Nguyệt Linh (phải) giao lưu với học sinh Trường THCS Thăng Long, Hà Nội về giá trị của rừng và sự cần thiết bảo vệ rừng - Ảnh NVCC
Những video tự làm từ góc nhìn, sự quan sát của mình, cách thể hiện tiếng nói bày tỏ quan điểm của mình trên các diễn đàn, sự kiện liên quan tới môi trường trong suốt thời gian từ năm 2019 - 2021 đã khiến cái tên Nguyệt Linh (học sinh Trường Marie Curie, Hà Nội) trở nên quen thuộc.
Hiểu được giá trị của rừng
Sau hai năm, Nguyệt Linh đã là học sinh lớp 8 và cũng trước khai giảng một năm học mới, Nguyệt Linh và nhóm bạn cùng trường (Anh Kiệt, Khánh Ngọc) lại ghi dấu ấn mới bằng việc ra mắt cuốn sách nhỏ Một mẩu rừng cho bạn. Cuốn sách đúc rút những hiểu biết về giá trị của rừng, về hệ sinh thái dưới những khu rừng, vì sao cần bảo tồn, phải làm gì cho điều đó.
Hành trình để ra mắt cuốn sách xuất phát từ những hoạt động của Nguyệt Linh và các bạn trong nhiều tháng trước đó. Khi tham gia các dự án, chương trình liên quan tới môi trường, Nguyệt Linh và các bạn thu thập được nhiều tài liệu về rừng.
Các em có ý tưởng viết thành một tài liệu để gửi cho những học sinh khác, tạo nên một sự lan tỏa tích cực hướng đến hành động khuyến khích trồng cây xanh, bảo vệ rừng và để tham gia sự kiện Forest Festival của Tổ chức Actions for Climate Change and Biodiversity (Hành động vì biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học - ACCB).
Suốt 3 tháng ròng rã, nhóm của Nguyệt Linh tranh thủ giờ giải lao ở trường, sau mỗi buổi học, ngày nghỉ để bàn bạc, cùng xây dựng nội dung để hoàn thiện ý tưởng của mình. Tài liệu này được cả nhóm chia sẻ trong sự kiện Forest Festival, Nguyệt Linh và các bạn đã có buổi giới thiệu sách Một mẩu rừng cho bạn cho học sinh Trường THCS Thăng Long, Hà Nội.
"Buổi chia sẻ với các bạn học sinh mang lại cho cả nhóm sự hứng khởi. Đó là động lực để chúng em kêu gọi quyên góp cho Quỹ Gaia Conservation để trồng rừng tại Vườn quốc gia Bến En. Chúng em mong muốn có thêm nhiều bạn nhỏ hiểu được giá trị của rừng, ý nghĩa của việc góp phần tạo nên những mẩu rừng" - Nguyệt Linh chia sẻ trong buổi ra mắt cuốn sách.
Miệt mài với môi trường
Cuối năm 2020, Nguyệt Linh là đại biểu nhỏ tuổi dự Đại hội thi đua yêu nước của TP Hà Nội và hiện tại, năm 2021, em là người sáng lập, điều hành dự án GenZ Speaks Out for the Environment gồm 30 thành viên, được tài trợ bởi Tổ chức Live and Learn thông qua Quỹ sáng kiến "Vì không khí sạch - thành phố xanh" với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Dự án là nơi để các bạn trẻ thể hiện quan điểm sống, thái độ của mình với các hoạt động xã hội thông qua các sản phẩm do mình tạo ra. Giao thông an toàn, nói không với rác thải nhựa, khuyến khích trồng cây xanh, góp phần duy trì bầu không khí sạch... là những thông điệp trong các sản phẩm của các bạn nhỏ tham gia dự án của Nguyệt Linh.
Giờ đây nhiều người không chỉ biết đến em là cô bé "không bóng bay" mà nhận ra một Nguyệt Linh khác chững chạc hơn, suy nghĩ sâu sắc hơn khi em xuất hiện trong hàng loạt chương trình, dự án, sự kiện như chương trình chống biến đổi khí hậu của UNICEF, My future và Our Planet của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) nhân hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, hay tại Diễn đàn thanh niên và phát triển bền vững của Mạng lưới Thế hệ xanh (Tổ chức Live and Learn), Chiến dịch trái tim xanh kêu gọi chống bạo lực phụ nữ và trẻ em của UNICEF, Diễn đàn mô phỏng Liên Hiệp Quốc (IMUN online), Diễn đàn tham vấn thanh niên hành động vì khí hậu miền Bắc do Tổ chức Live and learn và UNDP tổ chức, Dự án GLUE Green&Blue Consumption for Hightschool (Glue Project)...
"Nhiều người không tin con bé vẫn giữ niềm say mê làm những việc vì môi trường, vì thời điểm viết thư xin không thả bóng bay con mới hơn 10 tuổi. Khi ấy tôi cũng sợ con còn non nớt, cố tránh để con xuất hiện trước truyền thông, cũng lo khi con tham gia nhiều hoạt động. Nhưng đến giờ điều tôi yên tâm nhất là con có niềm say mê. Đó không phải ý thích nhất thời mà là lựa chọn nghiêm túc con muốn theo đuổi lâu dài" - chị Minh Nguyệt, mẹ của Nguyệt Linh, chia sẻ.
Nguyệt Linh thường để lại hình đôi tai thỏ tinh nghịch như cách "đóng dấu" các sản phẩm mình làm nên đang viết tiếp ước mơ của mình. Giờ em đã tự tin nói muốn theo đuổi một nghề liên quan tới bảo vệ môi trường hay bảo tồn động vật hoang dã - ước mơ mang màu xanh hy vọng.
Bán sách để trồng rừng
Tại Diễn đàn thanh niên phát triển và bền vững của Tổ chức Live and Learn, phần giới thiệu của Nguyệt Linh về tài liệu "Một mẩu rừng cho bạn" đã thu hút sự chú ý. Nhóm đã được Trung tâm truyền thông của Bộ Tài nguyên và môi trường cùng Tổ chức Live and Learn tài trợ để in thành cuốn sách với số lượng ban đầu là 2.000 cuốn.
Toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động bán sách Một mẩu rừng cho bạn được Linh và các bạn ủng hộ vào Chiến dịch trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn Mèo Vạc, Hà Giang. Mỗi cuốn sách tương ứng với đóng góp 50.000 đồng để mua 1 cây giống trồng rừng.
Học từ những chuyến đi
Vợ chồng tôi hay quyết định cùng các con "khoác balô lên và đi" khi các con còn nhỏ. Vì tôi quan niệm kiến thức không chỉ học ở trường mà có thể học qua những chuyến đi, trong sự trải nghiệm.
Hơn hết, tôi muốn các con gần hơn với thiên nhiên, trân trọng cuộc sống tự nhiên, chia sẻ với cộng đồng, từ đó các con tìm thấy những giá trị cần thiết. Đôi khi những chuyến đi của gia đình tôi không đơn thuần là đi chơi.
Chúng tôi kết nối với một nhóm có khoảng 50 gia đình, tổ chức những chuyến trải nghiệm, làm một việc gì đó cụ thể có ích cho cộng đồng hay đơn giản để bọn trẻ có cơ hội thực hành những điều đọc được, học được trong sách vở.
Chị Minh Nguyệt (mẹ của Nguyễn Nguyệt Linh)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận