Sáng 26-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (gọi tắt là Ban chỉ đạo nghị quyết 98 Trung ương) kể từ khi ban này được thành lập vào tháng 7-2023.
Báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết 98, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay gần 4 tháng qua, việc triển khai nghị quyết 98 đạt nhiều kết quả. Đến nay các bộ đã trình ban hành 2 quyết định của Thủ tướng để hướng dẫn, triển khai nghị quyết.
TP.HCM đã hoàn thành 7 nhiệm vụ, cơ bản hoàn thành 4 nhiệm vụ, các nhiệm vụ còn lại đang thực hiện theo tình hình thực tế. "Đây là bước khởi đầu tích cực để đẩy nhanh việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù đã được giao, tạo điều kiện cho TP phát triển đột phá thời gian tới", ông Dũng chia sẻ.
Sau khi nghe một số bộ nêu vướng mắc khi thực hiện nghị quyết, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đã đặc thù thì phải vận dụng những gì thông thoáng nhất để làm, sau đó tăng cường giám sát, kiểm tra, tránh để tiêu cực về chính sách.
"Bây giờ nghe anh em nói vướng đủ thứ trên đời, cuối cùng ban hành văn bản không vướng gì cả thì không làm được cái gì. Các đồng chí khi làm văn bản thấy không thông thì báo cáo phó thủ tướng phụ trách, nếu không thông nữa thì báo cáo Thủ tướng", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị: "Vướng chỗ nào, vướng thì ai tháo gỡ, phải có người làm trọng tài, đó là bộ trưởng hoặc phó thủ tướng. Bây giờ vướng cái này, vướng cái kia, nó vướng hết cả thì cần gì phải ban hành cơ chế đặc thù. Đặc thù là để tháo gỡ, tức là phải có đầu ra. Tháo gỡ mà tiếp tục thắt nút lại tháo gỡ làm gì".
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng nghị quyết 98 mang tính cách mạng, cải cách rất lớn. Trong nghị quyết cũng nêu trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa nghị quyết 98 với luật hay với nghị quyết khác thì áp dụng quy định của nghị quyết này.
"Nghiên cứu các thành phố đi trước chúng ta ở Trung Quốc, tất cả họ đều mạnh dạn giao quyền, giao chính sách, và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển. Thực hiện nghị quyết 98, 3 năm chúng ta sẽ sơ kết, 5 năm sẽ tổng kết chứ không phải vô hạn. Nếu chúng ta chần chừ, luẩn quẩn nói đi nói lại những việc do cái này, cái kia sẽ khó thực hiện", ông Nên nói.
Thủ tướng: Nghị quyết 98 không chỉ riêng cho TP.HCM
Nghị quyết 98 chính thức được thông qua và ban hành tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV vừa qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2023. Nghị quyết bao gồm 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp tại TP.HCM.
Trước đó, ngày 7-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với TP.HCM triển khai nghị quyết 98.
Thủ tướng nhấn mạnh cần xác định việc triển khai nghị quyết không chỉ riêng cho TP.HCM, nếu thực hiện thành công thì cả nước cùng được hưởng.
Do đó, đây là nhiệm vụ chung, cả nước phải cùng chung tay với TP.HCM. Mỗi người, mỗi cơ quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần thực hiện tốt các công việc được giao.
Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và TP.HCM, với yêu cầu việc chỉ đạo phải chủ động, kịp thời, bám sát tình hình thực tiễn và phải có hiệu quả, kết quả bằng những sản phẩm cụ thể.
Quá trình thực hiện, Thủ tướng yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phân công cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị.
Ban chỉ đạo nghị quyết 98 Trung ương do Thủ tướng đảm nhiệm vai trò trưởng Ban chỉ đạo. Phó trưởng ban thường trực là Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là phó trưởng ban. Thành viên ban chỉ đạo sẽ gồm đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ.
Thủ tướng phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo, giúp trưởng ban trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác và xây dựng quy chế hoạt động.
Bộ này sẽ sử dụng bộ máy của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho ban chỉ đạo, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, bảo đảm các điều kiện hoạt động của ban, tổng hợp, báo cáo các hoạt động chung của ban và thực hiện một số nhiệm vụ khác do trưởng ban giao.
* Tuổi Trẻ Online tiếp tục cập nhật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận