong lúc này. Tuy nhiên không phải trông chờ vào văn bản khuyến khích hay bảo vệ cán bộ làm đúng mà cán bộ làm đúng, làm vì lợi ích quốc gia, dân tộc sẽ tự nhiên được bảo vệ. Những người có ý thức, tinh thần làm đúng, làm vì cái chung, không mưu cầu lợi ích thì đâu cần đợi có ai bảo vệ mình mới làm các công việc.

Bên cạnh đó, cấp ủy, người đứng đầu phải thực hiện khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, đồng thời có sự giám sát thường xuyên đối với các cán bộ này. Việc giám sát thường xuyên, công khai, dân chủ sẽ giúp kịp thời phát hiện các vấn đề và uốn nắn.

Khi đánh giá những kết quả cũng phải hết sức khách quan, trung thực, toàn diện, không nể nang, né tránh. Đồng thời, không bị mua chuộc, không bị tình cảm cá nhân hoặc vấn đề khác chi phối... Khi có sự cố phải tổ chức kiểm tra, điều tra thật khách quan, trung thực, thấu tình đạt lý.

Kiến nghị cho TP.HCM thí điểm

Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định TP.HCM là địa phương có thực tiễn đa dạng phức tạp, do vậy ông đề nghị trung ương cho TP thí điểm thực hiện kết luận 14.

Ông Nên cho rằng cán bộ đã có động cơ bất chính tất nhiên phải xử lý. Nhưng cán bộ có trách nhiệm, nôn nóng với công việc, có động cơ trong sáng nếu xảy ra sai sót thì nên xem xét giảm nhẹ. "Ai cũng đổ thừa hiện nay xã hội phát triển nhưng pháp luật không theo kịp. Nhưng khi đã đưa cho anh một thẻ bài để đi thì anh lại khựng. Như vậy, cán bộ tâm huyết tìm cách để làm, ngược lại tìm cách đổ lỗi. Cái này không ổn", ông Nên nói.

Trước đó, tại hội nghị quán triệt kết luận này, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng kết luận 14 là một trong những việc khơi nguồn sáng tạo của cán bộ các cấp trên mọi mặt công tác và đời sống. Đây là một bước tiến trong quá trình khuyến khích và bảo vệ để cán bộ yên tâm công tác, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích chung...

Theo ông Nên, "lằn ranh" giữa đổi mới, thực hiện các sáng kiến, sáng tạo với cố ý làm trái là mỏng manh, nếu chỉ khuyến khích mà không bảo vệ sẽ rất khó khăn. Chúng ta làm theo những cái đang có, cái hiện hành có lẽ không lo nhưng nhu cầu của cuộc sống, sự bức bách xã hội có nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi những cách làm mới.

thanh uy

Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2022, triển khai chương trình công tác năm 2023 - Ảnh: HỮU HẠNH

"Trước những tình huống này, khi chúng ta nghĩ ra những sáng kiến, cách làm mới, phương pháp mới để đem lại hiệu quả mà chúng ta nghĩ là đúng thì phải báo cáo với người có trách nhiệm, báo cáo với người đứng đầu và được cấp thẩm quyền xem xét xác nhận, đồng ý", ông Nên nói.

Theo đó, cấp lãnh đạo cao nhất của TP và địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm xem xét quyết định cho thực hiện từng nội dung, nội hàm của những sáng tạo đó. Nếu thấy khó cho thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng, các cấp ủy và người đứng đầu phải hỗ trợ, tạo nguồn lực cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nội dung này.

Bên cạnh đó phải theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các thí điểm này để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, điều chỉnh cho phù hợp thực tế, phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh các vi phạm nếu có.

Sợ "bóng ma" hình sự hóa

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cho rằng Ban cán sự Đảng của Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu thể chế hóa kết luận bằng nghị định, quyết định. Từ đó, cấp ủy của các tỉnh ủy mới dựa trên các văn bản này để cụ thể hóa.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM Trần Văn Bảy nêu thực tế, hiện nay cán bộ tham mưu lo lắng khi tham mưu các sự vụ hằng ngày, nhất là những sự vụ có sự mâu thuẫn trong pháp luật. Theo ông Bảy, biện pháp xử lý là yếu tố rất được quan tâm và cần được khẳng định cụ thể vì "bóng ma" hình sự hóa cứ lởn vởn thì rất khó để động viên cán bộ sáng tạo.

Nên chăng có nghị quyết để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung Nên chăng có nghị quyết để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

TTO - Nhiều cán bộ cho rằng nên thể chế hóa những vấn đề của Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Bởi cán bộ đột phá nhưng nếu xảy ra sai sót vẫn bị xử lý theo quy định pháp luật.

THÀNH CHUNG - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên