![Cỏ bàng hóa thân rực rỡ - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/15/cb3-bd-read-only-17395877098762099508792.jpg)
Nông dân Huế thu hoạch cỏ bàng để làm sản phẩm thủ công - Ảnh: NGỌC THUẬN
Rất ít người biết các đồ sang trọng, giá tiền triệu này được làm từ nguyên liệu cỏ bàng hoang dại.
Hồ Sương Lan, người phụ nữ Huế, đã có hành trình diệu kỳ đưa loài cây vùng đầm phá lên tầm vóc mới. Rũ bỏ bùn đất từ sình lầy, từng sợi cỏ bàng được điểm chuốt, đan kết và hóa thành hình hài rực rỡ, đài các trong những chiếc túi xách, nón lá, phụ kiện trang điểm tiền triệu.
Từ loài cây dại mọc ven ruộng đồng
Bà Hồ Sương Lan (42 tuổi) không xuất thân từ vùng đầm sịa phèn chua ở Phong Điền (Thừa Thiên Huế) nhưng lại có sự am hiểu người nông dân ở đây. Xã Phong Bình (huyện Phong Điền) có làng dệt đệm Phò Trạch nổi tiếng trong quá khứ. Thấy loài cỏ dại mọc lấn át lúa, bà con thay vì nhổ bỏ thì đem về phơi giập rồi đan thành túi xách, chiếu nằm, đệm lót...
Nhưng số phận loài cỏ dại này chỉ quanh quẩn ở làng, những gian chợ quê nghèo nàn. Năm 2020, một người phụ nữ tìm tới gặp bà con để hỏi han. Không ai nghĩ người này đã thay đổi số phận cho cỏ bàng.
Bà Lan cho biết khởi nghiệp hướng dẫn viên du lịch và có công ty lữ hành nhỏ, nhưng mọi thứ bế tắc khi COVID-19 ập đến. Trong chuyến đi Indonesia, khi nhìn thấy bà đội chiếc nón bài thơ của người phụ nữ Huế thì nhiều người tò mò hỏi và khen đẹp.
Câu chuyện chiếc nón lá qua Indonesia cùng hình ảnh lụi tàn ở làng nghề Phò Trạch đã thôi thúc bà Lan sau đó trở lại gặp nông dân, lắng nghe trăn trở bao đời không đưa được tấm đan cỏ bàng ra khỏi chợ quê. Và bà bắt đầu hành động...
Cỏ bàng "đổi phận quê mùa nghèo khó"
![Cỏ bàng hóa thân rực rỡ - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/15/cb12-bd-read-only-1739587709886724838714.jpg)
Cỏ bàng hóa thân thành những sản phẩm đẹp - Ảnh: B.D.
Trong gallery kết hợp xưởng chế tác của mình ở đường Chu Văn An (thành phố Huế), bà Lan cùng đội ngũ nhân sự gồm thiết kế, họa sĩ, đóng gói, in dập, thợ may cho tới bộ phận livestream... làm việc liên tục để kịp đơn hàng.
Cách đó 50km, hàng chục nông dân trong team bà Lan ở Phong Điền cũng miệt mài cắt cỏ bàng, chăm sóc từng đám ruộng. Trước sân nhà, họ tụ lại cùng phơi sấy, đan dệt tấm đan thô gửi về xưởng. Tất cả vận hành như bộ máy nhịp nhàng, ráp nối hoàn hảo từng công đoạn.
Bà Lan nói rằng từ sau dịch COVID-19, tư duy tiêu dùng chuyển dịch rõ rệt. Người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên các sản phẩm bảo vệ môi trường, nguồn gốc từ tự nhiên. Đặc biệt chuỗi sản xuất hàng hóa phải chứng minh được sự giúp đỡ cộng đồng người yếu thế.
Ban đầu khi nghĩ sẽ làm các món đồ từ sợi cỏ bàng, bà Lan về Phò Trạch mua đồ thô của nông dân rồi về chế tác lại. Trong tháng đầu tiên, đơn hàng chỉ bán được đúng 15 triệu đồng. Dù ít nhưng đây cũng là tín hiệu hồi đáp từ thị trường.
Bà Lan nhìn thấy cơ hội của chính mình để bắt đầu hành trình mới và mời họa sĩ, thiết kế, truyền thông bắt tay vào hành trình hóa thân cho sợi cỏ bàng. Tháng sau, tổng doanh thu các mặt hàng đã vọt lên 300 triệu.
Chỉ một năm ngắn ngủi từ ngày tiếp cận cỏ bàng, chuỗi sản xuất với đầu gốc là nông dân ở Phong Điền và đầu cuối là những vị khách sành điệu thời trang, chịu chi tiêu đã hình thành. Hồ Sương Lan thuê nhà ở trung tâm Huế để làm xưởng chế tác, các họa sĩ và nhà thiết kế trẻ ở Trường Nghệ thuật Huế được mời hợp tác.
Nguyên liệu được hơn 20 nông hộ ở Phong Điền liên tục trồng tỉa, chăm sóc theo quy trình do bà Lan đặt hàng rồi chuyển về xưởng. Những sợi cỏ bàng từ bùn lầy hiện hình rực rỡ trong các túi xách tay được thiết kế, điểm vẽ họa tiết văn hóa Huế. Khi đặt trên các kệ trưng bày hoặc trên túi người mẫu và khách hàng, sản phẩm từ cỏ bàng thậm chí đẹp không thua hàng hiệu trị giá ngàn đô la.
"Tôi tự tin bán các sản phẩm này với giá ít nhất từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng. Mỗi tháng xuất đi hơn 1.500 sản phẩm các loại. Chúng tôi cho khách thấy rằng sản phẩm mình làm ra không phải chỉ tốt, bền mà chứa cả một câu chuyện văn hóa diệu kỳ. Trong hành trình ấy, bàn tay sáng tạo của người nông dân làng dệt đệm Phò Trạch là tâm điểm, là linh hồn", bà Lan nói.
Đưa hình ảnh văn hóa Việt, người nông dân ra thế giới
![Cỏ bàng hóa thân rực rỡ - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/15/cb4-bd-read-only-17395877098811331991347.jpg)
Bà Hồ Sương Lan với sản phẩm thời trang từ cỏ bàng - Ảnh: B.D.
Chỉ sau vài năm làm việc, bà Lan đang có quy trình chế tác các sản phẩm thời trang từ cỏ bàng vận hành trơn tru và tạo ra doanh thu hàng chục tỉ mỗi năm. Ngoài mạng lưới nông dân ở làng nghề còn có đội ngũ đông đúc thiết kế, họa sĩ, thợ gia công. Hàng tới tay khách chịu chi trong nước và bán được ra rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt tiếp cận sâu vào khách lữ hành quốc tế.
Bà nói không chỉ gây bất ngờ vì những túi "hàng hiệu từ làng quê Việt" mà khách du lịch đặc biệt yêu thích các họa tiết được thêu, vẽ trên sản phẩm. Đó là hình con rồng thường thấy trong các họa tiết trang trí ở Huế, là hình người phụ nữ Việt Nam, là hình ảnh 54 dân tộc Việt, là hình hoa sen...
"Chúng ta nên tự hào về văn hóa Việt. Người nông dân ở các làng nghề cũng có đôi bàn tay khéo léo mà cả thế giới phải thừa nhận. Cái thiệt thòi là bà con chưa biết cách nào để phát huy tài năng của mình để thu về đúng giá trị. Tôi là một trong những người may mắn nhìn thấy điều đó.
Chúng tôi đi bên cạnh các nông dân để giá trị cây cỏ bàng phải đem lại cuộc sống tốt nhất, đúng tầm vóc nhất cho bà con. Tôi mong câu chuyện là nguồn cảm hứng cho các làng nghề khác ở Việt Nam", bà Hồ Sương Lan tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận