Xắt rau, băm chuối đã trở thành công việc thường xuyên của cô học trò nghèo - Ảnh: THANH BA
Học sách cũ, mặc quần áo người khác cho... là 2 trong số vô vàn khó khăn, thiếu thốn bủa vây lấy My. Và xui thay, nghịch cảnh sắp đặt trớ trêu buộc cô học trò nghèo ngày ngày chở nước cơm ấy không còn lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận thay mẹ cha gánh trên vai sứ mệnh là trụ cột gia đình.
Trăm dâu đổ đầu tằm
Chọn xuất phát điểm tại ngôi trường cấp 2 Lê Thảo My đang theo học, chúng tôi âm thầm dõi bước cô bé ngót quãng đường gần 4 cây số. Đó là khoảng cách từ nhà đến lớp của My suốt 8 năm qua trên chiếc xe đạp cọc cạch.
Dù khó khăn đến mấy, em cũng chưa bao giờ bén lên ý nghĩ bỏ học. Bây giờ và sau này cũng thế. Em sẽ ra sức học thật tốt để quyết tâm thoát khỏi cảnh nghèo đeo đẳng cả gia đình hàng chục năm qua".
Lê Thảo My
Sự xuất hiện đột ngột của chúng tôi vô tình làm My ái ngại. Và ở chiều ngược lại, cô học trò cũng khiến những người di chuyển chậm hơn mình chưa đầy 30 bước chân rất đỗi ngạc nhiên.
Bởi chỉ trong khoảng thời gian tích tắc ấy, My đã kịp cởi bỏ bộ đồng phục đi học và nhanh chóng khoác lên mình tấm áo dài tay sờn cũ với lởm chởm mảnh may vá víu.
Và trên yên sau chiếc xe đạp cà tàng gỉ sét lúc này có thêm hai vỏ thùng sơn được My buộc chặt cẩn thận bằng dây cao su. Thoạt nhìn, không khó để nhận ra công việc với bộ dụng cụ giản đơn như vậy.
Khi đó chỉ là dòng suy nghĩ mới định hình tức thời và chúng tôi chưa kịp đặt câu hỏi thì cô bé đã nhanh nhảu thưa: "Dạ em chuẩn bị thùng đi chở nước cơm. Buổi trưa sau giờ tan học, em tranh thủ ra các quán ăn, nhà hàng ở trung tâm thị xã để xin đồ ăn thừa về cho đàn heo".
Sợ My vội, tôi hỏi tiếp: "Thế bụng chưa lót dạ bữa trưa vậy sức đâu em chịu nổi?". Đáp lại, My khẽ cười nhưng khóe mắt cay cay: "Dạ có bữa tới lớp với cái bụng xẹp lép, em cũng gắng bấm bụng chịu đau. Trưa ráng rẩm kiếm thức ăn cho heo xong xuôi thì khi đó mới an tâm lo cơm nước cho bà ngoại, mẹ và hai chị em".
Nghe My liệt kê nhà có 4 nhân khẩu nhưng khi đảo mắt nhìn quanh, chúng tôi chỉ bắt gặp em trai My và bà ngoại ốm yếu nằm co ro một chỗ. Nhắc đến mẹ, bỗng dưng nước mắt My chực chờ và cứ thế tuôn ra.
Thấy vậy, bà Kiều Thị Nết (bà ngoại My) bấu chặt song sắt cửa sổ, dốc sức nhoài người dậy, than: "Hai năm trước ba sắp nhỏ qua đời vì bạo bệnh. Năm ngoái mẹ chúng vì lao động quá sức nên bị chứng thoái hóa khớp gối và nhập viện điều trị như cơm bữa. Bao nhiêu gánh nặng theo đó đổ dồn lên đầu con bé.
Từ giặt giũ, cơm nước đến chăm đàn heo và mấy con vịt đều do một tay con bé quán xuyến. Nhìn cháu gái ngày một tiều tụy, xanh xao mà ruột gan tôi đau thắt".
Trời đứng bóng trưa, My chở nước cơm từ các quán ăn, nhà hàng về nhà - Ảnh: THANH BA
Chưa bao giờ bén ý nghĩ bỏ học
Ở nhà, cô bé mới 14 tuổi là trụ cột thay mẹ chăm em, phụng dưỡng bà ngoại già yếu - điều khiến chúng tôi quặn lòng thương cảm.
"Ở trường, Thảo My là một lớp trưởng gương mẫu, hay giúp đỡ bạn bè. 8 năm qua, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và vị trí lúc nào cũng nằm trong tốp 3 của lớp" - thông tin này do cô Trần Thị Thanh Vân (hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.
Về trường hợp của My, tình cờ chúng tôi nắm bắt thông qua Võ Thị Như Trang - một "sứ giả" có tấm lòng thơm thảo, ngày ngày âm thầm gieo những mầm xanh thiện nguyện cho đời.
Như Trang kể: "My có học lực rất tốt. 8 năm đến trường toàn học sách cũ người khác để lại và thiếu thốn cơm ăn, áo mặc nhưng My chưa bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tôi tình nguyện dạy kèm miễn phí cho hai chị em của My.
Hiện tại, ngoài My, cậu em tên Lê Duy Khánh đang bước vào năm lớp 6 cũng nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.
Về phần mình, khi đề cập đến chặng đường học vấn còn khá dài trước mắt, My khẳng định chắc nịch: "Dù khó khăn đến mấy, em cũng chưa bao giờ bén lên ý nghĩ bỏ học. Bây giờ và sau này cũng thế. Em sẽ ra sức học thật tốt để quyết tâm thoát khỏi cảnh nghèo đeo đẳng cả gia đình hàng chục năm qua".
100 suất học bổng
Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "Đèn đom đóm", trị giá 3 triệu đồng/suất.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận