10/04/2025 18:22 GMT+7

Cô bé khiếm thị thắp sáng sân khấu piano quốc tế

Mất đi ánh sáng của đôi mắt nhưng thay vì mặc cảm, Nguyễn Hoàng Yến Nhi (sinh năm 2009, Hà Nội) đã nỗ lực không ngừng để tìm thấy ánh sáng cho riêng mình qua những phím đàn piano.

Cô bé khiếm thị thắp sáng sân khấu piano quốc tế - Ảnh 1.

Hình ảnh Yến Nhi tham gia Cuộc thi âm nhạc quốc tế Zhongsin lần thứ 9 vòng khu vực Việt Nam - Ảnh: NVCC

Yến Nhi là cô bé khiếm thị, nhưng với niềm đam mê mãnh liệt với piano, cô đã vượt qua những khó khăn để giành giải nhì tại Cuộc thi âm nhạc quốc tế Zhongsin tại Singapore vào tháng 1-2025. 

Những ngày tháng tối tăm

Ngay từ khi Nhi được sinh ra, bố đã bỏ 2 mẹ con để đi theo người phụ nữ khác. Yến Nhi sống cùng mẹ trong một ki ốt thuê tại khu chợ cũ trên phố Bằng B, Hoàng Mai, Hà Nội. Bên trong căn phòng nhỏ chưa đầy 15m2 có rất nhiều bằng khen, giải thưởng được bày trên cây đàn piano - nơi mà Nhi cho là đẹp nhất trong nhà.

Chị Nguyễn Thị Sáu, mẹ Yến Nhi, cho hay cô bé sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Thế nhưng khi em vừa tròn 1 tuổi, bạo bệnh ập đến. Trong mắt Nhi xuất hiện một đốm trắng nhỏ, sau đó lan ra hết cả mắt, không còn nhìn thấy lòng đen nữa. Hai mẹ con tức tốc đến bệnh viện.

Lúc ấy, người mẹ trẻ như chết lặng khi bác sĩ nói con gái nhỏ mắc ung thư võng mạc, buộc phải khoét một bên mắt. 14 tháng tuổi, Nhi đã phải bước vào cuộc đại phẫu. Sau khi khoét một mắt tại Bệnh viện Mắt trung ương, Nhi được chuyển về Bệnh viện K để điều trị thêm 6 đợt hóa chất.

Tưởng chừng sau ca phẫu thuật, ít nhất Nhi còn có thể nhìn thấy bằng một mắt còn lại. Thế nhưng 20 ngày sau cuộc đại phẫu, căn bệnh ung thư tái phát, di căn sang mắt còn lại. Thấy con đau đớn, kêu khóc, chị Sáu đành chấp nhận đưa con lên viện và tiến hành mổ lần 2, lấy đi nốt mắt còn lại.

Những tháng năm đầu đời của Nhi trôi qua trong bóng tối, không thấy Mặt trời, không thấy nụ cười của mẹ và thế giới quanh mình. Sau này, lớn hơn một chút, khi đến lớp, bạn bè xung quanh cũng thường xuyên trêu chọc em.

Nhi ngậm ngùi kể lại: "Từng có bạn bảo em là con ma, chỉ vì em không bình thường như các bạn. Khi em học tập tốt, đạt được điểm cao, một số bạn cũng không tin và cho rằng em đang nói dối".

Tìm thấy "ánh sáng" của cuộc đời

Sau khi phẫu thuật triệt căn, hằng ngày Nhi vẫn phải dùng thuốc để ngăn khối u không phát triển. Dù vậy, thi thoảng cơn đau vẫn hành hạ cơ thể của cô gái nhỏ. Nhi cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để mẹ an lòng.

Và rồi "ánh sáng" le lói đến với Nhi vào mùa hè năm 2023, khi tình cờ tham gia tiết học piano tại trung tâm nơi Nhi đang sinh hoạt.

"Khi nghe thấy tiếng đàn piano, em cảm thấy như mở ra một thế giới khác. Những cơn đau cũng dường như tan biến", Nhi nói. Từ đó piano trở thành niềm đam mê mãnh liệt của cô.

khiếm thị - Ảnh 2.

Ngoài tự luyện đàn, Yến Nhi rất thích làm “gia sư” dạy mẹ đàn những bài đơn giản

Dù điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nhưng thấy con thích piano, có năng khiếu về nghệ thuật, chị Sáu cố gắng chạy vạy để mua cho con một cây đàn cũ.

Không thể đọc được phổ nhạc, cách học của Yến Nhi cũng khác. Giáo viên cầm tay để hướng dẫn, sau đó Nhi sẽ ghi nhớ và tập đi tập lại nhiều lần để có thể trau chuốt. Một tuần, Nhi học đàn 2 buổi với giáo viên, còn lại em tự tập ở nhà vào thời gian rảnh.

Với người mắt sáng, trung bình cần từ 1-2 năm để thành thạo nhạc lý và đánh được piano cấp độ 2, tùy vào khả năng giảng dạy của giáo viên, sự tiếp thu của bản thân cùng việc rèn luyện thường xuyên, không ngừng nghỉ. Với một người khiếm thị như Yến Nhi, thời gian chắc chắn cần nhiều hơn.

Thế nhưng em chỉ mất khoảng 1 năm theo học để có thể đi thi quốc tế. Đã có giai đoạn, Nhi liên tục thức đến 1h sáng để tự tập đánh đàn, rồi vài tiếng sau sẽ có mặt tại trường để học tập cùng các bạn.

Chia sẻ về hành trình đến với âm nhạc của con gái, chị Sáu chia sẻ: "Khi nghe con đánh bài Nhật ký của mẹ, tôi đã không kìm được nước mắt. Mỗi khi thấy con nở nụ cười bên cây đàn, người làm mẹ như tôi cảm thấy rất hạnh phúc, mọi mệt mỏi dường như tan biến đi hết".

Nhi bộc bạch: "Mẹ ra ngoài làm đủ mọi nghề để nuôi em ăn học, nên em thường xuyên phải ở nhà một mình. Em từng cảm thấy rất buồn chán. Nhưng từ khi có cây đàn bầu bạn, em vui và có thêm nhiều hy vọng trong cuộc sống. Nếu không có mẹ và cây đàn piano, có lẽ em đã không còn động lực để sống tiếp".

Sau vài tháng học piano, Nhi đã giành được giải triển vọng tại Lễ hội âm nhạc Yoshine 2024, giải vàng xuất sắc Cuộc thi âm nhạc quốc tế Zhongsin lần thứ 9 vòng khu vực Việt Nam.

Đặc biệt, Yến Nhi đã trở thành thí sinh khiếm thị duy nhất giành giải nhì Cuộc thi âm nhạc quốc tế Zhongsin lần thứ 19 tổ chức tại Singapore vào tháng 1-2025, với sự tham gia của hơn 1.000 thí sinh đến từ 28 quốc gia.

Ở tuổi 16, cô bé xinh xắn, hay cười ấy vẫn luôn mơ về một tương lai tươi đẹp. "Em muốn trở thành nghệ sĩ piano để đàn cho thật nhiều người nghe và kiếm tiền nuôi mẹ", Yến Nhi cười nói.

khiếm thị - Ảnh 3.

Nhi rạng rỡ, yêu đời với "ánh sáng" của đời mình

Hiện nay, Yến Nhi đang theo học văn hóa tại Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Cô Phương Quỳnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A3, cho biết do Nhi là học sinh khiếm thị nên sẽ vất vả và cần phải cố gắng nhiều hơn các bạn. Đôi khi em phải nghỉ học vì lý do sức khỏe, hoặc để tham dự các cuộc thi piano.

"Tuy nhiên, cô giáo và các bạn luôn tạo điều kiện giúp đỡ Nhi. Nhờ đó, em luôn nhanh chóng hoàn thiện lượng kiến thức thiếu hụt trong các lần nghỉ học. Đặc biệt sự hiếu học của Nhi đã truyền cảm hứng tới các bạn, từ đó cùng nhau nỗ lực vươn lên", cô Quỳnh chia sẻ.

Bạn Phan Nguyễn Ngọc Châu (học sinh lớp 6A3) chia sẻ: "Em rất ngưỡng mộ bạn vì có thể học giỏi, lại chơi được piano điêu luyện. Yến Nhi chăm học, khi có vấn đề không hiểu là bạn hỏi cô hoặc chúng em luôn. Nhi hiền lại vui vẻ và dễ gần, nên em thích chơi với bạn".

Bước ra từ bóng tối, cô bé khiếm thị thắp sáng sân khấu piano quốc tế - Ảnh 4.Thầy khiếm thị mang 'ánh sáng' cho trò khuyết tật

Sinh ra kém may mắn vì đôi mắt không nhìn rõ như bao người nhưng Hoàng Nhật Minh (26 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) không đầu hàng số phận, tốt nghiệp đại học và trở thành thầy giáo, mang lại 'ánh sáng' cho cuộc đời nhiều học trò khuyết tật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên